Trang chủ
Video
Chế ảnh

Hân Gia

Tài khoản này đã được xác thực qua Entrade X. Tìm hiểu thêm.
ic_purple_tick

2 tháng trước

Trung Quốc dẫn đầu số dự án đầu tư FDI mới

Trung Quốc dẫn đầu số dự án đầu tư FDI mới
Chế ảnh này
Xét về số vốn đầu tư, Singapore vẫn đang giữ ngôi vương, nhưng xét về số dự án đầu tư mới, Trung Quốc là nhà đầu tư đang dẫn đầu. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) Trung Quốc vẫn đang tăng tốc đổ vào VN. Trung Quốc dẫn đầu số dự án đầu tư FDI mới Chiều 13.8, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã tiếp và làm việc với đoàn doanh nghiệp (DN) Trung Quốc. Ông Si Zhong Wu, Giám đốc Goldwind International Đông Nam Á, đại diện các DN trong chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện cho tuabin điện gió tại Trung Quốc, cho biết Goldwind thuộc tốp 3 các nhà sản xuất tuabin gió của thế giới, cung cấp hơn 47.000 tuabin gió với tổng công suất lắp đặt toàn cầu vượt quá 97 GW. Dịp này, đoàn muốn khảo sát và chọn địa điểm đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp tuabin điện gió công nghệ cao tại Khu phi thuế quan, logistics và công nghiệp Lạch Huyện (Hải Phòng). Nhà máy của Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan (100% vốn Trung Quốc) tại Hưng Yên Gia Hân Trước đó 1 tuần, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của Hải Phòng, tổ chức ở TP.Thâm Quyến (Trung Quốc), lãnh đạo TP.Hải Phòng đã trao 7 giấy chứng nhận đăng ký mới và mở rộng đầu tư cho các nhà đầu tư Trung Quốc với tổng vốn gần 200 triệu USD. Các lĩnh vực DN Trung Quốc mở rộng đầu tư dịp này chủ yếu trong sản xuất tấm năng lượng mặt trời, linh kiện điện tử, gia công phụ tùng ô tô... Cũng tại sự kiện này, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng ký kết 4 biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc. Nếu trước kia, Trung Quốc chỉ là đối tác thương mại hàng đầu của VN thì trong vòng 5 năm qua, Trung Quốc luôn nằm trong tốp 5 quốc gia có lượng đầu tư lớn nhất tại VN. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho thấy, trong 7 tháng năm nay, Singapore dẫn đầu với tổng vốn FDI vào VN gần 6,52 tỉ USD, chiếm gần 36,2% trên tổng vốn đầu tư, tăng hơn 79% so với cùng kỳ; Hồng Kông đứng thứ 2 với hơn 2,19 tỉ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Kế đó là Nhật Bản, Trung Quốc… Tuy vậy, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 30%), tăng gấp 7 lần và trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6/146 đối tác đầu tư vào VN. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận xét: Điều tích cực dễ nhận thấy nhất là vốn FDI từ Trung Quốc có sự xuất hiện tên tuổi nhiều tập đoàn có quy mô quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ, điện - điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, xe điện… Thực tế quan sát cho thấy, nếu vốn FDI Trung Quốc vào VN trước đây thường tập trung vào các ngành nghề sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, sắt thép, giày da, may mặc, chế biến thực phẩm, bao bì nhựa… thì mấy năm trở lại đây, vốn Trung Quốc chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô, năng lượng xanh. Mới đây, Tập đoàn BOE Bắc Kinh đầu tư nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh tại KCN Phú Mỹ 3 (Bà Rịa-Vũng Tàu) với tổng vốn 277,5 triệu USD, chuyên lắp ráp và sản xuất màn hình cho máy vi tính, ti vi, bo mạch…, dự kiến hoạt động năm 2026. Năm 2019, BOE Bắc Kinh cũng đưa vào hoạt động nhà máy ở Đồng Nai. Đến nay, nhiều dự án trị giá hàng trăm triệu USD, thậm chí lên tới cả tỉ USD từ Trung Quốc như Goertek, BYD, Radian, Brotex, Wingtech, Deli, Trina Solar… đã có mặt tại VN. Gần đây nhất là dự án liên doanh với Tập đoàn Geleximco, sản xuất xe điện Omoda và Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery Trung Quốc) trị giá hơn 800 triệu USD. Thị trường của những nông sản tỉ USD Bên cạnh vốn đầu tư ngày càng tăng thì về thương mại, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của nông sản Việt. