Trang chủ
Video
Chế ảnh

Chứng khoán

Đỗ Tùng Nhân

1 năm trước

7 doanh nghiệp nhận lãi nghìn tỷ từ tiền gửi ngân hàng

Nhiều doanh nghiệp lớn đem hàng chục nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng để nhận về hàng nghìn tỷ đồng tiền lãi, đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận chung.

7 doanh nghiệp nhận lãi nghìn tỷ từ tiền gửi ngân hàng
Chế ảnh này

Báo cáo tài chính quý 3/2023 cho thấy, có 15 doanh nghiệp phi tài chính có tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt trên 10.000 tỷ đồng cuối quý 3/2023.


Trong đó, tổng lượng tiền của 15 doanh nghiệp phi tài chính này đạt gần 349.000 tỷ đồng, chiếm gần 64% quy mô tiền mặt của các doanh nghiệp.


Theo thống kê của Mekong ASEAN, dẫn đầu danh sách doanh nghiệp có lượng tiền gửi ngân hàng là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) với gần 39.800 tỷ đồng thời điểm cuối tháng 9/2023. Số tiền gửi này chiếm 47% tổng tài sản của PV Gas.

Lãi tiền gửi mang về cho PV Gas 9 tháng đầu năm nay 1.570 tỷ đồng, gấp gần 1,8 lần so với cùng kỳ. Như vậy, bình quân mỗi ngày, tổng công ty có gần 6 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng.

Về kết quả kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm PV Gas ghi nhận doanh thu thuần đạt 67.383 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế của PV Gas giảm 23%, đạt 9.017 tỷ đồng.


Vị trí thứ hai vẫn thuộc về một doanh nghiệp trong ngành dầu khí, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), 9 tháng đầu năm nay, số dư tiền gửi ngân hàng của BSR đạt gần 36.500 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với đầu năm, chiếm hơn 41% tổng tài sản doanh nghiệp.

Các khoản tiền gửi của BSR bao gồm không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng. Quý 3/2023, BSR đã nâng lượng tiền nhàn rỗi thêm hơn 7.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng thay đổi "khẩu vị" sang chuộng gửi ngân hàng kỳ hạn dài hơn, thay vì tập trung gửi không quá 3 tháng như trước.

Tăng thêm tiền gửi, lũy kế 9 tháng, BSR có gần 1.176 tỷ đồng lãi tiền gửi, gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Mỗi ngày, doanh nghiệp nhận hơn 4 tỷ đồng từ lãi tiết kiệm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, BSR ghi nhận doanh thu đạt 105.490 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.939 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6.186 tỷ đồng, giảm lần lượt 49% và 52% so với cùng kỳ năm 2022.


Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) ghi nhận các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt 32.307 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2023. Dù giảm gần 700 tỷ đồng so thời điểm đầu năm, nhưng lãi tiền gửi ghi nhận từ đầu năm đến hết tháng 9 đạt 1.261 tỷ đồng, vẫn tăng 6% so với cùng kỳ.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm, ACV ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.985 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 54% và 20% so với cùng kỳ năm trước, kết quả kinh doanh khởi sắc đến từ việc thị trường hàng không quốc tế hồi phục.


Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng cũng rất đáng mơ ước với hơn 29.650 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9/2023.

Nếu so với thời điểm đầu năm nay, số dư tiền gửi đã giảm hơn 4.700 tỷ đồng. Song sau 9 tháng, số lãi tiền gửi mà Hòa Phát nhận về vẫn cao với hơn 1.550 tỷ đồng. Trong đó, lãi tiền gửi trong riêng quý 3 đạt 459 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu hợp nhất Hòa Phát đạt 28.766 tỷ đồng, giảm 16% so với quý 3/2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 2.000 tỷ đồng quý 3/2023, trong khi cùng kỳ còn lỗ hơn 1.700 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, HPG đạt lợi nhuận sau thuế 3.381 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ.


Công ty cổ phần FPT (FPT) cũng nằm trong danh sách doanh nghiệp nhiều tiền mặt. Tại ngày 30/9, FPT có 26.772 tỷ đồng tiền nhàn rỗi đang gửi ngân hàng, tăng 37% so với đầu năm, tương đương với 7.300 tỷ đồng. Đây là mốc cao kỷ lục mà công ty ghi nhận sau nhiều quý lượng tiền gửi ngân hàng liên tục sụt giảm.

Với số tiền gửi trên, lãi tiền gửi trong 9 tháng mà doanh nghiệp nhận được là 1.264 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng, FPT đạt lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 4.742 tỷ đồng, tăng 20% cùng kỳ. Riêng quý 3, công ty lập kỷ lục về con số đạt được trong một quý với mức hơn 2.400 tỷ đồng, cũng tăng 20%.


Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) có khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn với tổng giá trị 26.588 tỷ đồng, chiếm 71% tài sản ngắn hạn. Theo đó, khoản tiền gửi đem về cho Vinamilk số lãi 1.148 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận công ty.

Lũy kế 9 tháng, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần 44.750 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.668 tỷ đồng, không biến động nhiều so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, công ty đã thực hiện được 71% doanh thu và 77% lợi nhuận.


Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) có 22.065 tỷ đồng gửi vào ngân hàng thời điểm cuối tháng 9. Con số này gấp đôi so với đầu năm, nhờ đó MWG đã ghi nhận lãi tiền gửi 1.357 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với 9 tháng năm 2022.

Lũy kế 9 tháng, công ty đạt doanh thu 87.581 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 77,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 16% và 98% so với cùng kỳ. Mức lợi nhuận này cũng thấp nhất kể từ khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2014.


Việc loạt doanh nghiệp lớn đổ xô gửi tiền vào ngân hàng bất chấp lãi suất xuống thấp cho thấy đây được xem như một kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa thuận lợi: sản xuất kinh doanh đình trệ; thị trường bất động sản, chứng khoán chưa thực sự hồi phục... Doanh nghiệp đã lựa chọn gửi tiền trong ngân hàng để bảo toàn vốn và sẵn sàng giải ngân khi có cơ hội.


Nguồn: mekongasean

HPGFPTMWGPVGACVBSR
reaction

246 lượt thích

0 bình luận

© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.