Đổi nợ thành cổ phần: Còn cách nào khác cho doanh nghiệp địa ốc?
Doanh nghiệp có thể giải quyết các khoản nợ đến hạn bằng cách đàm phán gia hạn hoặc phát hành nợ mới để trả nợ cũ. Song chỉ một số ít doanh nghiệp địa ốc đã làm được hoặc tỷ trọng nợ được giải quyết bằng phương án này là thấp ở vài doanh nghiệp khác.
Nguyên nhân gốc vẫn là sự ảm đạm của thị trường bất động sản dẫn đến tình hình và triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp không mấy sáng sủa và đến lượt điều này ảnh hưởng đến tín nhiệm của doanh nghiệp.
Theo báo cáo thị trường trái phiếu mới nhất từ hãng xếp hạng VIS Rating, bất động sản vẫn là một trong hai nhóm có tỷ lệ chậm trả gốc, lãi trái phiếu cao nhất tính đến cuối tháng 10/2024.
Trong tháng 10, ước tính có 11% số tổ chức phát hành có hồ sơ tín nhiệm ở mức “dưới trung bình” hoặc yếu hơn, cải thiện hơn so với mức 24% của tháng trước. Phần lớn tổ chức phát hành có hồ sơ tín nhiệm yếu thuộc nhóm bất động sản nhà ở và xây dựng.
Sang tháng 11, sẽ có 14 trong tổng số 42 trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn, tương đương với tỷ lệ 33%, cao hơn so với tỷ lệ 10,5% trái phiếu chậm trả nợ gốc trong 10 tháng đầu năm nay.
Các tổ chức này có hệ số đòn bẩy và khả năng trả nợ ở mức "cực kỳ yếu", phản ánh hoạt động kinh doanh của các đơn vị này không tạo ra đủ thu nhập và dòng tiền để trả nợ gốc và lãi vay.
Trong vòng 12 tháng tới, VIS Rating ước tính có khoảng 109.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm ngành bất động sản nhà ở, chiếm gần một nửa tổng giá trị trái phiếu đáo hạn. Trong số này, ước tính có khoảng 30.000 tỷ đồng trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc.
Về tình hình xử lý trái phiếu doanh nghiệp chậm trả, trong tháng 10, đã có 13 tổ chức phát hành chậm trả thuộc các lĩnh vực bất động sản nhà ở, năng lượng và du lịch, nghỉ dưỡng đã hoàn trả tổng cộng 269 tỷ đồng tiền gốc cho các trái chủ.