Tài chính
Chứng chơi tôi
1 năm trước
Vụ án "Chuyến bay giải cứu": Phơi bày sự trắng trợn, biến chất
TỔNG QUAN
Ngày 17-7, tại phiên tòa xét xử vụ án "Chuyến bay giải cứu", Viện Kiểm Sát Nhân Dân TP Hà Nội đã công bố bản luận tội, đồng thời đề nghị mức án đối với cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng 53 bị cáo.
Bản luận tội nêu rõ khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, thực hiện chính sách, chủ trương nhân đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan nhà nước đã tổ chức trên 1.000 chuyến bay đưa hơn 200.000 công dân từ 62 vùng lãnh thổ về nước. Tuy nhiên, chủ trương tốt đẹp đã bị một số cán bộ biến chất gây hoen ố, làm mất uy tín với nhân dân và bạn bè quốc tế.
Hành vi phạm tội của 54 bị cáo trong vụ án là đặc biệt nguy hiểm. Các bị cáo phạm tội với số tiền đặc biệt lớn, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, bị dư luận xã hội lên án gay gắt nên việc đưa vụ án ra xét xử thể hiện tính nghiêm minh.
Trước đó, trong 4 ngày diễn ra phiên xét xử, nhiều bị cáo là cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, lãnh đạo doanh nghiệp… đều thừa nhận việc đưa, nhận hối lộ nhiều tỉ đồng trong những chuyến bay giải cứu thời điểm dịch COVID-19.
"Trong phần thẩm vấn, có một số bị cáo lập lờ đánh lận cho rằng hành vi nhận tiền là do doanh nghiệp cảm ơn. Đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra tiền lệ xấu cho xã hội. Các bị cáo đang làm những công việc thuộc nhiệm vụ, chức trách của mình nên không thể coi là cảm ơn khi số tiền bằng cả gia tài mà nhiều người mơ ước" - đại diện VKSND nêu.
THỦ ĐOẠN
Đại diện VKSND cho rằng lời khai của bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phù hợp với lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa và tài liệu liên quan. Có căn cứ xác định quá trình cấp phép các chuyến bay combo, Tô Anh Dũng đã nhận 21,5 tỉ đồng từ đại diện 13 doanh nghiệp.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, đã nhận hối lộ hơn 25 tỉ đồng từ doanh nghiệp để cấp phép các chuyến bay giải cứu.
Đối với hành vi nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng của Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đại diện VKSND nêu quan điểm cần xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Thời điểm dịch COVID-19, các doanh nghiệp muốn xin cấp phép để tổ chức chuyến bay giải cứu phải chi tiền theo mức mà Phạm Trung Kiên yêu cầu.
Trong vụ án này, Kiên nhận hối lộ nhiều lần nhất, tổng số tiền nhiều nhất với "thủ đoạn trắng trợn nhất". Khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội của mình, Kiên đã chuyển khoản trả cho các doanh nghiệp 12 tỉ đồng và nhờ các doanh nghiệp khai đây là tiền "trả nợ".
Theo: Báo Lao Động
519 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.
Đỗ Hoàn Công
1 năm trước