Chứng khoán
Trong quá khứ, tôi đã có nhiều bài viết nhận định tổng thể khối ngoại sẽ mua ròng từ quý 4/2022 cho đến cả năm 2023. Thực tế, khối này đã mua ròng 29.160 tỷ đồng trong quý 4/2022 và 4.200 tỷ đồng trong tháng 1/2023.
Trong quá khứ, tôi đã có nhiều bài viết nhận định tổng thể khối ngoại sẽ mua ròng từ quý 4/2022 cho đến cả năm 2023. Thực tế, khối này đã mua ròng 29.160 tỷ đồng trong quý 4/2022 và 4.200 tỷ đồng trong tháng 1/2023. Bước sang tháng 2, đà mua ròng bắt đầu chững lại và teo tóp dần. Cụ thể trong 5 phiên gần nhất đến ngày 15/2/2023, khối ngoại đã bán ròng 2 phiên tổng giá trị 400 tỷ trong khi chỉ mua ròng nhỏ giọt 3 phiên tổng giá trị chỉ 100 tỷ. Đó là dấu hiệu đáng lưu tâm trong ngắn hạn cho thấy đà mua ròng có thể chững lại trong nửa cuối tháng 2 và cả tháng 3, nhưng không làm thay đổi xu thế mua ròng tính theo bình diện cả năm 2023. Căn nguyên của hiện tượng bán ròng những ngày gần đây đến từ hai lý do chính sau:
(1) Chỉ số đô la Mỹ DXY sau 4 tháng giảm giá liên tiếp đang có sóng hồi ngắn hạn, tăng 4% tính từ đầu tháng 2/2023 và chưa có dấu hiệu chững lại. Quá trình tăng giá của DXY được củng cố nhờ kỳ vọng Fed chưa vội lỏng tay trong điều hành chính sách tiền tệ khi các số liệu việc làm và bán lẻ tại Mỹ vẫn tăng mạnh vượt xa mọi dự kiến trong khi lạm phát tháng 1 lại cao hơn một chút so với dự đoán trước đó. Một khi đồng đô la Mỹ còn hồi phục thì dòng tiền vào các thị trường mới nổi và cận biên, đặc biệt thông qua các quỹ ETF, sẽ có xu hướng bị đảo chiều sang rút ròng. Chỉ số MSCI EM (đại diện cho 25 thị trường chứng khoán mới nổi) cũng đang trong xu thế điều chỉnh khi giảm 5% trong tháng 2 sau một giai đoạn tăng nóng.
(2) Nhóm lợi ích quỹ đầu tư – công ty chứng khoán – cá mập – công ty niêm yết đã hình thành hàng chục năm nay và không còn lạ với những người tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam đủ lâu. Ranh giới giữa “tạo lập thị trường” và “thao túng chứng khoán” rất mong manh chiếu theo quy định của pháp luật hiện hành cả về đặc điểm, quy mô và cách thức giao dịch. Vụ việc nhóm FLC, Louis Holding - Trí Việt và mới nhất là EIB - DC - VCI - ACBS có thể chỉ là điểm khởi đầu cho những hoạt động soi chiếu vào nhóm lợi ích nội - nội, nội - ngoại của các cơ quan chức năng sau thời gian dài bỏ ngỏ. Hệ quả là có thể đánh động tới các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài có lịch sử hoạt động và tạo lập thị trường lâu đời tại Việt Nam. Dĩ nhiên đây chỉ là một kịch bản mang tính dự báo của tôi, thực tế đến đâu chúng ta cần phải “nghe ngóng” và “quan sát”.
Sau tất cả, chúng ta không được phép quên vị thế của khối ngoại trong quá khứ cũng như hiện tại đang hồi sinh khi dòng tiền trong nước suy giảm. Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đã tăng từ 10% năm 2020 – 2021 lên mức 20% - 30% từ giữa năm 2022 đến nay. Do vậy khối ngoại là một ẩn số không thể bỏ qua trong mọi suy xét về xu thế của thị trường trong năm 2023. Xin lỗi nếu tin nhắn muộn của tôi làm bạn tỉnh giấc!
11 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.