BRICS VƯỢT G7 VỀ TIỀM LỰC KINH TẾ.
Sư ra đời của BRICS đang dần làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu, một trật tự mới về nền kinh tế của các quốc gia sẽ được thiết lập. Tổ chức này đối trọng trực tiếp với G7 về tỷ trọng đóng góp GDP toàn cầu, và được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ vượt xa sự đóng góp của G7 trong tương lai. Bên cạnh đó, sự vượt trội của BRICS cũng được thể hiện qua những lợi thế ngầm về tài nguyên mà các quốc gia thành viên đem lại cho khối.
Xét về tỷ trọng GDP toàn cầu, trong năm 2023 chỉ tính riêng các thành viên sơ khai là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi đã đóng góp vào GDP toàn cầu tổng cộng 26,4% - tương đương 27,7 nghìn tỷ USD. Và trên báo cáo hợp nhất đã bao gồm các thành viên mới thì con số này lớn hơn nhiều, cụ thể 29% - tương đương hơn 30 nghìn tỷ USD theo báo cáo của IMF. Còn về hướng G7, sự đóng góp chủ yếu đến từ Mỹ - 25% và tổng cộng của các thành viên là 43% - tương đương hơn 45 nghìn tỷ USD. Trên thực tế, các số liệu phản ánh rằng dù có tính thêm cả các thành viên mới nhưng sự đóng góp của khối BRICS vẫn còn ít hơn G7, nhưng khoảng cách này dần được thu hẹp lại. Nhìn về tương lai, khối BRICS được ngân hàng Goldman Sachs dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh và vượt xa G7 về mặt GDP tính đến 2050. Cơ sở cho dự đoán trên được phân tích từ tiềm năng tăng trưởng GDP thực tế của các thành viên, điển hình là Egypt được dự phóng tăng trưởng hơn 600% đến năm 2050.
Xét về tương quan lực lượng của BRICS, khối này đã lên kế hoạch kết nạp 6 thành viên mới vào trong hệ thống vào tháng 1/2024, bao gồm Saudi Arabia, Argentina, UAE, Egypt, Iran và Ethiopia. Khối BRICS sau khi có sự gia nhập mới của 6 nước sẽ trở thành khối BRICS mở rộng (BRICS +). Nhìn chung, các thành viên mới đa phần là các nước có trữ lượng và sản xuất dầu lớn trên thế giới. Việc gia nhập này cho thấy một ý định chặt chẽ về việc kiểm soát cung ứng dầu toàn cầu. Nếu việc kiểm soát này được thực hiện tốt trong dài hạn, thì vị thế của BRICS sẽ rất khác khi so sánh với các thành viên thuộc G7. Trên phương diện vô hình, sự gia nhập thêm của các nước mới đã và sẽ đem lại những lợi thế cạnh tranh mà không thể đo lường được bằng số liệu. Cụ thể là lợi thế về dầu mỏ, khí đốt và lượng dự trữ lithium lớn trong sản xuất pin.