Trang chủ
Video
Chế ảnh

Hân Gia

Tài khoản này đã được xác thực qua Entrade X. Tìm hiểu thêm.
ic_purple_tick

3 tháng trước

Hệ sinh thái “phức tạp” Onus

Hệ sinh thái “phức tạp” Onus
Chế ảnh này
(ĐTCK) Onus - một trong những ứng dụng đầu tư tiền mã hoá được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam đang cung cấp nhiều cách kiếm tiền, từ việc gửi tiết kiệm nhận lãi hàng ngày, hoa hồng khi giới thiệu người mới cho tới góp tài sản nhận phần trăm doanh thu từ sàn…, nhưng cũng có những câu hỏi từ hệ thống sản phẩm đầu tư phức tạp của sàn giao dịch tài sản số này. Onus - sàn giao dịch cho phép đầu tư tiền ảo, mua cổ phần và gửi tiết kiệm. Onus - sàn giao dịch cho phép đầu tư tiền ảo, mua cổ phần và gửi tiết kiệm. Đa dạng sản phẩm, dịch vụ đầu tư Cùng với sự bùng nổ của các kênh đầu tư tài sản số trên thế giới, không ít nhà đầu tư Việt Nam đã nhanh chóng nhập cuộc. Theo dữ liệu từ Công ty thanh toán tiền mã hóa Triple A, có khoảng 6 triệu người Việt Nam sở hữu tài sản kỹ thuật số, tương đương khoảng 6% dân số. Hiện Việt Nam đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng các quốc gia có tỷ lệ người dùng nắm giữ tiền mã hóa nhiều nhất thế giới của Triple A. Với làn sóng đầu tư tài sản số, các sàn giao dịch do người Việt sáng lập và phục vụ chủ yếu cộng đồng nhà đầu tư Việt cũng xuất hiện, trong đó có ứng dụng Onus, tiền thân là VNDC Wallet, được ra mắt lần đầu vào ngày 23/3/2020. Nhà đầu tư có thể bắt đầu tham gia Onus với số tiền chỉ từ 200.000 đồng. Đối tượng mà Onus nhắm tới là những người lần đầu tiên tham gia đầu tư tiền mã hoá hoặc những người không có thời gian giao dịch, tìm hiểu thị trường. Theo thông tin công bố từ Onus, đây là một trong những ứng dụng đầu tư tiền mã hoá được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam với hơn 2 triệu lượt tải, 1,6 triệu người đăng ký thành công (phần lớn đến từ Việt Nam hoặc người Việt Nam tại các quốc gia khác) và hơn 70.000 người sử dụng hàng ngày. Onus cung cấp 4 nhóm sản phẩm chính: Custodial (Lưu trữ, gửi/nhận các loại tiền mã hoá và hỗ trợ giao dịch tiền pháp định); Investing (mua, bán và quản lý danh mục đầu tư); Earning (gửi tiết kiệm không kỳ hạn với mức lãi 12%/năm khi lưu trữ các tài sản tại Onus…); Borrowing (cung cấp khoản vay với các tài sản đảm bảo là tiền mã hoá với lãi suất 24%/năm). Theo thông tin Onus công bố, ứng dụng này quản lý tài sản trị giá 120 triệu USD và giá trị cho vay 12 triệu USD. Doanh thu năm 2021 của Onus là 10 triệu USD. Onus phát hành riêng một loại stablecoin (đồng tiền điện tử ổn định, không có biên độ dao động về giá), đặt tên là VNDC và được quy ước bảo chứng bằng Việt Nam Đồng (VND). Giá trị của VNDC luôn ngang giá với VND (1 VNDC = 1 VND). VNDC được cộng đồng nhà đầu tư tiền điện tử coi là đại diện của Việt Nam Đồng trong lĩnh vực tiền ảo. Với sản phẩm đầu tư, nhà đầu tư có thể tham gia mua/bán kiếm lời từ chênh lệch giá các loại tài sản số thông qua sàn giao dịch. Onus có tính năng Credit Line, cho phép nhà đầu tư thế chấp tài sản mình đang sở hữu để vay vốn. Khoản vay được giải ngân bằng VNDC, với hạn mức vay từ 30 - 60%, tuỳ loại tài sản thế chấp. Nhà đầu tư trả lãi vay thế chấp theo ngày (0,067%), theo tuần (0,47%) hoặc theo tháng (2%). Nhà đầu tư sẽ bị margin call khi dư nợ khoản vay vượt ngưỡng 75% giá trị tài sản đảm bảo đạt và bị thanh lý khoản thế chấp (force sell) khi tỷ lệ này đạt ngưỡng 85% trở lên. Bên cạnh việc nhà đầu tư có thể đầu tư các loại tiền số như các sàn giao dịch khác, Onus thu hút cộng đồng nhà đầu tư Việt bằng một số cách kiếm tiền thụ động khác. Thứ nhất, Onus cho phép nhà đầu tư gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn với lãi suất 12%/năm. Cụ thể, với tính năng Staking Daily (lãi qua đêm), người dùng lưu trữ các loại tài sản trên Onus sẽ được trả lãi hàng ngày, tự động áp dụng với mọi khách hàng sở hữu các tài sản có trong danh sách. Riêng đối với VNDC, nhà đầu tư nhận lãi kép với tỷ lệ 12,79%/năm, con số hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng. Nói đơn giản hơn, nhà đầu tư nạp tiền vào ví Onus là có thể nhận lãi hàng ngày từ số tiền trong ví. Đây là hình thức gửi tiết kiệm không kỳ hạn của các đồng coin trên Onus. Tiền lãi được trả hàng ngày và nhà đầu tư có thể rút bất kỳ khi nào. Thứ hai, tính năng Farming cung cấp cho khách hàng các chương trình (Pool) để gửi