DGC, FPT: Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong ngành bán dẫn?
Rất nhiều cái "hơn" khi Việt Nam - Australia nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Kỳ vọng đối tác sẽ giúp Việt Nam biến đất hiếm thành lợi thế cạnh tranh toàn cầu.
Việt Nam và Australia đạt được những cam kết rất cao về khai thác khoáng sản
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Australia, hai bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ ngoại giao lên cấp cao nhất, đi kèm với đó là loạt cam kết về kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Có thể nói, việc bổ sung Australia vào danh sách đối tác “Chiến lược toàn diện” là mảnh ghép hoàn hảo với Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Anthony Albanese đã chứng kiến lễ ký 12 nội dung hợp tác, bao gồm năng lượng, khoáng sản, nông nghiệp, ngân hàng và tài chính,…
Australia là nhà sản xuất lớn các khoáng sản quan trọng được sử dụng trong mọi thứ, từ thiết bị viễn thông thông minh đến xe hơi, máy bay,… trong khi Việt Nam có một số trữ lượng chưa được khai thác thuộc nhóm lớn nhất trên thế giới.
Hai nước sẽ duy trì đối thoại cấp Bộ thường niên về năng lượng và khoáng sản, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên, bao gồm cả chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, đặc biệt là đất hiếm, chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.
Việt Nam có trữ lượng lớn thứ hai thế giới về đất hiếm, với khoảng 22 triệu tấn, đã thu hút các công ty khai thác từ Australia. Tập đoàn khoáng sản Blackstone Minerals Ltd đã đồng ý hợp tác với Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE) để khai thác mỏ lớn nhất Việt Nam ở Lai Châu, dự án trị giá khoảng 100 triệu USD.
Một doanh nghiệp lớn khác ở “xứ chuột túi” Strategic Materials cũng đã ký thỏa thuận ràng buộc vào tháng 4/2023 với VTRE về việc mua 100 tấn đất hiếm đã qua chế biến mỗi năm và cam kết đàm phán hợp tác cung cấp dài hạn hơn.
Australia tiên phong ứng dụng công nghệ tân tiến vào khai thác khoáng sản
Australia đang khẳng định mình là tâm điểm của sự đổi mới và phát minh trong các dự án khai thác mỏ thế hệ mới. Tiêu biểu là công nghệ khai thác tự động với số lượng phương tiện nhiều nhất thế giới.
Australia là quốc gia tiên phong áp dụng Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào thăm dò khai thác khoáng sản. Quy trình sư dụng dữ liệu lớn (BigData) cho phép xử lý chính xác và hiệu quả hơn phương pháp truyền thống.
Các ứng dụng khác bao gồm theo dõi luồng không khí trong các khoang lớn dưới lòng đất và trực quan hóa các khoang tạo khối để phát hiện sự phơi nhiễm khí mê-tan, carbon monoxide và bụi nhờ sử dụng dữ liệu thời gian thực.
Công nghệ AI xác định khu vực tiềm năng mà không cần nỗ lực của con người. Tác động của AI đối với ngành khai thác mỏ giải quyết được phần lớn thách thức liên quan đến kiểm soát chi phí, chuỗi cung ứng, năng suất và an toàn.
Công nghệ tân tiến của đối tác sẽ giúp Việt Nam giải quyết rất nhiều bài toán hóc búa trong thăm dò và khai thác đất hiếm. Đánh giá chính xác trữ lượng, phương pháp khai thác, giảm chi phí, bảo vệ môi trường sinh thái.
Có một thực tế rằng, con đường để nhân loại tiến tới mức phát thải về 0 buộc phải đi qua rất nhiều hầm mỏ, ngụ ý ở đây là các quốc gia sẽ khai thác tài nguyên nhiều hơn để sản xuất pin, chất bán dẫn và xây dựng các trang trại năng lượng gió.
Đất hiếm, lithium, cobal,… là những khoáng sản có tầm chiến lược, và Việt Nam đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng mình đang nắm chặt cơ hội và không thể bỏ lỡ nó. (Nguồn: diendandoanhnghiep.vn)