Chỉ báo OBV trong chứng khoán là gì?
OBV hay chỉ báo cân bằng giá giúp đo lường sức mua và sức bán trên thị trường, dựa theo cả khối lượng giao dịch và chuyển động của giá.
OBV là viết tắt của On Balance Volume, sử dụng sự tăng, giảm của khối lượng để dự đoán những thay đổi trong giá cổ phiếu.
Chỉ báo này lần đầu được giới thiệu trong cuốn sách "Granville's New Key to Stock Market Profits" vào năm 1963 bởi nhà phân tích Joseph Granville.
Công thức tính chỉ báo OBV
OBV = OBV trước ± khối lượng giao dịch
Công thức tính của chỉ báo khối lượng cân bằng dựa vào biến động giá (giá đóng cửa) và khối lượng giao dịch của cổ phiếu. Khi đó, sẽ có 3 trường hợp xảy ra:
- Trường hợp 1: Khi mức giá đóng cửa của phiên giao dịch hiện tại cao hơn giá đóng cửa phiên giao dịch trước đó: OBV hiện tại = OBV phiên trước đó + Khối lượng giao dịch hiện tại.
- Trường hợp 2: Khi mức giá đóng cửa phiên giao dịch hiện tại bằng mức giá đóng cửa phiên giao dịch trước đó: OBV hiện tại = OBV phiên trước đó.
- Trường hợp 3: Khi mức giá đóng cửa phiên giao dịch hiện tại thấp hơn mức giá đóng cửa phiên giao dịch trước đó: OBV hiện tại = OBV phiên trước đó – Khối lượng giao dịch hiện tại.
Ý nghĩa chỉ báo OBV
Chỉ báo khối lượng cân bằng OBV có thể xác định xu hướng giá và xác định phân kỳ.
- Sử dụng OBV để xác định xu hướng giá: Khối lượng của những phiên giao dịch tăng giá thường sẽ cao hơn những phiên giảm giá (ngoại trừ những phiên bán tháo cổ phiếu), khi đó chỉ số OBV sẽ tăng và ngược lại. OBV dựa vào sự tăng giảm khối lượng giao dịch để xác nhận xu hướng giá cổ phiếu.
Giá cổ phiếu và OBV tiếp tục tăng là tín hiệu tốt cho thấy chu kỳ tăng có thể vẫn tiếp diễn.
- Sử dụng OBV để xác định phân kỳ: Khi hướng đi của nến giá và chỉ báo OBV ngược lại thì hiện tượng phân kỳ đang diễn ra.
Chỉ báo OBV thích hợp cho nhà đầu tư xác định xu hướng giá cổ phiếu cho các giao dịch dài hạn. Tuy nhiên, như bất kỳ chỉ báo kỹ thuật khác, chỉ báo khối lượng cân bằng cũng cần kết hợp nhiều chỉ báo để có kết quả đúng đắn nhất.
Tổng hợp báo VnExpress