Chứng khoán
Những góc nhìn đánh giá toàn diện một cổ phiếu ngân hàng trong bài viết sau chính là điều mà bạn sẽ cần trang bị trước khi xuống tiền cho một cổ phiếu ngành vua này.
Khi đánh giá nguồn thu nhập của các doanh nghiệp phi tài chính, doanh thu SXHH và DV là yếu tố đầu tiên cần xem xét. Tương tự với ngân hàng, chúng ta sẽ đánh giá thu nhập lãi của ngân hàng (chiếm 70-85% tổng thu nhập), trong đó khoản mục này sẽ phụ thuộc lớn vào tăng trưởng tín dụng.
Thông thường, cách so sánh Tăng trưởng tín dụng so với đầu năm hoặc so với cùng kỳ (YoY) là cách phổ biến để có cái nhìn về tốc độ phát triển từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, đánh giá liệu rằng trong năm ngân hàng có đang thực hiện tốt các mục tiêu kinh doanh hay không. Một ngân hàng với tốc độ tăng trưởng tín dụng cao thường cho thấy khả năng mở rộng tín dụng mạnh mẽ, từ đó góp phần mang lại thu nhập lãi và lợi nhuận cho các kỳ tới.
Lưu ý: Tín dụng bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu DN các ngân hàng đang nắm giữ
Tín dụng tăng trưởng tốt nhưng mức thu nhập lại không như kỳ vọng, cũng giống như doanh nghiệp tăng nhanh doanh thu nhưng không mang lại lợi nhuận gộp cao. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ đánh giá biên lãi thuần - hệ số NIM của ngân hàng (như biên lãi gộp của doanh nghiệp), để xem các chi phí trực tiếp tạo ra tín dụng của ngân hàng đang ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tạo ra lợi nhuận.
Hệ Số NIM, Net Interest Margin (NIM) hay biên lãi ròng là chỉ số quan trọng để đo lường chênh lệch giữa lãi suất cho vay (đại diện là YEA) và chi phí huy động vốn của ngân hàng (đại diện là COF). NIM càng cao thì khả năng sinh lời từ hoạt động cho vay của ngân hàng càng tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng NIM còn chịu ảnh hưởng từ bối cảnh chung của thị trường lãi suất. Khi lãi suất huy động tăng, ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc duy trì biên lãi ròng.
Đối với một ngành nhạy cảm với môi trường bên ngoài như ngân hàng, tăng trưởng tín dụng tốt, biên lãi tốt nhưng không chắc lợi nhuận sau thuế đã tốt. Vì ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng từ tổng thu nhập hoạt động, nếu khoản này gia tăng nhanh, lợi nhuận sau thuế sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Do đó, chất lượng các khoản cho vay cũng là yếu tố quan trọng không kém khi đánh giá cổ phiếu ngân hàng, và được phản ánh qua tỷ lệ nợ xấu (NPL).
Khi tỷ lệ nợ xấu tăng, đây là lúc cần quan tâm đến tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) thể hiện mức độ thận trọng của ngân hàng trong việc dự phòng cho các khoản nợ xấu. Một tỷ lệ LLR cao cho thấy ngân hàng đã chuẩn bị tốt cho các rủi ro tiềm tàng, giúp bảo vệ lợi nhuận trong tương lai. Ngược lại, nếu LLR thấp hơn 50% và NPL đang có xu hướng tăng, ngân hàng có thể đối mặt với áp lực phải trích lập dự phòng nhiều hơn trong tương lai, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Hiệu quả hoạt động còn phản ánh qua khả năng kiểm soát chi phí của ngân hàng. Trong đó, tỷ lệ CIR là thước đo về mức độ hiệu quả trong việc kiểm soát chi phí của ngân hàng. Những ngân hàng nhỏ hơn như KLB, VBB hay ABB thường có tỷ lệ CIR cao hơn do quy mô doanh thu nhỏ, dẫn đến chi phí hoạt động chiếm tỷ trọng lớn hơn. Ngược lại, một tỷ lệ CIR thấp là tín hiệu tích cực, cho thấy ngân hàng đang hoạt động hiệu quả và tối ưu hóa được chi phí, từ đó cải thiện lợi nhuận.
Khi đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng, không thể bỏ qua hai chỉ số then chốt là ROE và ROA. ROE và ROA là hai chỉ số quan trọng phản ánh khả năng sinh lời của ngân hàng. ROE đo lường lợi nhuận trên mỗi đồng vốn chủ sở hữu, trong khi ROA đo lường hiệu quả sinh lợi từ tài sản. Một ngân hàng có ROA cao cho thấy khả năng sinh lợi từ tài sản tốt, nhưng nếu tỷ lệ đòn bẩy tài chính (A/E) thấp, ROE có thể không cao (ROE = ROA * tỷ lệ A/E). Do đó, khi phân tích cả hai chỉ số này cần xem xét biến động đòn bẩy của ngân hàng qua thời gian.
Cuối cùng, giống như các quá trình mua hàng khác, chúng ta cần cân đo đong đếm giá mua để chọn được cổ phiếu thật sự tiềm năng và còn dư địa tăng giá. Tuy nhiên, cần phải cẩn thận đánh giá, so sánh để đánh giá về P/B. Mức P/B cao không có nghĩa là hoàn toàn tốt vì cũng có thể do ngân hàng được đánh giá quá cao (P cao) trong khi P/B thấp có thể do P quá thấp chứ không hoàn toàn thấp. Để hiểu được P/B tốt hay chưa tốt cần liên kết với chất lượng lợi nhuận của ngân hàng, liệu ngân hàng có đang tăng trưởng bền vững hay đang quá chú trọng tăng trưởng mà bỏ quên chất lượng nợ.
Với 7 view trên thì các Wiers có thể dành 5p để phân tích nhanh một cổ phiếu ngân hàng với đầy đủ các góc nhìn đủ sâu trước khi quyết định xem có nên bỏ tiền hay không.
241 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.