Chứng khoán
VnDirect kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ tăng 20-25% so với giải ngân thực tế năm 2022.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng đầu tư công vừa công bố, Chứng khoán VnDirect kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 sẽ là điểm sáng trong năm 2023.
Nhằm bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác, Chính phủ đã công bố dự toán ngân sách năm 2023, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (hay còn gọi là đầu tư công) ước đạt 698.867 tỷ đồng, tăng 28,9% so với kế hoạch năm trước. Con số này bao gồm vốn phân bổ cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ tăng 20-25% so với giải ngân thực tế năm 2022 nhờ (1) nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới; và (2) giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, 3/4 dự án thành phần của Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (bao gồm Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây) đã không thể hoàn thành trong năm 2022 như kế hoạch ban đầu và được lùi tiến độ tới 30/04/2023. Do đó, ước tính sẽ có lần lượt 355km/177km đường cao tốc tại cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 sẽ được hoàn thành trong năm 2023-24.
Bên cạnh đó, 729km đường cao tốc tại dự án Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 cũng sẽ đi vào vận hành lần lượt trong giai đoạn 2023-25. Trong khi việc rải nhựa đường thường diễn ra trong giai đoạn sau của các dự án đường giao thông, do đó kỳ vọng các công ty nhựa đường sẽ được hưởng lợi nhiều hơn ngay từ Q1/23.
Do chưa có số liệu thống kê về ngành nhựa đường Việt Nam, VnDirect so sánh mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của ngành dựa trên Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex – CTCP (PLC, HNX), công ty đã duy trì khoảng 30% thị phần nhựa đường trong nước trong giai đoạn 2015-20, theo PLC.
Doanh thu nhựa đường của PLC đã tăng vọt trong giai đoạn 2014-15, khi giải ngân vốn đầu tư công vào hạ tầng giao thông tăng mạnh. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng thấp trong năm 2016-19 được cho là do ngân sách chính phủ hạn chế và đầu tư tư nhân giảm nhiệt vào các dự án BOT, dẫn đến doanh thu nhựa đường của PLC giảm ~ 50% so với năm 2014-15.
Đối với nhóm đá xây dựng, do đặc thù của ngành đá xây dựng, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ.
Dự án sân bay Long Thành vừa được khởi công xây dựng san nền và làm móng, đây sẽ là động lực tăng trưởng chính đối với nhu cầu đá xây dựng tại khu vực Đông Nam Bộ thời gian tới. VnDirect tin rằng những doanh nghiệp niêm yết sở hữu những mỏ đá nằm gần sân bay Long Thành sẽ được ưu tiên huy động nhờ sở hữu lợi thế và chất lượng sản phẩm.
Mặt khác, việc cấp phép khai thác cho các mỏ đá xây dựng đang gặp khó khăn ở cả việc gia hạn thời gian, tăng công suất khai thác và đặc biệt là cấp phép khai thác mỏ đá mới do (1) sự phản đối của người dân địa phương khi việc khai thác đá đang để lại nhiều hệ lụy xấu đến môi trường và (2) hầu hết các mỏ đá cũ (đã hết thời hạn khai thác) đều chưa thực hiện các thủ tục đóng mỏ theo như cam kết ban đầu.
Do đó, các doanh nghiệp đá xây dựng niêm yết đang sở hữu các mỏ đá có thời gian khai thác dài, công suất khai thác lớn sẽ có nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh và được hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông rất lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2022-2030.
Các công ty niêm yết đang sở hữu những mỏ đá chất lượng cao với vị trí thuận lợi sẽ là nguồn cung chính cho sân bay Long Thành, đặc biệt là cụm mỏ Tân Cang và Thiện Tân (do KSB, DHA, VLB và DND sở hữu). Dự án trọng điểm này sẽ là động lực lớn thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp đá xây dựng trong năm 2023-24.
Đối với nhóm thép, giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ sẽ bù đắp phần nào cho sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản nhà ở đối với nhu cầu thép. Thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam đã hạ nhiệt kể từ Q2/22 do sự kiện bắt giữ một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản lớn (vi phạm quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp), lãi suất mua nhà tăng và room tín dụng hạn chế.
Ngành thép trong nước cũng đang chịu tác động từ những khó khăn như: (1) giá nguyên liệu đầu vào cao (bao gồm than cốc và thép phế) và (2) nhu cầu thép toàn cầu sụt giảm, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt Nam.
Mặc dù vậy, nhờ kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ tăng tốc trong những quý tới, dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ chỉ tăng trưởng âm ở một chữ số vào năm 2023. Cụ thể, VnDirect kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và tôn mạ sẽ cùng giảm 3% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Nhờ vị thế hàng đầu và năng lực tài chính tốt, theo VnDirect, C4G và PLC sẽ có cơ hội bứt phá kết quả kinh doanh trong năm 2023 khi giải ngân vốn đầu tư công tăng tốc. Trong khi đó, VCG và HHV cũng sẽ được hưởng lợi trong chủ đề này nhờ sở hữu giá trị backlog lớn tại các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Rủi ro giảm giá bao gồm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, lãi suất cao hơn kỳ vọng và xu hướng tăng của giá hàng hóa được duy trì.
6 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.