Trang chủ
Video
Chế ảnh


Chứng khoán

dieu nguyen

1 năm trước

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/2

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 27/2 của các công ty chứng khoán.

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/2
Chế ảnh này

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 27/2 của các công ty chứng khoán.


Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu CTR


CTCK Vietcombank (VCBS)


Mảng vận hành khai thác duy trì đóng góp dòng tiền tích cực: Mặc dù tăng trưởng chậm lại, mảng vận hành khai thác dự báo vẫn duy trì mức tăng trưởng trên 10%/ năm trong ít nhất 2-3 năm tới và đóng góp 300 – 400 tỷ đồng dòng tiền mỗi năm cho Tổng CTCP Công trình Viettel (CTR – UPCOM) .


Dư địa tăng trưởng dồi dào từ lĩnh vực xây dựng, dịch vụ dân dụng nhờ: (1) Quy mô thị trường lớn; (2) Lợi thế từ độ phủ tới các địa phương; (3) Thị trường cung cấp dịch vụ xây lắp nhà ở riêng lẻ và sửa chữa, tích hợp thiết bị hộ gia đình chưa có nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp chuyên nghiệp.


4G sẽ vẫn là động lực chủ đạo đối với mảng hạ tầng cho thuê:Hạ tầng 5G nhiều khả năng sẽ chưa thể đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2023-2024. Động lực tăng trưởng chủ yếu sẽ vẫn đến từ nhu cầu mở rộng hạ tầng phát sóng 4G của Viettel.


Áp lực gia tăng chi phí lãi vay trong giai đoạn 2023-2024cùng với sự gia tăng quy mô nợ vay tài chính và việc tham gia mạnh vào các lĩnh vực thâm hụt dòng tiền, qua đó tác động tiêu cực đến hiệu quả lợi nhuận.


VCBS đánh giá CTR còn nhiều dư địa để duy trì mức tăng trưởng tích cực trong dài hạn. Tuy vậy, trong 1-2 năm tới tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp dự báo sẽ chịu áp lực nhất định từ chi phí lãi vay gia tăng, khó khăn của thị trường BĐS và việc phát triển hạ tầng 5G sẽ cần thêm thời gian để triển khai.


VCBS dự phóng doanh thu năm 2023 của CTR đạt 11.040 tỷ đồng (tăng 17,8% so với năm trước), lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 508 tỷ đồng (tăng trưởng 14,3%),tương ứng với EPS là 4.440 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu CTR với mức định giá hợp lý là 54.254 đồng/cổ phiếu.


Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TCB


CTCK KB Việt Nam (KBSV)


Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán TCB – sàn HOSE) ghi nhận thu nhập lãi thuần quý 4 đạt 6.819 tỷ đồng (giảm 9,9% so với quý trước và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước), thu nhập ngoài lãi đạt 2.608 tỷ đồng (giảm 6% so với quý trước và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước).


Chi phí hoạt động quý 4 đạt gần 4 nghìn tỷ đồng (tăng 32,4% so với quý trước và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước). TCB tiếp tục mạnh tay trích 691 tỷ chi phí dự phòng rủi ro (tăng 13,5% so với quý trước và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước).


Kết quả kinh doanh giảm trong khi chi phí vẫn tăng khiến lợi nhuận trước thuế quý 4 chỉ còn khoảng 4.746 tỷ đồng (giảm 25,8% so với quý trước và giảm 19,6% so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 25.568 tỷ đồng, tăng nhẹ 10% so với cùng kỳ năm trước.


Lợi suất bình quân đầu ra liên tục được cải thiện đi cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, tăng 0,23 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí vốn gia tăng nửa cuối năm khiến COF của năm tăng tới 0,67 điểm %. NIM 2022 từ đó giảm tới 0,42 điểm %.


Dư nợ tín dụng cuối 2022 là 461 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% - phù hợp với mức room 13% được cấp năm nay. Căng thẳng thanh khoản khiến TCB phải đẩy mạnh bổ sung nguồn vốn cấp 1 ngay trong quý 4. Tiền gửi khách hàng từ đó tăng 13,9%. Tỷ lệ về thanh khoản như LDR, SMLR vẫn được đảm bảo theo quy định.


Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng lên 0,91% (cùng kỳ 0,66%). Nợ nhóm 2 tăng gấp 4 lần cùng kỳ do điều chỉnh lại tiến độ trả nợ cho khách hàng. Ban lãnh đạo kỳ vọng sau 3 tháng thử thách thì các khoản này sẽ về nhóm 1. Tỷ lệ bao nợ xấu giảm còn 125% nhờ hoàn nhập dự phòng Covid đã trích.


