Trang chủ
Video
Chế ảnh

Chứng khoán

Chiên Da Đu Đỉnh

1 năm trước

Đâu là lý do khiến ngân hàng Credit Suisse lâm vào khủng hoảng?

Ngân hàng nổi tiếng của Thụy Sĩ Credit Suisse vốn là nơi người giàu trên thế giới gửi tiền vì ngân hàng này hành động rất cẩn trọng. Điều này khiến cho cuộc khủng hoảng hiện nay của Credit Suisse càng gây sốc và khó hiểu.

Đâu là lý do khiến ngân hàng Credit Suisse lâm vào khủng hoảng?
Chế ảnh này

Theo AFP, giá cổ phiếu của Credit Suisse đã lao dốc xuống mức thấp nhất trong phiên 13/3 khi thị trường chịu ảnh hưởng bởi những lo ngại xung quanh vụ phá sản của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) của Mỹ.


Giá cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm nhanh chóng trên thị trường chứng khoán Thụy Sĩ. Tỷ lệ giảm là 14,6% trong phiên 13/3, xuống mức thấp kỷ lục 2,115 franc Thụy Sĩ/cổ phiếu.


Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do biến động thị trường, nhưng Credit Suisse không có mối liên hệ đáng kể nào với SVB.


Nhà phân tích Andreas Venditti tại tập đoàn quản lý đầu tư Vontobel của Thụy Sĩ cho rằng Credit Suisse là mắt xích yếu nhất trong hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ. Theo chuyên gia Venditti, giá cổ phiếu của Credit Suisse đã dễ biến động ngay cả trước khi SVB sụp đổ.


Dưới gánh nặng của chi phí tái cấu trúc, vào đầu tháng 2, Credit Suisse đã báo cáo khoản lỗ ròng 7,3 tỷ franc trong năm 2022.


Theo Bloomberg, tới giữa tháng 3, lo lắng về các vấn đề ngày càng nhiều của ngân hàng này đã tăng dần và giá cổ phiếu của Credit Suisse sụt giảm, buộc ban lãnh đạo phải kêu gọi giới chức ngân hàng Thụy Sĩ bỏ phiếu tín nhiệm công khai.


Credit Suisse đã gặp vấn đề gì?


Cuộc khủng hoảng của Credit Suisse gồm một tiền án hình sự vì ngân hàng này đã để những kẻ buôn bán ma túy rửa tiền ở Bulgaria, vướng vào một vụ tham nhũng ở Mozambique, một vụ bê bối gián điệp liên quan đến cựu nhân viên và giám đốc điều hành, một vụ rò rỉ lớn dữ liệu khách hàng cho giới truyền thông.


Mối liên kết của Credit Suisse với nhà tài chính bê bối Lex Greensill và công ty đầu tư Mỹ đã sụp đổ Archegos Capital Management cho thấy ngân hàng này không nắm chắc các vấn đề của mình. Nhiều khách hàng chán nản đã rời bỏ Credit Suisse, dẫn đến lượng khách hàng rút lui nhiều chưa từng có vào cuối năm 2022.


Điều gì đã gây ra đợt sụt giảm giá cổ phiếu hiện nay?


Giám đốc điều hành Ulrich Koerner đã phát động một chiến dịch tiếp cận rộng rãi để thu hút lại những khách hàng đang lo lắng. Nỗ lực dường như đã được đền đáp vào tháng 1, khi đó ngân hàng này báo cáo tiền gửi tăng. Tuy nhiên, vào ngày 9/3, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ đã nghi ngờ báo cáo thường niên của Credit Suisse, buộc ngân hàng này phải hoãn công bố báo cáo.


Tình trạng hoảng loạn lan rộng sau khi ngân hàng SVB ở Mỹ sụp đổ. SVB là nạn nhân một phần do các khoản đầu tư rủi ro và lãi suất toàn cầu tăng cao đã làm giảm giá trị trái phiếu mà họ nắm giữ. Các nhà đầu tư bắt đầu từ bỏ bất cứ thứ gì có rủi ro ngân hàng và rút tiền gửi.


Tình hình đã trở nên tồi tệ như thế nào?


Vào ngày 15/3, cổ phiếu của Credit Suisse lại sụt giảm giá trị khi Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Saudi (cổ đông lớn nhất của Credit Suisse), không đồng ý đầu tư thêm. Điều này đã khiến Credit Suisse đề nghị Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đưa ra tuyên bố hỗ trợ công khai. Chi phí bảo hiểm trái phiếu trong một năm của ngân hàng Credit Suisse trong trường hợp vỡ nợ đã tăng lên mức chưa từng thấy so với các ngân hàng quốc tế lớn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.


Khi các ngân hàng khác tìm cách phòng ngừa rủi ro trong các giao dịch với Credit Suisse, giá niêm yết cho hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) một năm đã tăng từ 836 điểm cơ bản (cho thấy xác suất vỡ nợ là 10%) vào ngày 14/3 lên hơn 3.000 điểm cơ bản. Tuy nhiên, có rất ít giao dịch thực tế diễn ra do thanh khoản trên thị trường cạn kiệt.


Thêm một dấu hiệu căng thẳng khác là trái phiếu cấp 1 bổ sung của Credit Suisse đang được giao dịch dưới 80% mệnh giá, một mức thường báo hiệu tình trạng khó khăn. Ngay cả những trái phiếu đáo hạn vào tháng 4 cũng được giao dịch ở mức giá thấp hơn nhiều so với mệnh giá.


Đây có phải là một ngân hàng Lehman Brothers khác?Ngân hàng Mỹ Lehman Brothers sụp đổ năm 2008 đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngân hàng này đã không thể kháng cự khi nguồn vốn cạn kiệt và các ngân hàng khác ngừng hợp tác với mình.


Không giống như Lehman Brothers và SVB, Credit Suisse có tài sản lưu động đáng kể để huy động và có thể tiếp cận các điều kiện cho vay dễ dàng của ngân hàng trung ương, đồng thời ít nhạy cảm hơn nhiều trước những biến động mạnh về lãi suất. Ngân hàng này đã xây dựng biện pháp để chống lại tình trạng rút tiền gửi nhiều hơn kể từ làn sóng rút tiền tồi tệ nhất vào tháng 10/2022.


Liệu có thể xoay chuyển tình thế?


Kế hoạch phục hồi ba năm của Giám đốc điều hành Ulrich Koerner gồm cắt giảm 9.000 việc làm, biến Credit Suisse từ một ngân hàng đầu tư khổng lồ suốt 5 thập kỷ qua trở lại thành nguyên bản là ngân hàng của những người siêu giàu trên thế giới.


Credit Suisse đã tách First Boston, một ngân hàng đầu tư Mỹ mà họ mua lại vào năm 1990, và bán các bộ phận của đơn vị kinh doanhsản phẩm chứng khoán hóa cho Apollo Global Management. Quá trình đó hiện có nguy cơ bị sa lầy vào một làn sóng bán tháo rộng hơn trong lĩnh vực tài chính sau vụ sụp đổ của SVB và hai ngân hàng khác của Mỹ.

Credit Suisse
reaction

10 lượt thích

1 bình luận

1 năm trước

Đã chỉnh sửa

© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.