Chứng khoán
Bò và Gấu
2 năm trước
10 doanh nghiệp thép lớn nhất trên sàn đã mất 98.000 tỷ đồng vốn hóa từ đầu năm trong đó riêng “anh cả” Hòa Phát (mã HPG) đã đánh rơi hơn 72.600 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động không thật sự thuận lợi từ đầu năm, nhóm thép là một trong những tâm điểm chịu áp lực bán mạnh. Hầu hết các cổ phiếu thép đều đã giảm hàng chục %, thậm chí hơn một nửa thị giá sau hơn 6 tháng. Vốn hóa của toàn ngành thép cũng theo đó bị thổi bay hơn 100.000 tỷ đồng (~ 4,26 tỷ USD) từ đầu năm 2022.
Tính riêng 10 doanh nghiệp thép lớn nhất trên sàn, con số này đã lên đến 98.000 tỷ đồng (~ 4,2 tỷ USD) trong đó vốn hóa của "anh cả" Hòa Phát (mã HPG) đã mất hơn 72.600 tỷ đồng. Theo sau lần lượt là Hoa Sen Group (mã HSG), Thép Việt Nam (mã TVN), Thép Nam Kim (mã NKG), Thép Pomina (mã POM),... cũng đều bị "bốc hơi" hàng nghìn tỷ vốn hóa.
Vốn hóa ngành thép giảm mạnh trong bối cảnh các yếu tố thuận lợi từ bên ngoài đã đảo chiều và ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của các doanh nghiệp. Sau khi tăng mạnh vào lúc xảy ra xung đột Nga-Ukraine, hiện giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại EU đã giảm khoảng 35%. Giá HRC tại Trung Quốc và Mỹ cũng sụt 15-20% trong hơn 3 tháng qua do ít hoạt động xây dựng và sản xuất hơn.
Giá thép nội địa cũng không nằm ngoài xu hướng trên khi giá thép xây dựng tại Việt Nam đã giảm 9 lần liên tiếp trong hơn 2 tháng qua với tổng mức giảm đến hơn 3,3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép. Nguyên nhân dẫn đến đà giảm kéo dài của giá thép đến từ nhu cầu tiêu thụ suy yếu và chi phí nguyên liệu đầu vào hạ thấp.
Theo Hà Linh - CafeF
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.