Chứng khoán
Với các chứng sĩ, những bức comic vui nhộn từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc, thậm chí đến mức nhiều người “ra ngóng, vào trông” như một thói quen: lâu không gặp thì nhớ, vài bữa không thấy lại mong.
Viral = Trend + Hài hước
Nhìn vào độ nổi tiếng của Bò và Gấu, không nhiều người nghĩ rằng fanpage này mới chuẩn bị bước vào tuổi thứ 3.
Ra đời ngày 29/9/2019, với mục đích xây dựng một kênh giải trí dành cho nhà đầu tư chứng khoán sau những giờ giao dịch căng thẳng. Với nét vẽ hài hước, thông qua những bức tranh theo kiểu comic, các tác phẩm của Bò và Gấu thể hiện một góc nhìn hoàn toàn mới lạ về thị trường tài chính vốn tưởng như khô khan, chỉ chứa đựng những con số khó hiểu.
Một ngày cuối tuần, phóng viên Tinnhanhchungkhoan.vn đã có dịp thâm nhập vào đại bản doanh của Bò và Gấu để mục sở thị “lò” sản xuất ra những bức vẽ được các chứng sĩ thích thú truyền tay, được các room tư vấn nhiệt tình chia sẻ.
Không quá ngạc nhiên khi nơi ra đời của các tác phẩm theo phong cách comic này toàn những người trẻ tuổi. Một không gian mở - “lai” giữa không gian làm việc linh hoạt và văn phòng truyền thống, với đầy đủ khu vực làm việc, giải trí, studio… Phòng làm việc không “biên giới” – không vách ngăn giúp mọi thành viên có thể dễ dàng tương tác với nhau. Chỉ nhìn qua đã cảm thấy sự năng động, nhiệt tình và đầy năng lượng.
Gặp H., trưởng nhóm content của Bò và Gấu, người chịu trách nhiệm lên ý tưởng cho toàn bộ nội dung của trang. H. bảo: “Tiêu chí lớn nhất mà chúng em kiên định theo đuổi, đó là bắt trend và hài hước. Để bắt trend, nhóm sản xuất phải canh bảng điện như những chứng sĩ thực thụ, cùng với đó là việc tìm kiếm các thông tin từ cuộc sống thường nhật, rồi chứng khoán hoá nó. Còn với tiêu chí hài hước, thì người làm nội dung phải đọc nhiều tài liệu, sách báo, xây dựng cốt truyện có cao trào, nút thắt nhưng phải thật ngắn gọn và hài hước”.
Theo H., việc tham khảo thông tin, cách dẫn dắt câu chuyện, cách tạo ra các “virus hài hước” từ môi trường mạng là cần thiết, nhưng dù tham khảo, chắt lọc kiểu gì thì sản phẩm cuối cùng cũng phải mang màu sắc của Bò và Gấu, tạo nên cái chất riêng có.
Hiện nay, công tác sản xuất nội dung của Bò và Gấu cũng được lên kế hoạch theo tuần, theo tháng. Ví dụ như với tháng 9 có các sự kiện như Trung thu, ra mắt Iphone mới, công bố CPI của Mỹ… Các danh sách sự kiện chính, quan trọng với thị trường chứng khoán, với đời sống có thể tạo trend đều được cân nhắc lên kế hoạch sản xuất. Ngoài ra, với mỗi trend cụ thể, đột xuất theo diễn biến thực tế cũng sẽ được lên kế hoạch cho công tác sáng tạo nội dung.
Phòng sáng tạo của Bò và Gấu như một phòng game. Ảnh: Dũng Minh.
Là dân marketing nhưng lại chuyển hướng sang làm mảng sáng tạo, H. là một trong những nhân sự thế hệ đầu của Bò và Gấu. Khi được hỏi: Công việc thú vị như vậy, chắc mỗi ngày làm việc là một sự tận hưởng niềm vui? - H. bảo: Sẽ quả là sự tận hưởng nếu đó là ngày thị trường bát ngát xanh hay có nhiều diễn biến thú vị. Nhưng lại sẽ là áp lực mà người làm nội dung phải gồng lên để hoàn thành khi thị trường đi vào khoảng trầm lắng thông tin.
Còn với Huy, một thanh niên 24 tuổi, là hoạ sĩ thế hệ F2 thì sau những lần thử thách với các công việc như thiết kế, dựng phim ở một vài đơn vị, Huy chính thức đầu quân cho Bò và Gấu được khoảng 2 năm.
“Công việc hiện tại thú vị hơn, cho em có nhiều không gian sáng tạo theo sở thích cá nhân của mình. Tuy nhiên, chứng khoán cũng là lĩnh vực hẹp nên để thể hiện các ý tưởng, nội dung một cách hấp dẫn cũng không dễ dàng”, Huy nói.
Theo chia sẻ của Huy, thì dù là hoạ sĩ “làm tranh” theo đặt hàng từ bộ phận nội dung, nhưng để có được cảm xúc và sự đồng điệu với thị trường, nhà đầu tư, Huy cũng thường xuyên quan sát diễn biến thị trường (bản thân Huy cũng là một nhà đầu tư), cùng với đó là nắm bắt các thông tin về đời sống, xã hội để có được cách thể hiện tốt nhất. Những lúc bí cách thể hiện, người hoạ sĩ như Huy cũng phải tìm cảm hứng từ các sản phẩm tương đồng từ các lĩnh vực khác.
