Chứng khoán
Tìm hiểu từ phía các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhiều đơn vị cho biết, họ đang rất khó khăn về nguồn tiền để nhập hàng. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung xăng dầu đứt gãy cục bộ.
Doanh nghiệp gặp khó về nguồn tiền để nhập hàng
Ghi nhận của PV Lao Động những ngày qua, tình trạng đứt nguồn cung xăng dầu không chỉ diễn ra ở một số tỉnh miền Nam, mà còn xuất hiện ở nhiều điểm trên địa bàn TP Hà Nội - nơi được đánh giá là nguồn cung sẽ ít biến động.
Một thương nhân phân phối xác nhận, tình trạng một số cây xăng của doanh nghiệp tư nhân ở các quận: Hà Đông, Tây Hồ, Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Gia Lâm... thông báo "hết xăng", hoặc bán hạn chế số lượng (ôtô được đổ 200.000 - 500.000 đồng/xe; xe máy 50.000 đồng/xe) đã xảy ra.
Các địa phương khác như Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nguyên nhân được hầu hết thương nhân cho biết là do việc nhập hàng rất khó khăn. Ngay cả những đối tác lấy hàng thường xuyên và lâu năm cũng báo khan hàng.
Tìm hiểu từ phía các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhiều đơn vị cho hay, họ đang rất khó khăn về nguồn tiền để nhập hàng.
Ông Trương Anh Kiệt - chủ một số cây xăng dầu ở An Giang - khẳng định, việc lỗ liên tục đã khiến doanh nghiệp cạn vốn, thậm chí "chỗ nào vay được cũng đã vay hết rồi".
Từ đầu năm đến nay, mỗi cây xăng lỗ trung bình mỗi tháng khoảng 20-200 triệu đồng, tùy sản lượng bán. Ước lượng, đến thời điểm này, trung bình mỗi cây xăng sẽ lỗ từ 200 triệu đồng đến hàng tỉ đồng.
"Thời điểm này, ngân hàng đều nắm được việc kinh doanh xăng dầu thua lỗ nên họ dè chừng. Để có tiền nhập hàng, tôi đã phải vay lãi ngày. Vì thế, lượng hàng phải nhập ít đi. Dù vậy, nhiều thời điểm, thương nhân cung ứng xăng dầu cũng không có hàng cấp. Giờ mua hàng còn hơn ăn xin" - ông Kiệt than thở.
Theo thông tin của Báo Lao Động, hiện nay, xăng dầu sản xuất trong nước thông qua hai nhà máy lọc dầu đảm bảo 80% nhu cầu thị trường, còn lại là nhập khẩu. Tuy nhiên, một nửa lượng dầu thô để sản xuất xăng dầu được nhập khẩu từ thế giới, nên giá xăng dầu biến động sẽ có tác động trực tiếp đến xăng dầu trong nước.
Trong hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện có 4 tầng: 34 doanh nghiệp đầu mối, hơn 300 thương nhân phân phối (đơn vị nhận hàng từ doanh nghiệp đầu mối), đại lý/tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ. Tổng đại lý/đại lý và cửa hàng bán lẻ có khoảng 17.000 cửa hàng, đây là hệ thống do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp, quản lý trực tiếp.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hệ thống phân phối này liên tục bộc lộ những điểm yếu, gây nên bất ổn trong thị trường xăng dầu cả nước.
Cần giải pháp gì?
Để giải quyết những khó khăn về nguồn vốn, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho 16 doanh nghiệp đầu mối được cấp phép nhập khẩu xăng dầu.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã kiến nghị Vietcombank, BIDV, Vietinbank không tính trong giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với các khoản vay tổng cộng trên 6.000 tỉ đồng doanh nghiệp đang vay từ các ngân hàng này để nhập khẩu xăng dầu.
Đặc biệt, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đề xuất hàng loạt các ngân hàng tăng hạn mức đề xuất để mở L/C với tổng số tiền trên 10.000 tỉ đồng để sử dụng nhập khẩu xăng dầu...
Trước đề nghị này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát cho thấy, hạn mức của 15 ngân hàng thương mại cấp cho 16 đầu mối là chưa hết và còn ở mức tương đối thấp.
Tuy nhiên, ông Hà khẳng định: "Qua phân tích đánh giá thông tin hết hạn mức, gồm cho vay đồng Việt Nam, đồng ngoại tệ, mở L/C đều thấp hơn nhiều so với mức mà ngân hàng cung cấp cho thấy, không hẳn do phía ngân hàng hay việc cấp hạn mức tín dụng, mà nhiều doanh nghiệp có phương án tài chính chưa hiệu quả, họ bị lỗ nên điều kiện vay vốn không tốt".
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho rằng, để tháo gỡ “nút thắt”, cần thực hiện các giải pháp như cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu, không chỉ những thị trường có thuế suất ưu đãi mà cả những thị trường có thuế suất không ưu đãi và chấp nhận mức thuế suất này trong giá cơ sở, để chủ động nguồn cung.
Bên cạnh đó, điều chỉnh ngay các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã lỗi thời theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Đồng thời, cần hướng dẫn các đầu mối, các thương nhân phân phối theo nguyên tắc phân chia chi phí khoản định mức cho từng khâu để tránh tình trạng chèn ép nhau trong thỏa thuận phân chia chi phí, từ đó chấm dứt tính trạng chiết khấu 0 đồng.
Theo Báo Lao Động
7 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.