Tài chính
Ngân hàng Nhà nước đang phát đi tín hiệu sẵn sàng tạo điều kiện bằng các nguồn lực vốn dài hạn cho các ngân hàng thương mại sau động thái nới “room” vừa qua…
Trong 2 ngày 7 và 8/12, trên kênh cầm cố thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 91 ngày, những ngân hàng trúng thầu sẽ được phép sử dụng khoản tiền hỗ trợ này đến tận đầu tháng 3/2023.
Giới phân tích cho rằng, với việc kéo dài kỳ hạn từ 14 ngày lên 91 ngày, nhà điều hành gửi đi tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản hệ thống với kỳ hạn dài hơn, điều mà trước đó rất hiếm gặp. Đây cũng được xem là động thái hiện thực hóa thông điệp đẩy ra thị trường một lượng vốn dài hạn hơn thường thấy.
Trong buổi trao đổi với báo chí gần đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích động thái nới “room” mới đây rằng, ngoài việc các ngân hàng thương mại phải chủ động, tích cực huy động các nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư thì Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm nguồn vốn dài hạn.
“Ngân hàng Nhà nước vừa tiếp tục theo dõi hướng tín dụng đi đúng mục đích; vừa sẵn sàng tạo điều kiện các nguồn lực vốn dài hạn cho các ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu vốn bức thiết cho nền kinh tế hiện nay”, ông Tú nhấn mạnh.
Ngày 8/12, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) công bố giảm 2% lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng dịp cuối năm. Đối tượng thụ hưởng bao gồm: doanh nghiệp và người dân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh; doanh nghiệp cần vốn để gấp rút sản xuất các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu Tết. Trước đó, có 3 ngân hàng cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay khoảng 2% là Vietcombank, Agribank và HDBank.
Trước đó, vào ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng (room) định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 – 2% trên toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế năm nay có thể ở mức 15,5-16%. Tuy nhiên, chỉ tiêu tăng thêm vẫn được phân bổ dựa theo nhu cầu thực tế và chất lượng hoạt động của từng ngân hàng.
Tuy nhiên có một điểm đáng chú ý rằng, nới “room” là một chuyện, điều quan trọng là các ngân hàng phải xoay xở đủ vốn cho vay. Bởi lẽ, thanh khoản hệ thống là vấn đề rất nóng hiện nay khi mà hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng (LDR – Loan to Deposit) đã vượt hơn 100%.
Theo một chuyên gia, tính đến cuối tháng 9/2022, tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cư dân tại các tổ chức tín dụng lần lượt đạt 5,7 triệu tỷ đồng và 5,6 triệu tỷ đồng. Như vậy, tổng tiền các tổ chức tín dụng huy động được khoảng 11,3 triệu tỷ đồng. Trong khi, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tại cùng thời điểm đã lên gần 11,6 triệu tỷ đồng. Điều này gây áp lực đối với thanh khoản hệ thống.
Chia sẻ với VnEconomy, một chuyên gia kinh tế cho biết, ngoài câu chuyện lạm phát, việc thanh khoản hệ thống đang căng cũng là yếu tố khiến Ngân hàng Nhà nước cân nhắc tới chuyện nới room tín dụng thời gian qua.
Hiện tại, thị trường đang đặt câu hỏi rằng tiền đang ở đâu mà ngân hàng không thể huy động vốn và khiến thanh khoản phải chịu áp lực, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục tăng vừa qua.
Để trả lời câu hỏi này, vị chuyên gia cho hay, cung tiền (M2) có 4 cấu phần bao gồm: tín dụng; đầu tư công; kinh tế đối ngoại, tức dòng vốn nước ngoài; tự bản thân nền kinh tế tạo ra tiền nhờ hoạt động dân trả cho doanh nghiệp và doanh nghiệp trả cho dân.
“Trong 4 cấu phần, chỉ có duy nhất tín dụng vẫn tăng trưởng. Còn 3 cấu phần còn lại thì đều bị tắc nghẽn. Điều này khiến cung tiền M2 tăng chậm. Kéo theo đó là việc ngân hàng không huy động được nhiều vốn để cho vay”, vị chuyên gia giải thích.
10 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.
Nhà đầu tư ẩn danh
2 năm trước
Đã chỉnh sửa