Hiện mỗi hoạ sĩ như Huy sẽ phải hoàn thành 2 – 3 sản phẩm mới/ngày, chưa kể các sản phẩm sửa lại trên kho tài nguyên sẵn có. Thời gian cho việc sáng tác một tác phẩm mới hoàn toàn sẽ vào khoảng 2 - 3 giờ, còn với tác phẩm có nguyên liệu hình ảnh từ trước chỉ sửa đổi thì sẽ nhanh hơn, khoảng 1 – 1,5 giờ.
Bạn của những nhà đầu tư cô đơn
Cũng tại đại bản doanh của Bò và Gấu, người viết có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Quang Sơn, “cha đẻ” của trang. Anh Sơn từng có thời gian công tác tại Báo Đầu tư Chứng khoán. Và điều thú vị được “cha đẻ” của Bò và Gấu bật mí, đó là ý tưởng cho sự ra đời của trang giải trí này lại xuất phát từ giai đoạn còn làm phóng viên của Báo.
“Ngày đó, khi còn làm ở Báo Đầu tư Chứng khoán, mình thường xuyên được tiếp xúc với các thể loại tranh truyện về kinh tế. Nhưng thời đó, các tài liệu tiếp cận chủ yếu về các vấn đề vĩ mô như chiến lược, lạm phát, dòng tiền…. nhưng phần vì tính chuyên ngành, phần vì phải chuyển tải thông tin từ tiếng Anh sang tiếng Việt, nên sự hài hước bị hao hụt đi nhiều. Ý tưởng cho việc ra đời một “kênh” giải trí từ tranh vẽ hé lên từ đó. Mình thấy rằng, sẽ dễ tiếp cận nhà đầu tư hơn nếu sử dụng các tranh vẽ giải trí. Đây là loại hình có thể làm khách hàng giải toả được, cười được và chia sẻ, hiệu ứng lan toả theo đó sẽ tốt hơn. Đây là lý do cho việc mình bắt đầu với Bò và Gấu”, anh Sơn kể lại.
Dù chỉ gần 3 năm tuổi, nhưng tự nhìn lại đứa con tinh thần của mình, anh Sơn cho biết, Bò và Gấu đã có sự tiến hoá khá rõ, tranh vẽ đẹp hơn, các vấn đề tiếp cận đa dạng hơn. Đến nay, Bò và Gấu không chỉ bó hẹp trong phạm vi thể hiện là các tranh comic, mà Bò và Gấu còn xuất bản nội dung dưới hình thức video qua các kênh tiếp cận như YouTube, TikTok. Bò và Gấu cũng đã được cấp phép lập mạng xã hội và đây là định hướng cho một sân chơi rộng mở hơn cho cộng đồng nhà đầu tư trong thời gian tới.
“Mừng nhất là nhiều công ty chứng khoán đã nhận thấy đây là con đường truyền thông tốt và thực hiện theo với các cách làm tương tự. Mình thấy vui vì tạo ra được một phong trào, cộng đồng để cùng chia sẻ. Qua trang, những người làm nội dung muốn thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với nhà đầu tư, tạo ra sân chơi, nơi thư giãn sau giờ giao dịch căng thẳng, bởi các nhà đầu tư khá cô đơn trên sàn chứng khoán và không dễ để có thể chia sẻ niềm vui nỗi buồn”, anh Sơn cho biết thêm.
Là đơn vị tiên phong trong các tranh comic về chứng khoán, nhưng những người sáng lập của trang không giữ nó cho riêng mình mà đến nay, toàn bộ các tranh vẽ của Bò và Gấu đều đã được chia sẻ miễn phí trên web (https://bovagau.vn/meme), để các nhà đầu tư thoải mái sáng tạo nội dung theo góc nhìn của mình, đúng như câu nói của cha đẻ của trang cùng phóng viên trước khi chia tay: “Niềm vui đến từ những điều rất nhỏ, như những comment động viên, sự hưởng ứng chia sẻ của đông đảo nhà đầu tư, đó là giá trị riêng thôi thúc để những người làm nội dung liên tục đổi mới và tìm ra các cách thể hiện, chủ đề mới lạ phục vụ cộng đồng nhà đầu tư”.
Một số điều thú vị về Bò và Gấu:
Về content: Team Bò và Gấu được ví như team Durex lừng danh một thời.
Tính tiên tri: Nhiều bức tranh mang tính “tiên tri” cao khi “khịa” mã nào, mã đó tăng/giảm.
Tương tác: Bò và Gấu thường xuyên nhận được đề nghị mách nước đầu tư (phím 3 chữ cái), hay nhà đầu tư kẹt hàng mã nào thì đề nghị Bò và Gấu “khịa” mã đó để mã đó tăng trần.
Fan nhí: Theo quy định, cá nhân từ 15 tuổi mới được mở tài khoản chứng khoán, Bò và Gấu đã có fan từ 13 – 14 tuổi, có những “bé” tìm đến mở tài khoản chứng khoán dù chưa đủ tuổi.
Tính cộng đồng: Dù là sản phẩm của một công ty chứng khoán, nhưng sản phẩm của Bò và Gấu lại được nhân viên môi giới của các công ty chứng khoán khác chia sẻ khá thoải mái, cho thấy tính cộng đồng rất cao của sản phẩm.
Theo Thành Nguyễn - Dũng Minh (Tinnhanhchungkhoan)
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.