Trang chủ
Video
Chế ảnh

Tài chính

Chiên Da Hóng Hớt

2 năm trước

Gần 200 doanh nghiệp đã báo lỗ quý III, riêng top 10 mất hơn 8.800 tỷ đồng

Trong số 867 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý III, 193 doanh nghiệp ghi nhận thua lỗ. Hai công ty niêm yết lỗ trên nghìn tỷ là Vietnam Airlines và Tập đoàn Hòa Phát.

Gần 200 doanh nghiệp đã báo lỗ quý III, riêng top 10 mất hơn 8.800 tỷ đồng
Chế ảnh này

Theo thống kê của Chứng khoán SSI tính đến hết ngày 3/11, tổng cộng 867 doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam đã công bố báo cáo tài chính quý III với 610 doanh nghiệp thông báo lãi tăng so với cùng kỳ, 257 có lãi giảm và 193 thua lỗ.


Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đứng đầu về số doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận, trong khi thị trường UPCoM dẫn đầu về số doanh nghiệp báo lỗ, như thể hiện trong biểu đồ thống kê dưới đây.



Đa số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận đi lên trong quý III.


Tổng lợi nhuận sau thuế quý III của các doanh nghiệp tại HOSE đã công bố báo cáo tài chính là 91.022 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận của các doanh nghiệp ở UPCoM tăng trưởng tới 60% so với quý III năm ngoái. Ngược lại, lợi nhuận của các công ty niêm yết tại HNX sa sút 21,6%.


Tính chung toàn thị trường, lãi sau thuế đạt 110.720 tỷ đồng, tăng 16,7%.


Nếu không kể nhóm ngân hàng, lợi nhuận toàn thị trường chỉ là 62.361 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận phi ngân hàng tại HOSE là 43.925 tỷ, giảm 12,2%.



Lợi nhuận của doanh nghiệp ở HOSE và HNX tăng so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ở HNX đi xuống.


Top 10 thua lỗ có nhiều đại diện ngành thép

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) dẫn đầu danh sách thua lỗ quý III khi ghi nhận khoản lỗ sau thuế hợp nhất gần 2.547 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 11 liên tiếp kể từ đầu đại dịch đến nay.


Xét theo chiều hướng khác, tín hiệu đáng mừng cho Vietnam Airlines là khoản lỗ quý III thấp hơn xấp xỉ 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, tổng công ty đã có lãi gộp quý đầu tiên kể từ đầu 2020, doanh thu thuần cũng tăng trưởng mạnh.



Vietnam Airlines và Hòa Phát lỗ trên nghìn tỷ trong một quý.


Do doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, cổ phiếu HVN đã bị đưa vào diện kiểm soát. Báo cáo giải trình ngày 3/11 của Vietnam Airlines cho biết tổng công ty đã hoàn thành đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 – 2025, đã báo cáo cổ đông và trình cấp có thẩm quyền xin phê duyệt.


Theo đề án, trong năm 2022 Vietnam Airlines sẽ thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như cơ cấu lại tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập và dòng tiền; cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu, …


Lãnh đạo Vietnam Airlines kỳ vọng kết quả kinh doanh trong quý cuối năm 2022 và cả năm 2023 sẽ cải thiện khi thị trường quốc tế từng bước được phục hồi. Trong báo cáo phân tích công bố hồi cuối tháng 10, Chứng khoán VNDirect dự báo thị trường hàng không quốc tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023.


Hiện nay, hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế cho du khách, từ đó thúc đẩy nhu cầu du lịch quốc tế. Theo thống kê của WiChart, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không trong quý III năm nay là hơn 1,27 triệu người, cao gấp 48 lần cùng kỳ 2021 khi cả nước đang phong tỏa.


Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đứng ngay sau Vietnam Airlines với khoản lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ đầu tiên của Hòa Phát kể từ năm 2008 và cũng là quý lỗ nặng nhất từ trước đến nay.


Đại gia đầu ngành thép này cho biết nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh “thê thảm” này bao gồm giá thép thành phẩm xuống thấp, chi phí các loại đầu vào – nhất là than – tăng cao, lãi suất và tỷ giá cùng đi lên theo xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu.


Doanh thu thuần của đại gia đầu ngành thép này cũng giảm 12% so với quý III/2021, xuống còn 34.103 tỷ đồng. Hòa Phát xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng doanh thu thuần của các công ty cổ phần, chỉ sau hai doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX) và Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR).



Doanh thu thuần quý III của Hòa Phát giảm 12% so với cùng kỳ 2021, xuống còn 34.103 tỷ đồng.


Trong báo cáo phân tích ngày 1/11, Chứng khoán SSI dự báo Hòa Phát sẽ ghi nhận doanh thu thuần 143.110 tỷ đồng và lãi sau thuế 12.182 tỷ đồng trong cả năm 2022, giảm lần lượt 4,4% và 64,7% so với thực hiện trong năm ngoái.


Hòa Phát có lãi sau thuế 9 tháng đầu năm đạt 10.443 tỷ đồng, tức là lợi nhuận quý IV theo dự báo của SSI là khoảng 1.739 tỷ đồng, giảm 76,6% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng khả quan hơn kết quả thua lỗ của quý III.


Ngoài Hòa Phát, nhiều doanh nghiệp thép khác cũng báo lỗ kỷ lục và lọt vào top 10 thua lỗ quý III gồm Hoa Sen (Mã: HSG), Pomina (Mã: POM), VNSteel (Mã: TVN) và Nam Kim (Mã: NKG).


Đại diện Hoa Sen cho biết các nhân tố bất lợi ảnh hưởng tới lợi nhuận quý vừa qua là tình trạng lạm phát toàn cầu, chính sách Zero COVID ở Trung Quốc, USD tăng giá, lãi suất đi lên, xung đột Nga – Ukraine làm tăng chi phí nhiên liệu và vận chuyển, … Pomina cũng đưa ra giải trình với nội dung tương tự.


Theo Song Ngọc, Đức Quyền - Vietnambiz

HPGHVN
reaction

46 lượt thích

0 bình luận

© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.