Tài chính
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, trong năm nay, dòng tiền sẽ vẫn tìm đến tiền gửi tiết kiệm nhiều nhất. Đồng thời, ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư có thể cân nhắc gửi tiền trước khi lãi suất hạ.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại đáng kể do nhiều nguyên nhân như lạm phát, các ngân hàng trung ương thắt chặt hơn chính sách tiền tệ, các cuộc xung đột địa chính trị.
Tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng của nhiều quốc gia tại nhiều châu lục trên thế giới. Ví dụ như Mỹ dự báo tăng trưởng của quốc gia này chỉ còn 0,5% trong khi trước đó con số này là 2,4%; Trung Quốc từ 5,2% xuống còn 4,3%; châu Âu và Trung Á chỉ còn 0,1%, trước đó là 1,5%.
WB cho rằng việc thắt chặt tiền tệ trên thế giới đã diễn ra một cách đồng bộ và nhanh hơn dự kiến. Đây cũng là nguyên nhân làm cho tăng trưởng toàn cầu chậm lại và đứng trên bờ vực của sự suy thoái.
Trong bối cảnh đó, liệu nền kinh tế của Việt Nam sẽ ra sao, hay đầu tư kênh nào mang được hiệu quả trong thời buổi khó khăn đang là điều được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Để mang đến thêm góc nhìn cho nhà đầu tư, chúng tôi đã có buổi trao đổi với TS. Đinh Thế Hiển về các vấn đề này.
Nhiều dự báo đang cho thấy kinh tế toàn cầu có phần khó khăn hơn trong năm 2023, quan điểm của ông thì thế nào?
TS Đinh Thế Hiển: Đây không phải lần đầu Việt Nam đối mặt với các áp lực suy giảm kinh tế toàn cầu. Chẳng hạn như khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997, hay cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Tuy nhiên, những khó khăn đó đối với Việt Nam không quá lớn và đều có thể vượt qua được.
Chúng ta vẫn đang có những yếu tố nội tại rất tốt. Nhiều tổ chức uy tín cũng đang dự báo GDP của Việt Nam đang tăng trưởng cao so với mặt bằng chung cả thế giới và trong khu vực.
Việc có khó khăn hay không còn tùy thuộc vào cách thức kinh doanh mỗi lĩnh vực. Như các doanh nghiệp bất động sản năm nay sẽ vẫn còn nhiều khó khăn. Vì hoạt động của nhóm này chủ yếu cần rất nhiều vốn. Tuy nhiên, giờ đây ở cấp độ vi mô là các ngân hàng thương mại lẫn cấp độ vĩ mô là Ngân hàng Nhà nước cung đang thận trọng hơn với việc đưa nguồn vốn vào lĩnh vực này.
Về những doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ, có thể trong năm 2023 họ cũng sẽ gặp một vài thách thức. Các trở ngại này chủ yếu là những vấn đề còn tồn đọng ở năm 2022. Vì lẽ đó tình trạng này có thể sẽ không kéo dài quá 6 tháng đầu năm nay.
Nhà nước cũng đang nỗ lực giải ngân cho hạ tầng để vừa tạo động lực phát triển kinh tế vừa tạo hiệu ứng dòng tiền lan tỏa đến nền kinh tế. Về vĩ mô, nhà điều hành cũng đang tiếp tục ổn định kinh tế, khống chế lạm phát để từ từ hạ nhiệt lãi suất cho vay ở mức hợp lý. Đó là những thứ nhà nước làm và tiếp tục tập trung làm.
Có một số ý kiến cho rằng nhà nước sẽ hỗ trợ một số ngành nghề cụ thể. Tuy nhiên, tôi cho rằng nguồn lực sẽ không đủ để giúp hết các ngành, nếu nhà điều hành thực hiện hành động này. Thứ hai điều đó cũng dẫn đến mất cân đối ngành nghề và thứ ba đó là hành động này có thể ảnh hưởng đến các chính sách ổn định vĩ mô.
Có thể Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ, song sẽ tùy doanh nghiệp và ở các tình huống cụ thể. Ví dụ như việc hỗ trợ ngành xăng dầu khi giá của mặt hàng này lên cao trong thời gian vừa qua. Không nên đưa ra các gói hỗ trợ khi mà chúng ta chưa đối đầu với một tình huống nào đó cụ thể.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế
Với yếu tố vĩ mô như vậy, liệu dòng tiền sẽ tìm đến kênh đầu tư nào trong năm 2023 này thưa ông?
TS Đinh Thế Hiển: Tôi cho rằng dòng tiền sẽ vẫn tiếp tục tìm đến tiền gửi ngân hàng. Hiện nay, mặc dù các ngân hàng đã khống chế lãi suất không để vượt quá 9,5% song đây vẫn là mức tương đối cao trong nhiều năm trở lại đây. Đồng thời, các nhà băng lớn như nhóm Big 4 hiện cũng chỉ đang niêm yết mức lãi suất quanh mức 7-8%/năm. Thậm chí với các kỳ hạn dài, các ngân hàng này cũng để mức lãi suất không quá cao. Điều đó như một tín hiệu cho thấy lãi suất thời gian tới sẽ không tiếp tục tăng. Đối với những người 1-2 năm tới chưa có nhu cầu đầu tư, vẫn quen gửi ngân hàng, mức lãi suất 8-9%/năm sẽ mang lại một lợi thế không hề nhỏ cho các nhà đầu tư này.
Phổ lãi suất huy động trong quý I/2023 sẽ ở mức 6,5-7% đối với các ngân hàng lớn, chất lượng tốt và 8-9% đối với các nhà băng nhỏ. Dự kiến hết quý 2 thì lãi suất sẽ trở lại bình thường quanh 7%.
Về kênh chứng khoán, trong năm 2021, thị trường vốn này đã chứng kiến một lượng tiền lớn đổ vào. Có những phiên giao dịch có thanh khoản lên đến 50-60 nghìn tỷ và nhà đầu tư rất hồ hởi. Tuy nhiên, đây là sự tăng trưởng không lành mạnh và không bền vững. Hệ quả của điều này cũng đã được thấy rất rõ trong năm 2022 vừa qua.
Tôi cho rằng năm 2023 giá trị giao dịch bình quân của thị trường này quanh mốc 20 nghìn tỷ/phiên là hợp lý. Việc tăng trưởng nên được diễn ra song song với đà cải thiện tính minh bạch của thị trường.
Kênh bất động sản sản năm nay có lẽ sẽ không ghi nhận dòng tiền đổ mạnh vào. Các giao dịch chủ yếu là từ những nhà đầu tư còn tiền đi mua các bất động sản “ngộp”. Cũng không loại trừ được kịch bản có khối ngoại đổ vào, hoặc dòng tiền từ các phi vụ mua bán sáp nhập từ nước ngoài tham gia vào thị trường này.
Về vàng, tỷ suất sinh lời nhiều năm của tài sản này chỉ quanh mốc chỉ 5-10%. Có những năm cao nhất cũng chỉ được 20%. Giá vàng cũng đang ở mức cao nên nếu nhà đầu tư có ý định phòng thủ thì họ có thể sẽ cân nhắc tiền gửi hoặc bất động sản nhiều hơn. Vàng chỉ là một kênh ổn định, không có việc lượng lớn người chuyển tiền từ các kênh khác sang đây.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia!
Văn Tuệ – CafeF
2 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.