Trang chủ
Video
Chế ảnh

Hân Gia

Tài khoản này đã được xác thực qua Entrade X. Tìm hiểu thêm.
ic_purple_tick

4 tháng trước

'Doanh nghiệp không thể trả nợ trái phiếu, quá tệ thì nên cho phá sản'

'Doanh nghiệp không thể trả nợ trái phiếu, quá tệ thì nên cho phá sản'
Chế ảnh này
Xử lý các vụ việc không trả nợ gốc, lãi trái phiếu đúng hạn làm mất niềm tin của nhà đầu tư, theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, 'doanh nghiệp nào không thể trả được nợ, tình trạng quá tệ nên cho phá sản'. 27% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả nợ đúng hạn Phát biểu tại hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 16.8 tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều rủi ro, thách thức. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phát biểu tại hội thảo: Rủi ro TPDN đáo hạn và quá hạn thanh toán còn cao. Theo VIS Ratings ước tính, khoảng 27% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả nợ đúng hạn trong 12 tháng tới (trong đó bao gồm 65% trái phiếu đã chậm trả trước đó). Ông Tô Trần Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính), phân tích từ cuối năm 2022, thị trường TPDN có nhiều biến động. Các vụ việc doanh nghiệp vỡ nợ hoặc chậm trả lãi đã làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường. "Cơ quan chức năng đã tăng cường công tác quản lý, giám sát trên thị trường, xử lý nghiêm những sai phạm như vụ việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa thật sự hồi phục, thanh khoản chưa cải thiện nhiều, niềm tin nhà đầu tư vẫn còn suy giảm", ông Hòa nhấn mạnh. TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh doanh, bày tỏ quan điểm: "Đối với vấn đề xử lý các vụ việc không trả nợ gốc, lãi trái phiếu đúng hạn làm mất niềm tin nhà đầu tư, giải pháp khắc phục cơ bản nhất là phá sản. Doanh nghiệp nào không thể trả được nợ, tình trạng quá tệ nên cho phá sản và nhà đầu tư cần học cách chấp nhận rủi ro, thiệt hại". "Gia hạn với doanh nghiệp không thể phục hồi, tình hình có thể tệ hơn" Nhấn mạnh việc hoàn thiện và nâng cao hiệu lực luật Phá sản rất quan trọng, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phân tích: "Với các doanh nghiệp, chúng ta đồng ý cho phép gia hạn nợ nhưng cơ chế, cách thức đàm phán thì phải có thực chất, có đào thải. Ở các nước trên thế giới, khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì phải công khai, có hội đồng chủ nợ họp lại, hoặc họ thuê tổ chức độc lập đánh giá về khó khăn của doanh nghiệp để đánh giá nên bảo hộ phá sản hay cho phá sản". Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, với xử lý các vụ việc không trả nợ gốc, lãi trái phiếu đúng hạn làm mất niềm tin nhà đầu tư, giải pháp khắc phục cơ bản nhất là phá sản Theo ông Quỳnh, việc gia hạn cho cơ chế đàm phán nhưng các nhà đầu tư cá nhân không có năng lực đánh giá về trái phiếu phát hành nên khi doanh nghiệp đặt ra yêu cầu gia hạn, nhà đầu tư cá nhân rơi vào tình trạng "hoảng". Nhiều nhà đầu tư cá nhân buộc phải chấp nhận đàm phán gia hạn. Mặt khác, hiện chưa có câu trả lời cho câu hỏi "nếu không chấp nhận thì phải kiện doanh nghiệp kiểu gì?". Cần nhìn nhận, nếu cứ gia hạn với những doanh nghiệp không thể phục hồi thì tình hình có thể còn tệ hơn nữa. Chuyên gia Cấn Văn Lực lại đặt vấn đề: "Ở Việt Nam, doanh nghiệp bình thường phá sản đã khó, doanh nghiệp có nợ trái phiếu phá sản càng khó vì đống nợ trái phiếu còn đó, câu chuyện giải quyết ra sao?". Ông Quỳnh cho rằng, mấu chốt nhất để phát triển thị trường trái phiếu phải là sự minh bạch. Có nhiều biện pháp, công cụ để duy trì tính minh bạch, đó là từ nội tại của doanh nghiệp, là kiểm toán, thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý, hay chế độ báo cáo thông tin bắt buộc. "Xếp hạng tín nhiệm cũng góp phần giúp tính minh bạch trở nên cao hơn, thị trường phát triển lành mạnh, thực chất hơn", ông Quỳnh nói. Với các giải pháp phát triển bền vững thị trường TPDN ở Việt Nam thời gian tới, theo ông Hòa, cần tập trung thúc đẩy việc chào bán TPDN ra công chúng gắn với niêm yết; khuyến khích các doanh nghiệp phát hành đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn. Cạnh đó, phát triển các sản phẩm TPDN cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) nhằm thúc đẩy huy động vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng; vận hành thị trường thứ cấp TPDN riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, tính minh bạch của thị trường... Ngày 19.7.2023, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ đã chính thức đi vào hoạt động. Sau 1 năm đi vào vận hành, tính đến thời điểm cuối tháng 7.2024, về quy mô thị trường, giá trị TPDN niêm yết đạt khoảng 773.000 tỉ đồng, với 1.043 mã trái phiếu của 264 tổ chức phát hành được ghi nhận trên hệ thống giao dịch TPDN của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. TPDN phát hành từ đầu năm 2024 đến nay có kỳ hạn phát hành bình quân 4,2 năm và lãi suất phát hành bình quân 6,63%/năm. Trên thị trường sơ cấp, giá trị phát hành thành công trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 174.000 tỉ đồng, tăng hơn 2,78 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị phát hành riêng lẻ chiếm 87% và giá trị phát hành ra công chúng chiếm 13%.
reaction

247 lượt thích

0 bình luận

© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.