Chứng khoán
Cổ đông NVL
2 năm trước
Tuần qua, dòng tiền vào ở nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh như dệt may (+17%), thủy sản (+51%), cảng & vận tải biển (+33,8%), hàng không (+18%), nông nghiệp (+21%), mía đường (+21%).
Thị trường chứng khoán tuần 5 - 9/12/2022 với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm trong đó ngày 6/12 mất tới 45 điểm đã khiến VN-Index giảm 28,2 điểm (-2,61%) và lùi về mức 1.051,81 điểm.
Dòng tiền vẫn vào tốt ở nhóm tài chính khi giá trị giao dịch ở nhóm Ngân hàng tăng 7,8%, nhóm chứng khoán tăng 10,5%. Dòng tiền có tín hiệu xoay vòng khi giảm trở lại ở các ngành như bán lẻ (-24,3%), thực phẩm đồ uống (-26,2%), bất động sản (-12,3%) và giao dịch sôi động hơn ở các nhóm ngành liên quan đến thương mại và được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi Trung Quốc dần mở cửa trở lại như dệt may (+17%), thủy sản (+51%), cảng & vận tải biển (+33,8%), hàng không (+18%), nông nghiệp (+21%), mía đường (+21%).
Ở nhóm cổ phiếu vận tải biển - Logistics, nhiều cổ phiếu như GMD, HAH, VOS,... tiếp tục chứng kiến sự đổ bộ của dòng tiền mua vào khiến thanh khoản tăng cao qua đó kéo giá cổ phiếu thiếp đà hồi phục.
Mặc dù đã bắt đầu xuất hiện các động thái chốt lời ngắn hạn làm chậm lại đà hồi phục song cả HAH, VOS, GMD đều kết tuần tăng điểm trong đó MAC thậm chí còn tăng tới hơn 18%.
Diễn biến giá một số cổ phiếu logistics tuần 5 - 9/12/2022
Đầu phiên giao dịch sáng ngày 12/12, nhóm cổ phiếu này tiếp tục gây chú ý với sắc tím ở VOS và HAH kéo thị giá lên các mức 12.050 đồng và 35.800 đồng; cổ phiếu GMD tăng 2,2% lên 48.700 đồng thị giá.
Nếu tính từ khi lần lượt bị kéo về mức đáy hơn 1 năm hồi giữa tháng 11 vừa qua, các cổ phiếu này tạm thời đang ghi nhận chuỗi 3 tuần hồi liên tiếp trong đó HAH tăng tới 60% từ mức 22.400 đồng (thấp nhất phiên 16/11); GMD tăng 33,8% từ mức 36.400 đồng; VOS thậm chí tăng mạnh hơn với gần 110% từ mức 5.750 đồng; MAC cũng được kéo tăng hơn 60% từ ngưỡng 5.000 đồng thị giá;...
Theo quan sát, xu hướng mua vào vẫn đang tiếp diễn ở nhóm cổ phiếu này (tính đến 10h20 phiên sáng 12/12) trong đó gần 72% trong tổng số 600.000 cổ phiếu VOS đã được khớp lệnh đến từ mua chủ động; tỷ lệ này với HAH là gần 80% và tại GMD là gần 85%...
Dù kết quả 9 tháng đầu năm ghi nhận khả quan song trong phản ánh gửi đến Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), doanh nghiệp ngành logistics cho biết họ đang gặp khó do bất ổn về nguồn cung và giá xăng dầu tại Việt Nam và thế giới.
Cụ thể, 3 tháng gần đây, tại nhiều trung tâm kinh tế của cả nước trong đó có TP. HCM và Hà Nội, đã xảy ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải - một mắt xích quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics. Mặc dù, tình hình hiện tại đã được tạm thời khắc phục, nhưng nhiều dự báo cho thấy tình trạng thiếu xăng, dầu có thể tái diễn, nhất là trong những tháng cuối năm - thời điểm cao điểm của hoạt động logistics.
Bên cạnh đó, giá dầu thế giới có thể sẽ bị đẩy lên mức cao, bởi các nguyên nhân như: Lượng dầu được tung ra thị trường từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ đang giảm xuống; và lượng dầu xuất khẩu từ Nga sẽ giảm xuống trước khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh cấm vận lên quốc gia này và sẽ kích hoạt toàn bộ lệnh cấm vận vào cuối năm nay.
Đặc biệt, việc giá cước tàu biển xuống gần như trước dịch, thậm chí một số nơi giá về âm cũng là khó khăn lớn của ngành logistics. Theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường hàng hải Drewry, giá cước vận tải container trung bình đã giảm xuống mức rất thấp so với đầu năm và giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo mới đây, SSI Research cho rằng một số lượng lớn tàu sẽ quay trở lại thị trường nội địa, vì việc gia hạn hợp đồng thuê tàu sẽ khó khăn hơn. Do đó, nguồn cung tăng có thể gây áp lực lên giá cước và ước tính giá cước trung bình sẽ giảm 30% vào năm 2023.
Công ty chứng khoán này nhận định sự bùng nổ nhu cầu vận tải biển trong giai đoạn vừa qua chủ yếu là do tác động của dịch COVID nên sẽ kém bền vững hơn so với giai đoạn trước cuộc khủng hoảng năm 2008, khi quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ và hoạt động thương mại gia tăng trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, các hãng vận tải hiện nay cũng thận trọng hơn khi đầu tư đóng mới tàu, tỷ lệ đơn đóng mới trên tổng đội tàu chỉ đạt 28% - thấp hơn đáng kể mức 70% trong cuộc khủng hoảng năm 2008.
Mặt khác, thách thức cho ngành vận tải biển còn đến từ quy định mới của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), áp dụng từ năm 2023. Quy định này yêu cầu các hãng vận tải phải giảm lượng khí thải bằng cách giảm tốc độ chạy tàu, nâng cấp tàu hoặc mua tín chỉ carbon. Theo SSI Research, quy định mới có thể làm giảm 5 - 10% năng lực hoạt động của đội tàu.
Về phần mình, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng những căng thẳng địa chính trị leo thang và tình trạng suy thoái toàn cầu có thể gây sức ép đến tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp cảng biển trong giai đoạn cuối năm 2022 và kéo dài đến năm 2023.
Đức Hậu - nguoiquansat
3 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.