Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong trung tuần tháng 3
Các sự kiện nổi bật của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong tuần tháng 3 năm 2024
9,899 lượt xem
1. PV GAS sẽ chính thức triển khai kinh doanh LNG bằng xe bồn từ ngày 15/3/2024
Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) vừa ra thông báo về việc sẽ chính thức triển khai kinh doanh LNG bằng xe bồn từ ngày 15/3/2024.
Là doanh nghiệp chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam, PV GAS luôn tiên phong trong việc xây dựng và dẫn dắt thị trường, đáp ứng nhu cầu và phục vụ mục tiêu “Năng lượng cho phát triển đất nước”. Phục vụ chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và khởi động “Hành trình Năng lượng xanh”, PV GAS, đơn vị đầu tiên và duy nhất được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG tại Việt Nam, đã triển khai thành công dự án Kho cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Thị Vải, đưa vào vận hành từ tháng 7/2023.
PV GAS thông báo sẽ chính thức triển khai kinh doanh LNG bằng xe bồn từ ngày 15/3/2024 theo mô hình kinh doanh tích hợp LPG/CNG/LNG, mang đến cho khách hàng lựa chọn đa dạng về sản phẩm, linh hoạt nguồn cung với chất lượng và giá cả cạnh tranh.
2. Đoàn công tác Chính phủ Singapore thăm và làm việc với PTSC về dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo
Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã tiếp đón Đoàn công tác Chính phủ Singapore đến thăm Cảng hạ lưu PTSC Vũng Tàu và làm việc về dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo.
Chuyến thăm của Đoàn công tác Chính phủ Singapore nhân sự kiện PTSC đã có được Giấy phép nhập khẩu có điều kiện (Conditional Approval) từ Chính phủ Singapore vào cuối năm 2023. Trong chuyến thăm và làm việc, các cơ quan chức năng của Chính phủ Singapore đã tham quan cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị hiện đại bậc nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Cảng hạ lưu PTSC Vũng Tàu. Đây là những trang thiết bị, phương tiện được PTSC đầu tư mới để phục vụ cho các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi trên thế giới, trong đó có Dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo từ Việt Nam sang Singapore.
Ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam giới thiệu với Đoàn công tác Chính phủ Singapore về cơ sở vật chất, công nghệ của PTSC
Ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam giới thiệu với Đoàn công tác Chính phủ Singapore về cơ sở vật chất, công nghệ của PTSC
Tại buổi làm việc, PTSC cùng đối tác Semcorp Ultilities (SCU) cũng đã trình bày về kế hoạch triển khai và đề xuất những cơ chế, chính sách để thực hiện Dự án này. Bám sát mục tiêu phát điện thương mại vào năm 2033, PTSC cùng đối tác đã vạch ra lộ trình cụ thể từ khâu khảo sát, phương án đầu tư và phát triển trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu khoảng 1,2GW điện sạch từ Việt Nam sang Singapore thông qua tuyến cáp ngầm cao áp dưới biển.
Qua chuyến thăm lần này, các cơ quan chức năng của Chính phủ Singapore khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ PTSC và đối tác trong quá trình triển khai Dự án. Điều này không chỉ giúp Singapore sớm đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050 mà còn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương giữa Singapore và Việt Nam, hiện thực hóa “Quan hệ đối tác kinh tế số - kinh tế xanh” giữa hai nước.
3. Đại sứ UAE tại Việt Nam thăm và làm việc với BSR
Nhân chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung, Tiến sĩ Abdulla Almatrooshi – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã có chuyến thăm và làm việc tại Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Đoàn công tác do Tiến sĩ Abdulla Almatrooshi – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền UAE dẫn đầu đến thăm và làm việc tại BSR.
“Thông qua ngài Đại sứ, Công ty BSR mong muốn hợp tác với các Tập đoàn dầu khí và năng lượng của UAE để BSR tiếp cận các nguồn dầu thô của UAE và thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực khác như phát triển các sản phẩm hóa dầu mới, hóa chất, năng lượng xanh” - Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương chia sẻ.
Đại sứ Abdulla Almatrooshi bày tỏ vui mừng khi đến thăm và làm việc tại BSR. Đại sứ Abdulla Almatrooshi trao đổi với lãnh đạo BSR về vận hành NMLD Dung Quất, nguyên liệu dầu thô nhập khẩu mà Nhà máy đang chế biến; chiến lược phát triển trong tương lai của BSR gắn với nhu cầu nguyên liệu dầu thô và vốn, kỹ thuật, cơ sở vật chất; định hướng của Petrovietnam phát triển BSR trong lĩnh vực lọc hóa dầu, hóa chất…
4. PVCFC thi đua đổi mới sáng tạo trong quản trị kinh doanh
Ngày 04/03/2024 tại Cà Mau, Công đoàn Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HOSE: DCM) đã tổ chức lễ phát động chương trình thi đua đổi mới sáng tạo khối Quản trị - Kinh doanh năm 2024. Chương trình được tổ chức trong dịp chào mừng kỷ niệm 13 năm thành lập Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (09/03/2011 – 09/03/2024) và 12 năm ngày Nhà máy Đạm Cà Mau bàn giao vận hành thương mại (24/4/2012 – 24/4/2024).