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018, tổng kim ngạch thương mại song phương VN - Trung Quốc lần đầu tiên vượt mốc 100 tỉ USD. Đến năm 2023, con số này tăng lên 171,2 tỉ USD, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Nhiều nhóm hàng nông sản VN xuất khẩu sang Trung Quốc đạt giá trị tỉ USD Đặc biệt, nhờ thị trường khổng lồ này, có 12 nhóm hàng nông sản VN trở thành ngành giá trị tỉ USD. Cụ thể, với mặt hàng rau quả, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 53,7% lượng hàng xuất ra nước ngoài; xuất khẩu vải thiều chiếm 90%; thanh long chiếm hơn 80%; cao su 71% và Trung Quốc hiện là thị trường thứ 3 của thủy sản VN. Theo Tổng cục Hải quan, một số mặt hàng nông sản VN xuất sang Trung Quốc đã tăng trưởng đột biến trong năm qua, nổi bật là sầu riêng đạt hơn 2,2 tỉ USD, tăng gấp 5 lần so với năm trước. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, đánh giá: Ngoài thị trường có nhu cầu tiêu thụ cao, hàng hóa sang Trung Quốc có nhiều thuận lợi do chi phí logistics rẻ, thời gian giao hàng nhanh. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc chuộng nhiều loại trái cây VN. Nhiều năm qua, sản phẩm trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc luôn đạt kim ngạch cao hơn rất nhiều so với những loại trái cây khác. 11 loại trái cây của VN hiện xuất chính ngạch sang Trung Quốc bao gồm xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, chanh dây và sầu riêng là những loại đứng ở tốp đầu về kim ngạch xuất khẩu. GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài, nhận xét, quan hệ thương mại hai nước Việt - Trung có tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa. Chẳng hạn, VN xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng điện thoại, linh kiện điện tử, cà phê, cao su, nông thủy hải sản…; ở chiều ngược lại, Trung Quốc xuất khẩu nhiều mặt hàng máy móc, nguyên phụ liệu, vật tư xây dựng, giày dép, vải sợi… sang VN. Về đầu tư, theo GS Nguyễn Mại, vốn FDI Trung Quốc đổ vào VN ngày càng tăng bởi những lợi thế từ thị trường nội địa với nước này. Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn do cạnh tranh thương mại với Mỹ. Xuất khẩu của Trung Quốc sang các thị trường Mỹ, châu Âu giảm nhiều từ trong và sau đại dịch, nhất là lĩnh vực công nghệ cao. Trong khi đó, VN nằm ngay bên cạnh, có mối quan hệ kinh tế thương mại với thế giới rất tốt, ưu đãi về thuế quan qua các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương mà VN ký kết là lợi thế lớn để xuất khẩu hàng hóa.  Vì thế, đầu tư vào VN là tìm kiếm cơ hội liên kết sản xuất, thông qua đó tạo một chuỗi cung ứng khép kín trong sản xuất và kinh doanh tại thị trường này. DN Trung Quốc rất giỏi trong việc đón bắt các xu hướng kinh tế toàn cầu và đáp ứng nhu cầu của thị trường. VN với vị trí địa lý thuận tiện, chi phí nhân công tương đối rẻ so trong nước, chi phí thuê đất không cao, ưu đãi thuế… sẽ là các yếu tố hấp lực nhà đầu tư nước này. VN lại có lợi khi có nguồn nguyên vật liệu được đầu tư sản xuất tại chỗ, xuất khẩu hưởng giá trị gia tăng từ đây. Đó là những hấp lực của VN với nhà đầu tư Trung Quốc.  Trong tư duy cũ, nhiều khi ta cứ hay định vị hàng hóa từ Trung Quốc là không chất lượng. Nhưng với công nghệ hiện đại, thậm chí có những công nghệ hàng đầu thế giới, Trung Quốc là nhà đầu tư chất lượng. Mấy năm qua, dòng vốn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tương lai, AI…, những lĩnh vực mà mình rất cần thì Trung Quốc cũng rất mạnh. Quan trọng hơn, chúng ta có quyền lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất cho mình. GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài
reaction

239 lượt thích

0 bình luận

© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.