TCB đã mất vị trí top đầu về CASA cho MBB trong năm 2022. Sang 2023 ngân hàng sẽ nỗ lực lấy lại vị thế thông qua (1) Nhu cầu đầu tư tăng khi lãi suất huy động giảm; (2) khẳng định vị thế vững chắc trong mảng thẻ tín dụng nhờ nền tảng bán lẻ đa kênh Omni; (3) Tiếp tục tăng trải nghiệm người dùng trên Techcombank Mobile kèm các chương trình kích thích tiêu dùng và mở tài khoản.


Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, chúng tôi giữ nguyên mức giá mục tiêu cho năm 2023 của cổ phiếu TCB là 34,200 đồng/CP, cao hơn 22.3% so với giá tại ngày 23/02/2023, đồng thời khuyến nghị mua.


Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu SAB


CTCK Agribank (AGR)


SABECO (HSX: SAB) là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất và phân phối bia rượu tại Việt Nam. Năm 2022, doanh thu thuần đạt 34.979 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 5.500 tỷ đồng (tăng trưởng 40%), vượt 0,5% và 20% kế hoạch đặt ra. Có được kết quả này nhờ ngành bia hồi phục mạnh mẽ sau dịch và sức khỏe thương hiệu của SAB được cải thiện. Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo, thị phần SAB tăng nhẹ vào năm 2022 về quanh con số thị phần năm 2019 (Khoảng 40% theo Euromonitor).


Biên gộp thu hẹp xuống 28% trong quý IV từ mức đỉnh 34% trong quý II/2022. SAB thường chốt trước giá nguyên liệu từ 6 đến 9 tháng, do đó giá nguyên liệu đầu vào tăng đã dần phản ánh vào biên gộp của công ty. (Theo Economic data, trong năm 2022 giá malt, nhôm đã tăng khoảng 40 -50% so với trung bình năm 2021). SAB đang thực hiện một số biện pháp nhằm bảo vệ biên gộp (1) Tối ưu hóa sản xuất (2) Tăng sản lượng tiêu thụ các thương hiệu cận cao cấp (3) Tăng giá bán.


Kế hoạch M&A: SAB vừa thông qua đề xuất nâng sở hữu tại CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây sở hữu 6 nhà máy bia và CTCP Tập đoàn Bao bì Sài Gòn sở hữu 2 nhà máy bao bì để trở thành công ty con. BLĐ cho rằng việc tăng sở hữu tại các công ty này sẽ mang lợi ích kinh tế vào năm 2024.


Tăng trưởng chậm lại trong năm 2023: Tăng trưởng tiêu thụ ngành bia năm 2023 dự báo chững lại ở mức 1 con số so với năm 2022 khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó SAB còn đối mặt với (1) Biên gộp thu hẹp do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao (2) Chi tiêu nhiều hơn cho quảng cáo khuyến mãi để giữ thị phần trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.


Nhìn chung, kết quả kinh doanh của SAB tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 nhờ sự hồi phục của ngành bia sau dịch và cải thiện sức khỏe thương hiệu. Song tăng trưởng năm 2023 được dự báo chậm lại và SAB phải đối mặt với các khó khăn về giá nguyên liệu tăng cao và chi tiêu nhiều hơn cho quảng cáo khuyến mãi. Chúng tôi đánh giá trung lập cổ phiếu SAB với giá mục tiêu 200.000 đồng/cp (upside 5,8%).


Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVT


CTCK VNDirect (VND)


Lợi nhuận ròng quý IV/2022 của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí - PVT tăng 3,8% so với cùng kỳ lên 206,8 tỷ đồng, giúp lợi nhuận ròng năm 2022 đạt mức kỷ lục 861 tỷ đồng, hoàn thành 105,8% dự phóng của chúng tôi.


Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận cốt lõi của PVT sẽ tăng trưởng kép 9,7% trong năm 2023-2025 nhờ việc mở rộng đội tàu và mặt bằng giá cước thuê tàu cao.


Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan đối với PVT với giá mục tiêu không đổi dựa trên phương pháp DCF là 26.300 đồng/cp do tác động trái chiều của: (1) điều chỉnh tăng nhẹ dự phóng EPS năm 2023-25, (2) chuyển mô hình DCF sang năm 2023, và (3) nâng lãi suất phi rủi ro từ 3% lên 4%.


Động lực tăng giá là giá cước thuê tàu chở dầu thô và nhiên liệu đang tăng trên toàn cầu. Rủi ro giảm giá đến từ giá cước thuê tàu thấp hơn kỳ vọng và lãi suất cao hơn dự kiến.


Nguồn: Báo đầu tư chứng khoán

chứng khoánVNDVCBAGR
reaction

10 lượt thích

1 bình luận

© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.