Gửi tiết kiệm “mất giá”, tiền sẽ đổ dồn sang chứng khoán ✅
Lãi suất tiết kiệm liên tục giảm mạnh thấp kỷ lục, kênh tiết kiệm không còn hấp dẫn khiến nhiều người chuyển dòng tiền sang vàng, chứng khoán khi thị trường bắt đầu khởi sắc.
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang chứng kiến làn sóng giảm mạnh và toàn diện nhất trong 10 năm gần đây. Thống kê cho thấy, sau khi giảm 20 - 50 điểm trong tháng 12/2023, lãi suất huy động tại các ngân hàng tiếp tục mất thêm 5 - 20 điểm trong tháng 1/2024. Mặt bằng thấp này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong hầu hết cả năm 2024.
Mức cao nhất cho kỳ hạn 1 tháng tại thời điểm tháng 2/2024 là 4,65%/năm, trong khi đa số các ngân hàng chỉ áp dụng từ 2,5% tới 3,2%/năm, thậm chí tại Agribank và Vietcombank chỉ còn 1,7%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng, hơn 30 ngân hàng áp dụng lãi suất dưới 5%, tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ lạm phát dự kiến khoảng 4 - 4,5% trong năm 2024.
Mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024.
Trong bối cảnh nhiều người không còn mặn mà với kênh tiết kiệm khi đáo hạn những khoản cũ, các lựa chọn đầu tư khác đang dần được tính đến. Kênh đầu tư vàng, tuy thời gian vừa qua tăng mạnh so với thời điểm đầu năm 2023, nhưng hiện tại giá lại đang ở mức quá cao và được dự đoán sẽ giảm hoặc đi ngang khi kinh tế hồi phục. Vì thế, vàng, chứng khoán hoặc bất động sản trở thành kênh đầu tư an toàn và được ưa chuộng nhất hiện nay. Đối với nhóm chứng khoán sẽ được nhắm tới khi tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ hướng tới các doanh nghiệp sản xuất như miễn giảm tiền thuê đất, thuế phí, đồng thời ngân hàng có các gói lãi suất ưu đãi để hỗ trợ nhóm công ty sản xuất.
Lãi suất hạ nhiệt và dư địa tín dụng lớn mà các ngân hàng thương mại nhận được ngay từ đầu năm cũng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân vay vốn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tăng hiệu quả hoạt động nhờ đó cổ phiếu trở nên hấp dẫn, nhu cầu và thanh khoản gia tăng.