PC1 đang kinh doanh ra sao?
+ CTCP Tập đoàn PC1 (PC1 Group - HoSE: PC1) được thành lập vào ngày 02/03/1963. Năm 2005, công ty được cổ phần hóa. Ba năm sau, PC1 trở thành công ty đại chúng.
- Trải qua hàng chục năm xây dựng và phát triển nhưng tình hình kinh doanh của PC1 chỉ thật sự khởi sắc kể từ khi Quy hoạch điện 7 được ban hành (từ năm 2011).
- Giai đoạn 2009 - 2013, công ty đạt mức tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm trên 15%, với doanh thu hàng năm trên 1.000 tỷ đồng. Năm 2016, công ty chính thức được niêm yết trên HoSE với mã cổ phiếu là PC1.
Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của PC1 bật tăng mạnh mẽ. Chẳng hạn như năm 2018, doanh thu của công ty đạt 5.084 tỷ đồng, tăng hơn 60%; lãi ròng tăng gấp đôi năm 2017. Các năm sau đó, doanh thu và lợi nhuận của PC1 đều tăng trưởng tích cực. Năm 2021 PC1 lập đỉnh về doanh thu và lợi nhuận.
- Riêng năm 2022, Tập đoàn PC1 ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận đều giảm nhưng vẫn lần lượt đạt 8.358 tỷ đồng và 537 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch kinh doanh đề ra, công ty mới chỉ hoàn thành 76% mục tiêu doanh thu và 80% mục tiêu lợi nhuận năm 2022. Nguyên nhân chính là do ba dự án điện gió đi vào vận hành nên chi phí lãi vay phát sinh không còn được vốn hoá.
Quý 1/2023, PC1 công bố kết quả kinh doanh với lãi ròng đạt 79 tỷ đồng, giảm mạnh 56% so cùng kỳ. Sở dĩ lợi nhuận kỳ này của PC1 giảm do lợi nhuận yếu từ mảng phát điện và sản xuất trụ điện ảnh hưởng đến lãi tăng từ mảng xây lắp điện.
- Trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vừa qua, PC1 đặt mục tiêu tổng doanh thu 9.450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 511 tỷ đồng và phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 15%. Kế hoạch cho thấy quyết tâm của Tập đoàn trong việc ổn định và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh dù bối cảnh kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn.
- Cùng với đó, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của PC1 cũng trên đà tăng trưởng mạnh. Sau 10 năm, tổng tài sản của công ty tăng 18 lần lên ngưỡng hơn 21.759 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng từ 321 tỷ đồng lên 7.172 tỷ đồng.
Ông trùm xây lắp điện liên tục lấn sân sang lĩnh vực mới
- Nhiệm vụ trọng tâm ban đầu của PC1 là xây lắp các công trình truyền tải điện quốc gia, đến nay PC1 còn mở rộng sang lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đầu tư năng lượng, đầu tư bất động sản, tư vấn và dịch vụ.
- Lĩnh vực xây lắp điện vẫn là thế mạnh của PC1. Doanh nghiệp này đã và đang dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực xây lắp điện với kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án truyền tải điện quốc gia. PC1 là tổng thầu EPC, PC tới cấp điện áp 500 KV và các dự án có tính đặc thù cao (trạm Gis, dự án cấp điện ra đảo, dự án cáp ngầm…). Bên cạnh đó, công ty cũng là tổng thầu các nhà máy điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là các công trình có yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao (nhà máy điện gió, điện mặt trời).
PC1 Group liên tục thi công những dự án trọng điểm quan trọng với đội ngũ nhân sự trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, tay nghề cứng, kết hợp với việc sử dụng công nghệ thiết bị hiện đại, điển hình là công nghệ Navifly.
- Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, PC1 Group là đơn vị duy nhất và có quy mô lớn nhất Việt Nam về thiết kế, chế tạo cột thép đơn thân 110 KV, 220 KV – 1, 2, 4 mạch và cột thép liên kết thanh đến 750kV, với dây truyền công nghệ hiện đại tích hợp hệ thống điều khiển CNC tổng công suất trên 50.000 tấn sản phẩm/năm.
- PC1 đã tăng cường đầu tư và vận hành hiệu quả dự án khai thác và chế biến khoáng sản Niken - Đồng tập trung nâng cấp và phát triển nguồn tài nguyên lớn. Cụ thể, PC1 sở hữu 57,27% vốn CTCP Khoáng sản Tân Phát (Chủ đầu tư Dự án khai thác lộ thiên khoáng sản Niken ở Cao Bằng). Theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt, dự án có tổng mức đầu tư là 1.502 tỷ đồng, công suất thiết kế là 600.000 tấn/năm.
- Lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản, PC1 hiện đang sở hữu trên 100.000 m2 đất tại các khu vực Hà Nội, Ninh Bình và Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp đã và đang tích cực triển khai đầu tư và hợp tác đầu tư.
