Tài chính
Một con số thống kê được thực hiện bởi Techcom Capital cho thấy, từ tháng 9/2022 đến thời điểm ngày 14/11/2022, các quỹ trái phiếu Việt Nam bị rút ròng gần 10.000 tỷ đồng tương ứng giảm từ 28.623 tỷ đồng xuống chỉ còn 18.717 tỷ đồng.
Một con số thống kê được thực hiện bởi Techcom Capital cho thấy, lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua, các quỹ trái phiếu trên thế giới ghi nhận rút ròng với tổng giá trị là 175 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022. Tính riêng các thị trường mới nổi, giá trị rút ròng đã chạm mức 70 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay.
Riêng tại Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến thời điểm ngày 14/11/2022, các quỹ trái phiếu Việt Nam bị rút ròng gần 10.000 tỷ đồng tương ứng giảm từ 28.623 tỷ đồng xuống chỉ còn 18.717 tỷ đồng. Tỷ lệ rút ròng lên tới 34,6%.
Trong đó, quỹ trái phiếu SSIAM bị rút ròng nhiều nhất 67,7% từ 1.457 tỷ đồng xuống chỉ còn 471 tỷ đồng. Đứng thứ hai là quỹ MB Capital bị rút ròng 60,8% tương ứng giảm từ 2.491 tỷ đồng xuống còn 977 tỷ đồng. Đứng thứ ba là quỹ DCIP của Dragon Capital bị rút ròng 46,6% từ 1.022 tỷ đồng xuống còn 546 tỷ đồng.
Đứng thứ tư là TCBF của Techcom Capital bị rút 31,8% từ 19.983 tỷ đồng xuống còn 13.623 tỷ đồng. Đứng thứ năm là DCBF của Dragon Capital bị rút 23,8% tương ứng giảm từ 817 tỷ đồng xuống còn 623 tỷ đồng.
Một số quỹ khác cũng bị rút ròng mạnh trong vòng 2 tháng qua gồm quỹ ABBF của An Bình Capital bị rút 23,1%; VFF của VinaCapital bị rút 8,5% từ 1.192 tỷ đồng còn 1.090 tỷ đồng…
Techcom Capital lưu ý rằng rút ròng quá nhiều sẽ hạn chế khả năng đáp ứng tiền mặt của các quỹ, hay các hoạt động tái cân bằng danh mục và tận dụng các cơ hội từ thị trường. Do đó, việc tạm thời hạn chế mua lại chứng chỉ quỹ thường để nhằm bảo vệ tối đa lợi ích của các nhà đầu tư.
Trong lịch sử, hành động hạn chế mua lại chứng chỉ quỹ này là không hiếm. Cuộc khủng hoảng tài chính 2007– 2008 đã chứng kiến sự gia tăng đột biến việc các quỹ đầu tư ngừng mua lại chứng chỉ quỹ, do khủng hoảng tín dụng đã ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các quỹ phòng hộ và các phương tiện đầu tư khác.
Nửa đầu năm 2020, theo Fitch Ratings, hàng trăm Quỹ mở (“Mutual Fund) chiếm khoảng 62 tỷ đô la Mỹ giá trị tài sản quản lý (AUM) trên toàn cầu đã tạm dừng việc mua lại chứng chỉ quỹ trong bối cảnh căng thẳng thị trường do COVID19 gây ra.
Trong số các công ty quản lý quỹ đã từng tạm dừng mua lại chứng chỉ quỹ trong quá khứ, có cả những cái tên lớn và có lịch sử phát triển lâu dài như M&G Investments, Columbia Threadneedle, BNP Paribas, Blackrock…
5 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.