Trang chủ
Video
Chế ảnh

Chứng khoán

Cổ đông NVL

Tài khoản này đã được xác thực qua Entrade X. Tìm hiểu thêm.
ic_purple_tick

2 năm trước

Chuyên gia chỉ ra 6 nhóm cổ phiếu có cơ hội tăng mạnh trong năm 2023

Cung tiền và room tín dụng có thể mở rộng vào 2023, giải quyết vấn đề khó khăn thanh khoản cục bộ ở một số nhóm ngành và giúp thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại.

Chuyên gia chỉ ra 6 nhóm cổ phiếu có cơ hội tăng mạnh trong năm 2023
Chế ảnh này

Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam trong 11T/2022


Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô 11 tháng đầu năm 2022 phát hành đầu tháng 12, Chứng khoán Agribank (Agriseco) đánh giá bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng đầu năm duy trì ổn định với một số điểm sáng từ tăng trưởng ở các nhóm bán lẻ tiêu dùng và dịch vụ hồi phục, vốn FDI thực hiện tăng cao, cán cân thương mại thặng dư.


Tuy nhiên tốc độ tăng đang chậm lại và dự kiến tăng trưởng quý 4 giảm tốc khi các chỉ báo dự báo sớm như PMI, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tiếp tục suy yếu. Việt Nam có độ mở kinh tế lớn nên áp lực từ suy thoái kinh tế của các quốc gia lớn, diễn biến địa chính trị toàn cầu phức tạp có thể đem đến nhiều thách thức trong thời gian tới.


Lạm phát được kiểm soát tốt nhờ các biện pháp kiềm chế lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả của Nhà nước. Tốc độ tăng trưởng cung tiền đang thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng, cho thấy dòng tiền dư thừa đang bị thắt lại, giúp kiềm chế lạm phát; mặc dù vậy đã xuất hiện tình trạng khó khăn thanh khoản ở một số lĩnh vực, đặc biệt là nhóm bất động sản, xây dựng. Agriseco dự báo lạm phát năm 2022 đạt khoảng 3% - 3,5%, nằm trong ngưỡng mục tiêu của Chính phủ.


Nhóm phân tích kỳ vọng sang năm 2023 yếu tố đầu tư công sẽ là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng khi các động lực khác đang có dấu hiệu suy yếu. Xuất khẩu khó duy trì đà tăng trưởng khi các đối tác lớn đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và thực tế đã thể hiện trong kết quả các tháng gần đây. Tiêu dùng tiếp tục hồi phục nhưng khó duy trì tăng trưởng như năm 2022, trong khi vốn đầu tư tư nhân có thể chững lại khi gặp khó khăn trong việc huy động vốn cũng như triển khai các dự án tiềm năng.


Theo Agriseco, áp lực lạm phát có thể tăng cao trong năm 2023 khi sức cầu trong nước hồi phục hoàn toàn, trong khi nguồn cung có thể bị ảnh hưởng bởi chi phí đẩy khi chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được khôi phục và tỷ giá đang gặp áp lực. Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân gói kích thích kinh tế và đầu tư công cũng có thể gây áp lực tới lạm phát trong năm tới.


Lựa chọn nhóm ngành cho năm 2023?


Agriseco đánh giá năm 2022, Việt Nam đã gần như đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát dự kiến khá thấp so với mục tiêu 4%; đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh chuẩn bị cho các mục tiêu vĩ mô năm 2023.


Với mục tiêu năm 2023 tăng trưởng GDP đạt 6,5% và lạm phát 4,5%; cung tiền và room tín dụng có thể quay trở lại trạng thái mở rộng sau khi đã được kiểm soát chặt chẽ từ đầu năm. Điều này sẽ hỗ trợ được vấn đề khó khăn thanh khoản cục bộ ở một số nhóm ngành, cũng như giúp thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại.


Việc duy trì đà tăng trưởng cao và giữ lạm phát ở mức thấp giúp Việt Nam là điểm sáng trong khu vực cũng như toàn cầu để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, động thái  dự giảm tốc độ tăng lãi suất của Fed sẽ ghìm áp lực tỷ giá chậm lại, nguồn cung USD gia tăng trong các tháng cuối năm và nửa đầu năm 2023 sẽ là các yếu tố tích cực cho kinh tế Việt Nam trong năm 2023.