Đối với mảng tư vấn và dịch vụ, PC1 thực hiện tư vấn thiết kế và đã hoàn thành được kể đến gồm có: Nhà máy Thủy điện Tà Cọ-Sơn La; Đường dây 110kV từ Trạm 500kV Thường tín đến 110kV Thường Tín-Hà Nội: Nâng công suất trạm biến áp 110kV Nhật Tân – Hà Nội; Nâng công suất trạm biến áp 110kV Phúc Thọ – Hà Nội; Trạm biến áp 110kV Núi Pháo-Thái Nguyên; Nhà máy Nikel Bản Phúc-Sơn La; Đường dây 110kV Tằng Lỏng-Khe Lếch-Lào Cai; Mở rộng TBA 220kV Thái Bình.
Bên cạnh đó, PC1 cũng là đơn vị chuyên nghiệp nhiều năm trong công tác đo vẽ trích lục và bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình điện trên toàn quốc. Ngoài ra, PC1 còn cung cấp dịch vụ quản lý cho các tòa nhà hỗn hợp cao tầng, khu chung cư và kinh doanh sàn giao dịch bất động sản.
Hiện nay, mạng lưới phân phối của PC1 được phủ khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Bên cạnh đó, PC1 còn xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài như Úc, Nhật Bản, Lào, Myanmar...
Quy hoạch điện 8 mang lại lợi thế gì cho PC1?
- Hiện nay, nhu cầu nâng cấp hệ thống truyền tải điện đang quá tải, do đó nhu cầu xây dựng mạng lưới truyền tải điện vẫn còn nhiều dư địa, điều này sẽ mở ra cơ hội cho các công ty xây lắp điện. Với việc mở rộng công suất huy động để bắt kịp với nhu cầu sử dụng của xã hội, việc xây dựng nhà máy điện, hệ thống truyền tải và trạm biến áp mới là không thể thiếu.
- Bên cạnh đó, việc EVN tăng mạnh đầu tư trong giai đoạn từ nay tới 2030 với tổng đầu tư 134,7 tỷ USD và 399,2 – 523,1 tỷ USD giai đoạn 2031 – 2050.
Xu hướng năng lượng sạch dẫn tới nhu cầu nâng cấp đường truyền tải điện. EVN đẩy nhanh tiến độ của các dự án xây dựng truyền tải điện lớn đặc biệt ở tuyến Trung – Nam do đây là nơi tập trung nhiều dự án điện gió và điện mặt trời. Các dự án này đang dần được mở rộng do xu hướng sử dụng năng lượng sạch, dẫn tới nhu cầu nâng cấp đường truyền để đảm bảo hệ thống đáp ứng đủ công suất. Đây sẽ là cơ hội đối với các doanh nghiệp xây lắp và tư vấn điện.
- Thêm vào đó, Quy hoạch điện 8 được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp xây lắp điện như PC1 tháo gỡ các rắc rối về pháp lý của các dự án đang triển khai, giải quyết lượng tồn đọng khổng lồ còn chưa được giải quyết.
- Là nhóm ngành hưởng lợi xuyên suốt Quy hoạch điện 8, rào cản gia nhập cao là một thách thức lớn khi lựa chọn doanh nghiệp đầu tư. Hệ thống lưới điện truyền tải cao áp ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia và yêu cầu kỹ thuật chuyên môn đặc thù, điều kiện thi công khó khăn là rào cản lớn nhất của ngành xây lắp điện.
- Bề dày kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong ngành cũng là rào cản gia nhập lớn với các đối thủ muốn xâm nhập thị trường này. Những dự án xây lắp điện thường được thực hiện bởi các doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành.
Theo VnDirect, nhóm tư vấn và xây lắp điện - dẫn đầu bởi PC1 sẽ là nhóm hưởng lợi với rất nhiều cơ hội tham gia các dự án đa dạng, từ truyền tải điện ở khu vực Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên cho tới các nhà máy điện gió, trang trại điện mặt trời - đón đầu xu thế sử dụng năng lượng sạch.
VnDirect nhận định 2023-2024 sẽ là giai đoạn ghi nhận tăng trưởng lãi ròng tốt cho PC1, hỗ trợ bởi các hoạt động mở rộng kinh doanh ở nhiều ngành nghề, làm dày hơn hệ sinh thái của công ty bao gồm khai khoán Niken, bất động sản khu công nghiệp và bất động sản nhà ở.
VnDirect cũng nhận thấy PC1 - với vị thế là nhà thầu EPC điện gió và xây lắp điện hàng đầu sẽ được hưởng lợi sớm nhất khi quy hoạch điện 8 được ban hành và các vướng mắc trong chính sách giá mới cho năng lượng tái tạo được tháo gỡ.