Lãnh đạo khối Kinh doanh ký cam kết mục tiêu thực hiện chương trình
Trong hành trình phát triển 13 năm của Phân Bón Cà Mau, tinh thần đổi mới sáng tạo đã trở thành truyền thống văn hóa, thấm dần trong toàn đội ngũ, ươm mầm cho những phát minh, sáng kiến táo bạo, hữu ích ra đời.
Tại buổi lễ, người lao động PVCFC cũng đã được bày tỏ cảm xúc, nêu đề xuất đóng góp để chương trình “Đổi mới sáng tạo khối Quản trị, Khối kinh doanh” được triển khai đồng bộ và thuận lợi nhất với Ban Lãnh đạo Công ty. Lãnh đạo các khối Quản trị, Kinh doanh cũng đã tiến hành ký cam kết mục tiêu thực hiện chương trình Đổi mới sáng tạo năm 2024.
5. Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: PVCFC cần chú trọng chủ động nguồn khí cho sản xuất và phát triển thị trường
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng chủ trì buổi họp về tình hình triển khai kế hoạch quản trị năm 2024, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2021-2023 so với kế hoạch 5 năm và mục tiêu, chiến lược phát triển đến 2030, tầm nhìn 2045 của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC).
Trong 2 tháng đầu năm Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành an toàn liên tục, ổn định, công suất sản xuất Urê trung bình là 114,76%; sản xuất NH3 là 115,57%. Công ty đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu 2 tháng đầu năm. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, sản lượng Urê quy đổi đạt 165,22 nghìn tấn, đạt 108% KH 2 tháng và đạt 104% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu 2 tháng ước đạt 1.405,49 tỷ đồng, đạt 115% KH 2 tháng.
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì buổi họp
Kết luận buổi họp, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao những kết quả của PVCFC qua 2 tháng đầu năm, đặc biệt kết quả thực hiện 3 năm theo kế hoạch 5 năm đang đáp ứng nhiệm vụ Tập đoàn giao, Chủ tịch kỳ vọng PVCFC sẽ phấn đấu hoàn thành kế hoạch ở mức cao nhất.
Để Phân bón Cà Mau có sự phát triển vững chắc trong tương lai, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam lưu ý vấn đề cốt lõi nhất, đó là đảm bảo nguồn khí ổn định, lâu dài cho nhà máy, tiếp đến là thị trường. Trong đó, PVCFC lưu ý việc nghiên cứu, đánh giá kỹ về Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Tiếp tục triển khai tốt công tác chuyển đổi số, tăng cường công tác quản trị, vận hành bảo dưỡng nhà máy…, lãnh đạo Tập đoàn cũng đề nghị các Ban liên quan tổng hợp, rà soát các kiến nghị nhằm hỗ trợ PVCFC về việc cung cấp đủ lượng khí PM3-CAA đảm bảo cho nhà máy Đạm Cà Mau vận hành ổn định, tính toán các yếu tố giảm cước phí vận chuyển, Luật Thuế 71 về phân bón.
6. PV College ký kết thỏa thuận hợp tác với LSP
Chiều ngày 06/03/2024, tại trụ sở Công ty TNHH Hóa Dầu Long Sơn (LSP), xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu đã diễn ra lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Trường Cao đẳng Dầu khí (PV College) với Công ty TNHH Hóa Dầu Long Sơn (LSP).
Ông Sayan Nukhong - Trưởng phòng nhân sự LSP và ông Lương Quốc Kông - Phó Hiệu trưởng PVCollege bắt tay chúc mừng thỏa thuận hợp tác giữa 2 đơn vị thành công
Sau khi tiến hành trao đổi và cùng thống nhất các nội dung hợp tác, hai đơn vị đã tổ chức lễ ký kết với nội dung hợp tác bao gồm: PV College sẽ tổ chức các chương đào tạo trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề; tái đào tạo; đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật công nghệ mới, đào tạo theo nhu cầu dự án, đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân sự của LSP; tư vấn và xây dựng các chương trình đào tạo theo nhu cầu của LSP. Đồng thời hỗ trợ LSP trong việc tiến hành tuyển dụng đối với các sinh viên đang theo học tại Trường.
PV College là đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí. Ngoài hoạt động đào tạo thì PV College cũng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật như dịch vụ lặn, khảo sát và sửa chữa các công trình ngầm, dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa thiết bị công nghiệp và thiết bị tự động hóa… đây là các dịch vụ có thương hiệu trên thị trường, được khách hàng đánh giá cao.
7. Bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất lần thứ 5: “Một đội ngũ, một mục tiêu”
Ngày 7/3, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức Lễ phát động thi đua 48 ngày đêm hoàn thành công tác bảo dưỡng tổng thể (BDTT) lần thứ 5 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NMLD Dung Quất). Theo đó, BSR quyết tâm hoàn thành BDTT NMLD Dung Quất lần thứ 5 với nhiều mục tiêu và xác định thực hiện các công tác bảo dưỡng với tinh thần “Một đội ngũ, một mục tiêu”.
BSR và các nhà thầu ký giao ước thi đua
Đợt BDTT lần thứ 5 theo kế hoạch sẽ được triển khai trong 48 ngày (từ 15/3/2024 đến 01/5/2024). Với quyết tâm của Ban Lãnh đạo Công ty, tập thể người lao động BSR và các nhà thầu, cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở kỹ thuật, năng lực nội tại và kinh nghiệm tích lũy được qua 4 đợt BDTT đã thực hiện (năm 2011, 2014, 2017, 2020), BSR phấn đấu rút ngắn thời gian xuống dưới 48 ngày với các mục tiêu: Đảm bảo an toàn tuyệt đối, chất lượng cao nhất, tiến độ và tối ưu chi phí.
Để đạt các mục tiêu tại BDTT lần 5, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương yêu cầu: “Tất cả nhà thầu, nhân sự BSR, các tổ chức đoàn thể tập trung tối đa nguồn lực, đoàn kết, sáng tạo và cống hiến hết mình để hoàn thành công tác BDTT lần 5. Tất cả các phòng ban của BSR phải sát cánh cùng với nhà thầu, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tất cả chúng ta là đồng đội, đồng chí cùng nhau thực hiện nhiệm vụ quan trọng này với tinh thần Một đội ngũ – một mục tiêu”.
8. Petrovietnam và Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch) ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
Ngày 7/3, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giữa Petrovietnam và Copenhagen Infrastructure Partners (CIP).
Theo Biên bản ghi nhớ được ký kết, Petrovietnam và CIP sẽ cùng nhau chia sẻ kiến thức, thông tin về chuyển đổi năng lượng từ dầu khí sang năng lượng tái tạo, với các chủ đề cụ thể như công nghệ, chuỗi cung ứng, hậu cần, cơ sở hạ tầng, chuyên môn kỹ thuật... Tập đoàn CIP sẽ hỗ trợ các chương trình đào tạo về các loại hình năng lượng tái tạo mới như công nghệ chuyển đổi điện năng thành các nguồn nhiên liệu khác – “Power-to-X” (Amoniac, Hydro xanh...), nguồn điện dự trữ, đảo năng lượng... Bên cạnh đó, Petrovietnam và CIP cũng sẽ nghiên cứu cơ hội hợp tác trong việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Ông Phan Tử Giang – Phó Tổng iám đốc Petrovietnam cùng ông Robert Helms - Thành viên Hội đồng quản trị CIP ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Petrovietnam và CIP.
Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang cho biết: Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động bất lợi đến biến đổi khí hậu, đảm bảo tính bền vững trong phát triển kinh tế. Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong việc giảm ô nhiễm môi trường, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có Petrovietnam. Trước những biến động của thị trường, nắm bắt xu hướng chuyển dịch năng lượng, với tư cách là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Petrovietnam cũng đã và đang tích cực lên kế hoạch và lộ trình thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng. Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang tin tưởng với thế mạnh của mỗi bên, việc hợp tác giữa CIP và Petrovietnam sẽ đạt được thành quả trong việc phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tích hợp công nghệ tiên tiến, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
9. PVEP đóng góp tôn tạo Khu tưởng niệm các nhà báo Algeria – Việt Nam
Sáng 8/3/2024, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn đã trang trọng tổ chức lễ khánh thành công trình nâng cấp Khu tưởng niệm và lễ tưởng niệm 50 năm ngày các cán bộ, phóng viên Việt Nam - Algeria hy sinh trong vụ tai nạn máy bay ở huyện Sóc Sơn.
Các đại biểu tham dự chương trình Luôn đề cao vai trò an sinh xã hội đi đôi với hoạt động sản xuất kinh doanh cho mục tiêu phát triển bền vững và đặc biệt hơn nữa khi là doanh nghiệp hiện đang có dự án triển khai tại Algiera, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) vinh dự được đóng góp một phần kinh phí tôn tạo Khu tưởng niệm với số tiền 380 triệu đồng với ý nghĩa cao đẹp như Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định: "Việc mở rộng, tôn tạo Khu tưởng niệm là một hoạt động ý nghĩa và nhân văn, góp phần tri ân các cán bộ, phóng viên đã hy sinh xương máu để vun đắp cho mối quan hệ giữa hai nước chúng ta, là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ hai nước ngày hôm nay và mai sau về lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước và truyền thống hữu nghị hợp tác giữa hai dân tộc Việt Nam và Algeria". (Nguồn: Pvn.vn)