Chứng khoán
Nhiều công ty nhóm thủy điện, dược phẩm hay nhóm đá xây dựng, nhựa dân dụng,... đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau ba quý.
Tính đến sáng 25/10, thị trường đã có hơn 600 doanh nghiệp trên HOSE, HNX và UPCoM đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Giữa bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023 sau 9 tháng.
Thủy điện là nhóm có nhiều doanh nghiệp vượt mục tiêu cả năm nhất sau ba quý. Chẳng hạn, CTCP Thủy điện Đa Nhim Hàm Thuận Đa Mi (Mã: DNH) đạt 969 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 13% chỉ tiêu cả năm; Thủy điện A Vương (Mã: AVC) dù báo lãi sau thuế giảm 35% về 281 tỷ nhưng vẫn vượt tới 164% kế hoạch. Tương tự, Thủy điện Bắc Hà (Mã: BHA) báo lãi sau thuế 80 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ nhưng vẫn vượt 162% mục tiêu cả năm.
Theo nhận định về năm 2023, nhiều đơn vị thủy điện đều cho rằng đã qua thời "hoàng kim", và đặt kế hoạch cả năm khá thận trọng trong bối cảnh hiện tượng El Nino hoạt động mạnh hơn, gây khô hạn. Thực tế, ba doanh nghiệp kể trên đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm sút hai chữ số so với cùng kỳ năm 2022 (thời điểm La Nina gây mưa nhiều). Đồng thời, biên lãi gộp cũng thu hẹp.
Bên cạnh nhóm thủy điện, kết quả nhóm nhiệt điện cũng không mấy khả quan khi nhiều nhà máy phải chạy tối đa công suất dẫn đến một số tổ máy phải bảo dưỡng. Ba quý đầu năm, các công ty nhiệt điện báo lợi nhuận thụt lùi so với cùng kỳ.
CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 285 tỷ đồng sau 9 tháng, dù giảm 4% so với cùng kỳ nhưng đã vượt gần 7% mục tiêu cả năm.
Hai công ty là Dược Hà Tây (Mã: DHT) và CTCP Dược phẩm Trung Ương 3 (Mã: DP3) đại diện cho nhóm ngành dược cũng báo cáo lợi nhuận 9 tháng đã vượt kế hoạch cả năm, lần lượt 12% và 9%.
CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC - Mã: VEF) - công ty con do Tập đoàn Vingroup nắm 83,3% vốn, đã vượt 72% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm nhưng mới đạt 30% mục tiêu doanh thu.
Yếu tố đóng góp giúp VEFAC vượt kế hoạch cả năm là nhờ nguồn thu từ hoạt động tài chính (lãi từ trái phiếu, tiền gửi, tiền cho vay). 9 tháng đầu năm, trong khi doanh thu thuần của VEFAC đạt gần 3 tỷ, thì lãi sau thuế xấp xỉ 344 tỷ, nhờ 446 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính.
Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của VEFAC gần 8.913 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản phải thu ngắn và dài hạn hơn 4.192 tỷ đồng, hầu hết là cho vay các đối tác doanh nghiệp với lãi suất vay 12%/năm và có đảm bảo bằng tài sản.
Hai công ty trong lĩnh vực vật liệu xây dựng là Đá Hóa An (Mã: DHA) và Đá Núi Nhỏ (Mã: NNC) cũng thông báo vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng, lần lượt 8% và 17%.
Nói thêm, Đá Hóa An hiện sở hữu 3 mỏ đá (Núi Gió, Thạnh Phú 2, Tân Cang 3) tại Đồng Nai và Bình Phước với tổng công suất khai thác được cấp phép là 1,6 triệu m3/năm. Còn Đá Núi Nhỏ đang sở hữu mỏ đá Mũi Tàu tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, Bình Phước với công suất khai thác và chế biến trên 1 triệu m3 .
Trong ngắn hạn, nhu cầu đá xây dựng sẽ tăng từ quý IV/2023 nhờ giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ và ngành bất động sản dân dụng dần ấm trở lại.
CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - Mã: SAS) của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn có nguồn thu chủ yếu từ việc bán hàng hóa tại các cửa hàng miễn thuế tại sân bay. 9 tháng đầu năm, Sasco ghi nhận 1.887 tỷ đồng doanh thu, tăng 124% và lợi nhuận sau thuế đạt 241 tỷ đồng tăng 99%. Kết quả này đã giúp Sasco vượt 4% kế hoạch lợi nhuận năm.
CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) ghi nhận lợi nhuận sau thuế9 tháng đầu năm đạt 784 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ và vượt 20% kế hoạch cả năm. Trong đó, riêng biên lợi nhuận gộp đạt quý III đạt 43%, tăng mạnh so với con số 28,2% cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất từ trước tới nay tính theo quý của Nhựa Bình Minh.
Nguồn: vietnambiz
223 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.
Nhà đầu tư ẩn danh
1 năm trước