Tài chính
Làm Giàu nhờ Chứng Khoán
2 năm trước
Chiều ngày 22/12, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đề nghị xem xét khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để giúp doanh nghiệp và người mua nhà được vay tín dụng.
Cụ thể, Hiệp hội hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 05/12/2022 đã quyết định nới room tín dụng thêm 1,5-2% để có thêm khoảng 240.000 tỷ đồng cộng với khoảng 200.000 tỷ đồng còn lại của room tín dụng 14% (cũ) bơm vào nền kinh tế.
Nhưng đến nay (22/12/2022) chỉ còn 9 ngày nữa là hết năm 2022, nhìn chung các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn rất khó vay được tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ “chuẩn” tín dụng.
Chủ tịch HoREA nhận thấy, trong tình thế “bất thường” thì Nhà nước phải ban hành các giải pháp “bất thường” để xử lý kịp thời và hiệu quả và đối với thị trường bất động sản đang rất khó khăn hiện nay. Điển hình, Chính phủ, NHNN đã có gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm 2%/năm lãi suất vay cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và quyết định nới room tín dụng năm 2022 thêm 1,5 - 2%.
Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét không nên giữ nguyên xi “chuẩn” tín dụng trong tình thế “bất thường” hiện nay mà nên “nới chuẩn tín dụng một chút” nhưng vẫn không phải là “hạ thấp chuẩn tín dụng” so với “chuẩn tín dụng bình thường” trước đây.
Ông Châu cho biết: "Hiện nay, do NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ “chuẩn” tín dụng nên các ngân hàng thương mại “không dám” cho vay đối với một số trường hợp".
Trường hợp 1: Doanh nghiệp xin vay khoản tín dụng mới mặc dù có tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận do doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (dù chỉ thuộc nhóm 2, nhóm 3) chưa thanh toán nên không đạt “chuẩn” tín dụng.
Hiệp hội nhận thấy, nếu có được khoản vay mới thì doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và thanh toán khoản vay đáo hạn, có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cùng “dìu” nhau vượt qua khó khăn.
Trường hợp 2: Doanh nghiệp xin vay tín dụng mới và đề nghị được thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp đã hết tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận do ngân hàng không chấp thuận tài sản bảo đảm là trái phiếu nên không đạt “chuẩn” tín dụng.
Hiệp hội nhận thấy, nếu có được khoản vay mới và được phép thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp thì đây là nguồn vốn vay quý giá, có tính chất là “vốn mồi” để doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và các khoản vay cũ, có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cùng “dìu” nhau vượt qua khó khăn.
Trường hợp 3: Hiện nay hầu như không có căn hộ nhà ở xã hội trên thị trường, trong khi nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang thực hiện chính sách giảm giá bán nhà, chiết khấu sâu trên dưới 50% dẫn đến giá bán căn hộ tại một số dự án khoảng 2 tỷ đồng/căn, nhưng người mua nhà ở thương mại chưa vay được tín dụng với lãi suất hợp lý.
Bên cạnh đó, do gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm 2%/năm lãi suất vay theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, nhưng đến hết tháng 10/2022 mới chỉ giải ngân được khoảng 21.000 tỷ đồng chỉ đạt 52,5%, có khả năng “bị ế” mà nếu không sử dụng hết thì lãng phí nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Đề xuất chính sách ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà
Do vậy, Hiệp hội kiến nghị NHNN xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định một số chính sách ngắn hạn áp dụng đến hết năm 2023 để hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp và người mua nhà.
Một, đề nghị cho phép “tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm trong trường hợp doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (thuộc nhóm 2, nhóm 3) chưa thanh toán với điều kiện doanh nghiệp cam kết thực hiện giao dịch qua tổ chức tín dụng cho vay”.
Hai, đề nghị cho phép “tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm là trái phiếu doanh nghiệp được trị giá tối đa bằng 70% giá trị trái phiếu doanh nghiệp với điều kiện doanh nghiệp cam kết thực hiện giao dịch qua tổ chức tín dụng cho vay”.
Ba, đề nghị NHNN xem xét trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP cho phép “người mua nhà ở thương mại có mức giá dưới 1,8 (hoặc 2) tỷ đồng/căn được hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay tín dụng (hoặc với lãi suất hợp lý do Ngân hàng Nhà nước quy định) tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023”.
Linh Phong
Nhịp sống thị trường
21 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.