Chứng khoán
Cỏ Mun
3 năm trước
Mặc dù trong ngắn hạn, đồng tiền nội tệ tăng giá có thể giúp kìm hãm lạm phát tạm thời. Nhưng về lâu dài, ruble quá mạnh sẽ khiến nền kinh tế Nga phát triển chậm lại và lạm phát tiếp tục tăng.
Theo RT, Tiến sĩ Kinh tế Denis Domashchenko cho rằng sự kết hợp giữa ruble mạnh và giá dầu cao sẽ tạm thời kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, đồng nội tệ mạnh lên cũng có thể đẩy nhanh tốc độ tăng giá tiêu dùng trong tương lai.
Vào ngày 23/5, ruble đã tăng hơn 6% so với EUR đạt mức 58,75 ruble đổi một EUR, cao nhất kể từ tháng 6/2015. So với USD, đồng tiền Nga tăng 4,6% lên mức 57,47 vào ngày 20/5, không xa so với đỉnh trong 4 năm.
Nhà phân tích Denis Domashchenko cảnh báo rằng sự thống trị của doanh thu ngành năng lượng cùng với đồng tiền quốc gia lên giá có thể gây ra "căn bệnh Hà Lan".
Trong kinh tế học, “căn bệnh Hà Lan” thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa sự phát triển của một lĩnh vực cụ thể và sự suy giảm trong các lĩnh vực khác.
Tình trạng này có thể phát sinh từ việc giá trị đồng tiền của quốc gia mạnh lên đột biến do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của một ngành chiếm ưu thế, thường là nhiên liệu hóa thạch.
Lúc đầu, dòng ngoại tệ đổ vào làm giảm lạm phát trong nước, nhưng đồng thời, tình trạng này cũng làm chậm sự phát triển của những ngành khác và cản trở tăng trưởng kinh tế, cuối cùng dẫn đến giá cả tăng.
Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1977 bởi tạp chí The Economist để mô tả sự suy giảm của lĩnh vực sản xuất tại Hà Lan sau khi phát hiện ra mỏ khí đốt khổng lồ Groningen vào năm 1959.
Với nguồn tài nguyên này, Hà Lan tập trung khai thác và xuất khẩu một lượng lớn khí đốt. Dòng ngoại tệ từ nước ngoài chảy mạnh vào quốc gia này và đẩy giá nội tệ lên cao, khiến cho xuất khẩu trì trệ do hàng hóa trong nước suy giảm sức cạnh tranh và nền kinh tế trở nên đình đốn.
Theo Tiến sĩ Domashchenko, việc ruble mạnh lên gần đây và doanh thu từ việc bán năng lượng với giá cao đang tạo ra rủi ro cho sự phát triển của nền kinh tế Nga trong dài hạn.
Nhà kinh tế này cảnh báo rằng “căn bệnh Hà Lan” hoặc hiệu ứng Groningen có thể xuất hiện trong nền kinh tế Nga. Tỷ giá hối đoái cao sẽ gây ra tình trạng trì trệ ở các lĩnh vực công nghệ cao của nền kinh tế và dẫn đến tăng giá cả trong tương lai.
Theo Tiến sĩ Domashchenko, việc thiết lập một tỷ giá hối đoái cố định bằng ruble thay vì chính sách thả nổi đang được sử dụng tại Nga kể từ 2014 sẽ giúp tạo ra sự cân bằng giữa điều tiết lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Nhà kinh tế này cho rằng một cơ chế tương tự trước đây đã giúp ổn định tình hình kinh tế ở Trung Quốc.
Theo Minh Quang - VietnamBiz
4 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.