tài sản nhận thưởng với thời hạn và tỷ lệ nhận thưởng tuỳ chương trình. Farming có lãi suất cao hơn Staking, có thể lên tới hơn 100%/năm, tuy nhiên nhà đầu tư không thể rút tiền gốc trước khi hết thời hạn. Nếu tham gia các Farming Pool của những đồng coin có giá ổn định, nhà đầu tư đối diện ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, nếu chọn những đồng biến động mạnh, khi giá đồng coin đó xuống thấp, số lãi mà nhà đầu tư nhận được cũng không bù nổi dẫn đến thua lỗ. Bên cạnh đó, các rủi ro lớn với Farming vẫn luôn được cảnh báo khi Farming lãi cao nhưng nhà đầu tư vẫn có khả năng chịu lỗ nặng. Trong đó có thể kể tới bị hack hợp đồng thông minh; rug pull (rủi ro này do chính các giao thức gây ra; dự án có thể rút toàn bộ thanh khoản và biến mất); Imperment Loss (Cặp tài sản biến động giá càng cao thì tổn thất tạm thời người dùng phải chịu cũng cao hơn)… Thứ ba, Onus trả hoa hồng cho khách hàng giới thiệu thêm người dùng/nhà đầu tư mới. Với mỗi tài khoản đăng ký mới thành công, người giới thiệu sẽ được nhận 35.000 VNDC và người mở mới được nhận 200.000 VNDC. Nếu đăng ký trở thành đối tác của Onus, các mức thưởng sẽ được cộng thêm 5.000 VNDC. Đây là hình thức để Onus nhanh chóng mở rộng cộng đồng người dùng. Bên cạnh đó, Onus tổ chức hệ thống đối tác kinh doanh với 4 cấp độ, mỗi cấp độ đi kèm với điều kiện và lợi ích/hoa hồng tương ứng. Trong đó, các đối tác phải nắm giữ số lượng Onus token từ 500 - 20.000. Thứ tư, nhà đầu tư có thể tham gia Onus Share, tính năng tương tự việc mua cổ phần của doanh nghiệp. Theo đó, nhà đầu tư sẽ nhận chia sẻ doanh thu từ Onus với tỷ lệ 20% doanh thu từ các giao dịch, sản phẩm và phí giao dịch P2P… Nền tảng pháp lý nào cho hoạt động tại Việt Nam? Đầu tư tiền ảo không được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo hộ. Trong khi đó, hoạt động tại thị trường Việt Nam, Onus công bố nhận được giấy phép số 124110246 cấp ngày 25/4/2022 về hoạt động trao đổi tài sản kỹ thuật số từ Chính phủ Lithuania. “Giấy phép này sẽ cho phép Onus cung cấp các hoạt động giao dịch tài sản tiền điện tử, dịch vụ lưu ký, ví lưu trữ tài sản số và quản lý danh mục đầu tư cho người dùng trên toàn cầu dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý tại Lithuania”, Onus cho biết trong tài liệu của mình. Theo giấy phép này, số vốn đăng ký của Onus Finance UAB là 2.500 euro; giám đốc là một người Singapore mang tên Cheng Song Eng. Vị này không được đề cập trong tài liệu của Onus. Theo tài liệu này, chỉ có 2 nhân sự chủ chốt được đề cập bao gồm CEO trực tiếp điều hành, xây dựng và phát triển toàn bộ Onus là ông Chiến Trần, CMO và COO - phụ trách truyền thông, nhân sự và tài chính là ông Trọng Nguyễn. Hiện tại, doanh thu của Onus tới từ các nguồn: khoản giảm phí và bồi hoàn từ các nhà tạo lập thị trường (market maker) và các sản phẩm giao dịch chuyển lệnh khi người dùng thực hiện mua/bán; doanh thu từ lãi các khoản vay (24% hàng năm); phí giao dịch P2P, doanh thu từ việc quản lý và đầu tư tiền mặt… Onus cho biết, doanh thu năm 2021 của Công ty là 10 triệu USD. Trong thời gian vừa qua, thế giới tiền mã hoá liên tục xảy ra các vụ sụp đổ gây chấn động thị trường. Sau sự kiện đồng luna vào tháng 5/2022, FTX – sàn giao dịch tiền số lớn thứ hai thế giới đã mất thanh khoản, nhà đầu tư không thể rút tiền. Trước khi sụp đổ, FTX từng được định giá 32 tỷ USD với hơn 1 triệu người dùng. Đáng chú ý, ngay sau khi FTX Group nộp đơn xin phá sản, Hãng tin Reuters cho rằng có ít nhất 1 tỷ USD của khách hàng đã biến mất khỏi sàn giao dịch này mặc dù bản thân khách hàng không được rút tiền. Sự kiện FTX không chỉ thổi bay tài sản của nhà đầu tư mà còn làm bốc hơi đáng kể niềm tin vào thị trường tiền số. Các nhà đầu tư muốn nhanh chóng thanh lý tài sản số, rút tiền khỏi thị trường, đẩy giá trị của các đồng tiền số lao dốc mạnh… Tại Việt Nam, nhóm Telegram chính thức của FTX dành cho người Việt Nam có gần 10.000 thành viên đã ngừng hoạt động. Nhiều người kẹt tiền tại đây, không thể giao dịch. Đây cũng được xem là lời nhắc nhở nghiêm khắc với các nhà đầu tư về lợi nhuận cao đi kèm rủi ro rất cao. Phóng viên Đầu tư Chứng khoán đang liên hệ với chủ sở hữu sàn Onus để làm rõ hơn về những hoạt động của sàn giao dịch tài sản số này tại Việt Nam.
reaction

105 lượt thích

0 bình luận

© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.