Theo đó, Agriseco nhận định dòng tiền trong năm tới sẽ hướng đến 6 nhóm ngành chính gồm: khu công nghiệp, xây dựng, bất động sản, bán lẻ, dịch vụ, ngân hàng


Cụ thể, xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi Trung Quốc cũng như khu vực châu Âu từ sự kiện Nga – Ukraine vẫn đang diễn ra tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút dòng vốn dịch chuyển. Điều này tác động tích cực trong dài hạn đối với nhóm ngành khu công nghiệp và các ngành liên quan.


Đối với nhóm bán lẻ, dịch vụ, kết quả kinh doanh quý 4/2022 có thể tăng trưởng mạnh mẽ trên nền tăng trưởng thấp của cùng kỳ năm 2021. Dòng tiền có thể tìm tới các ngành, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt và tạo cơ hội tăng giá đối với các cổ phiếu nhóm ngành trên.


Đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới khi có thể giúp nhiều ngành nghề liên quan hưởng lợi như xây dựng, bất động sản, ngân hàng…



Tuy nhiên cần lưu ý bên cạnh yếu tố tích cực trên thì các nhóm ngành khác nhau đều đang gặp khó khăn riêng, đặc biệt là ngành bất động sản. Vì vậy nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ cơ hội và rủi ro đối với từng ngành, mã cổ phiếu cụ thể trước khi giải ngân.


Mặt bằng định giá thị trường PE ở mức 10 lần, thấp hơn so với trung bình quá khứ và các nước trong khu vực cùng với tín hiệu mua ròng mạnh từ khối ngoại cho thấy triển vọng dài hạn cho thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang trong quá trình tạo đáy, công ty chứng khoán cho rằng đây là thời điểm phù hợp để tích lũy dần các khoản đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu đầu ngành có mức định giá P/E, P/B ở vùng thấp so với lịch sử, ưu tiên các doanh nghiệp không có tính chu kỳ hoặc đang được khối ngoại mua ròng.


Theo thống kê, sau khi mua ròng kỷ lục vào tháng 11, khối ngoại tiếp tục mạnh tay gom ròng khớp lệnh 7.908 tỷ trong tuần đầu tháng 12 (từ 28/11- 2/12). Các mã được mua ròng mạnh nhất HPG (1.435 tỷ), VHM (1.308 tỷ), STB (801 tỷ), SSI (559 tỷ), VIC (685 tỷ), MSN (564 tỷ), CTG (354 tỷ), KBC (280 tỷ), KDH, (305 tỷ), VND (243 tỷ), VNM (243 tỷ), VRE (226 tỷ), VCB (256 tỷ), GEX (195 tỷ).


Mới đây, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, CTCK Maybank Investment Bank (MSVN) nhận định với định giá rẻ hiện tại, nhà đầu tư có thể mua được rồi nhưng mua bao nhiêu, tập trung cổ phiếu nào, giữ tỷ trọng tiền mặt bao nhiêu để đề phòng yếu tố cơ cấu kia là việc quản trị danh mục rủi ro, còn quyết định tích lũy dần cổ phiếu mang tính đầu tư, tích sản là thời điểm 10 năm có 1 lần.


Về mặt rủi ro, Agriseco lưu ý mặt bằng lãi suất đang tiếp tục tăng có thể khiến dòng tiền từ thị trường chứng khoán tiếp tục rút ra để chuyển đổi kênh đầu tư (đặc biệt dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân); đồng thời các doanh nghiệp có thể thận trọng hơn khi quyết định các dự án đầu tư mới ảnh hưởng tới tăng trưởng kết quả kinh doanh.


Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể ghi nhận kết quả chậm lại do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố tỷ giá cũng như việc sụt giảm sức cầu từ các thị trường đối tác chính. Đối với các doanh nghiệp hưởng lợi từ việc tăng trưởng xuất khẩu 2 năm qua có thể gặp trở ngại trong việc duy trì đà tăng trưởng. Đối với những cổ phiếu có tính chu kỳ, yếu tố định giá nên được đặt lên hàng đầu khi xem xét đầu tư.


Đồng thời, các yếu tố bất định trong và ngoài nước vẫn đang tiếp diễn như xung đột Nga – Ukraine, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, Fed tăng lãi suất, lạm phát và suy thoái toàn cầu, áp lực thanh toán gốc lãi trái phiếu của các tổ chức phát hành. Các nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao hoặc nhóm cổ phiếu bất động sản có quy mô vay nợ lớn có thể gặp áp lực giảm điểm mạnh khi có các thông tin không thuận lợi được công bố.


Quốc Huy - nguoiquansat

chứng khoánẢnh chế chứng khoánBovaGau

© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.