Tài chính
Trong tuần qua, từ mức 1.867 USD/ounce, vàng thế giới đã tăng hơn 120 USD/ounce, là hiệu suất tốt nhất trong 3 năm trở lại đây.
Đóng cửa phiên giao dịch 17/3 (thị trường Mỹ), giá vàng giao ngay ở mức 1.989 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 cũng đã leo lên mức 1.973 USD/ounce. Giá bạc đạt 22,6 USD/ounce.
Như vậy, trong tuần qua, từ mức 1.867 USD/ounce, vàng thế giới đã tăng hơn 120 USD/ounce, là hiệu suất tốt nhất kể từ tháng 3/2020.
Giới phân tích cho biết, thị trường vàng đã chứng kiến tuần tăng giá mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây khi rủi ro ngành ngân hàng lớn dần. Các nhà phân tích cho rằng, không loại trừ khả năng vàng sẽ lên 2.000 USD/ounce vào tuần tới khi thị trường chờ đợi cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra vào thứ Tư.
Trước đó, thị trường kỳ vọng FED sẽ tăng 25 điểm cơ bản lãi suất, nhưng hiện nay, các nhà đầu tư bắt đầu hướng tới khả năng nhiều hơn là FED sẽ tạm dừng, hoặc thậm chí sau đó có thể cắt giảm lãi suất bởi những khủng hoảng đang xảy ra trên thị trường tài chính.
“Nhiều quan điểm trên thị trường đồng thuận là FED sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ, trước cả khi lạm phát được kiểm soát. Đây là một sự thay đổi lớn về quan điểm so với chỉ vài tuần trước. Trước những biến động dữ dội về kỳ vọng điều chỉnh lãi suất, thị trường vàng đang thắng thế”, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá toàn cầu của TD Securities, ông Bard Melek nói với Kitco News.
Nhiều chuyên gia khác thì cho rằng, FED có thể vẫn tiếp tục tăng lãi suất trong tuần tới, nhưng sẽ dừng lại từ đó. Bởi nhìn sang thị trường châu Âu, ECB vẫn tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tuần này, giữ vững quan điểm diều hâu bất chấp những lo ngại với ngành ngân hàng. Điều này khiến thị trường tin rằng, FED cũng có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất như kế hoạch của họ vào thứ Tư tuần tới.
Chuyên gia về kim loại quý của Gainesville Coins, ông Everett Millman nêu quan điểm, FED có thể tiếp tục tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, nhưng chỉ là một động thái không hơn không kém để giữ uy tín của cơ quan này. “Họ sẽ không muốn bị coi là từ bỏ kế hoạch tăng lãi suất một cách quá chóng vánh. Tuy nhiên sau cuộc họp này, FED sẽ khó có thể tiếp tục tăng”.
Trước những hỗn loạn trên thị trường tài chính, FED đã có động thái hỗ trợ các ngân hàng về vấn đề thanh khoản trong tuần qua, làm dấy lên dự báo rằng chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu bị đảo ngược. Theo dữ liệu mới nhất từ FED, các ngân hàng đã vay 164,8 tỷ USD từ hai cơ sở hỗ trợ của FED trong tuần qua, con số này tăng mạnh so với 4,58 tỷ USD của tuần trước đó. Để so sánh, kỷ lục trước đây là 111 tỷ USD đạt được vào năm 2008.
Các nhà phân tích nhận định, với lo ngại rủi ro lan rộng ngành ngân hàng toàn cầu, vàng có thể sẽ kiểm tra mức 2.000 USD/ounce trong tuần tới, trước khi chứng kiến một số điều chỉnh do hoạt động chốt lời.
“Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu vàng kiểm tra lại mức cao nhất năm ngoái trên 2.000 USD/ounce. Chúng ta không thể biết rõ tương lai, nhưng thực sự, tình hình ngành ngân hàng ngày càng trở lên đáng lo”. Millman giải thích rằng, khó có thể vừa giải cứu các ngân hàng dễ bị tổn thương và vừa chống lạm phát. Hai mục tiêu đó dường như trái ngược nhau. Khó có thể tăng lãi suất cao hơn mà không gây thêm căng thẳng cho hệ thống nhà băng.
Nỗi sợ bỏ lỡ cũng đang đẩy giá kim loại quý lên cao hơn. Frank Cholly, chiến lược gia thị trường cao cấp của RJO Futures cho biết: “Khi vàng rẻ, mọi người có xu hướng tránh xa nó. Nhưng nay giá tăng cao, mọi người lại đang mua nhiều hơn. Vàng sẽ đạt 2.000 USD/ounce vào thời điểm nào đó trong năm nay. Thậm chí nó sẽ đạt mốc đó sớm hơn suy nghĩ của mọi người”.
Bất ổn ngành tài chính ngân hàng đang không chỉ xảy ra ở Mỹ, mà đã trở thành vấn đề toàn cầu khi một trong những ngân hàng lớn nhất Châu Âu – Credit Suisse, cũng đã phải vay 54 tỷ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sỹ để củng cố thanh khoản và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Hôm thứ Tư, cổ phiếu của Credit Suisee giảm 30%, một ngày sau khi báo cáo thường niên cho biết họ bị lỗ 8 tỷ USD vào năm ngoái. Đồng thời, các khách hàng giàu có của nhà băng này đã rút khoảng 100 tỷ USD khỏi ngân hàng trong quý IV/2022.
Axel Merk, Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư của Merk Investment cho biết, việc vàng tăng giá là điều hợp lý trong bối cảnh thị trường chìm trong bất ổn. “Để giữ uy tín, FED có thể vẫn tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tuần tới. Nhưng chỉ dừng đến đó”, ông nói.
Giới phân tích cho rằng, giá vàng sẽ nhanh chóng kiểm tra mức kháng cự 2.000 USD/ounce. Nhưng ngay cả con số này cũng đang trở nên lỗi thời, bởi trong báo cáo mới, cả Bloomberg Intelligence và Wells Fargo đều đang nhìn tới con số 3.000 USD/ounce.
Kỷ lục mà vàng từng đạt được là 2.032 USD/ounce vào tháng 8/2020.
Tất nhiên, trong khi tất cả chúng ta dồn sự chú ý vào lĩnh vực ngân hàng, đừng quên rằng, nền kinh tế cũng đang đối mặt với lạm phát cao kéo dài. Cuộc khảo sát mới nhất của Đại học Michigan cho thấy người tiêu dùng kỳ vọng lạm phát Mỹ sẽ tăng 3,8% vào năm tới. Mặc dù con số này giảm so với ước tính 4,1% của tháng 2, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của FED.
Matthew Piepenburg, Giám đốc thương mại tại Matterhorn Asset Management và là tác giả của Gold Matters nói rằng ông vẫn tập trung vào vàng như một công cụ phòng ngừa lạm phát dài hạn. “Tôi chắc rằng, đồng đô la trong túi của tôi, nếu đặt đó và quay lại sau 2 năm, nó sẽ có giá trị thấp hơn rất nhiều so với số gam vàng mà tôi nắm giữ”.
Tham khảo: Kitco News
Minh Vy – CafeF
13 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.