HOẠT ĐỘNG CHI TRẢ CỔ TỨC ||| CASE STUDY: NHTM TECHCOMBANK.
Các hoạt động đầu tư trên TTCK đều xuất phát từ động cơ duy nhất là để tìm kiếm lợi nhuận. Hình thức tìm kiếm lợi nhuận có thể ở dạng (1) mua đi bán lại (trading) để hưởng phần giá chênh lệch tăng lên hoặc (2) đầu tư, nắm giữ và nhận cổ tức qua từng năm. Phần đa nhà đầu tư trên thị trường rất thích hoạt động (1) vì tâm lý ưa thích sự giàu lên nhanh chóng mà quên đi một cách khác - mang tính dài hơi hơn và đem lại nguồn lợi to lớn hơn.
CÁC HÌNH THỨC CHI TRẢ CỔ TỨC.
Cổ tức - dividend thường được đề cập như là một hoạt động phân phối lợi ích từ các nguồn thu nhập giữ lại tích lũy từ việc làm ăn có lãi cho các cổ đông hiện hữu. Cơ chế của việc trả cổ tức là doanh nghiệp làm ăn phải có lãi. Sau khi chi trả các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, phần còn lại là LNST sẽ được trình phương án lên hội đồng cổ đông hoặc là phân phối cổ tức hoặc là tiếp tục giữ lại phục vụ cho các mục đích kinh doanh khác.
Hình thức chi trả cổ tức phổ biến trên thị trường hiện nay là chi trả bằng tiền mặt. Mỗi lần chi trả sẽ được biểu thị dưới dạng % trên một đơn vị cổ phiếu. Ví dụ TCB 15%/1cp ~1.500 vnd/cp. Hình thức thứ 2 có mặt trên thị trường là hình thức chi trả bằng cổ phần (stock dividend). Đây có thể không phải là dạng cổ tức đúng nghĩa vì không phát sinh bất cứ dòng tiền nào đi ra khỏi doanh nghiệp. Thay vào đó là số lượng cổ phiếu đang lưu hành sẽ tăng lên, và đồng thời làm giảm giá mỗi cổ phần. Dạng cổ tức này thường được thể hiện bằng tỷ số, ví dụ 100% - sở hữu 1 cp được trả 1 cp.
Một loại cổ tức tiền mặt khác là mua lại cổ phiếu (Stock repurchase). Dạng này doanh nghiệp sẽ dùng tiền để mua lại cổ phần của chính mình từ các cổ đông. Các cổ phiếu được mua lại dưới dạng này sẽ được ghi bút toán là cổ phiếu quỹ và được công ty nắm giữ.
QUY TRÌNH CHUẨN CỦA CHI TRẢ CỔ TỨC.
Quyết định trả cổ tức nằm dưới quyền của hội đồng quản trị. Cụ thể sẽ có các mốc thời gian để tiến hành việc chi trả.
=> Ngày thông báo: thông báo quyết định hình thức trả cổ tức.
=> Ngày không cổ tức: ngày mà các giao dịch mua sẽ không được quyền nhận cổ tức.
=> Ngày chốt sổ: ngày mà danh sách cổ đông được chốt.
=> Và cuối cùng là Ngày thanh toán: lượng cổ tức được chuyển vào tài khoản của cổ đông.
TẠI SAO GIÁ CÓ XU HƯỚNG GIẢM KHI ĐÃ CHIA CỔ TỨC.
Rõ ràng, việc giá giảm sau khi chia cổ tức cho thấy một sự hiệu quả của hoạt động thị trường. Giả sử, nhà đầu tư mua được cp vào ngày trả cổ tức. Họ lập tức có được phần lợi nhuận từ việc trả cổ tức. Còn những nhà đầu tư mua trong giai đoạn không trả cổ tức hoặc sau đó sẽ có xu hướng kỳ vọng giá giảm xuống để bù lại phần lợi tức bị mất đi do không được nhận cổ tức. Thông thường giá cổ phiếu sẽ được kỳ vọng giảm đúng bằng lượng cổ tức chi trả - một cơ chế công bằng cho mọi người.
CASE STUDY: TCB CHI TRẢ CỔ TỨC TIỀN MẶT SAU HƠN 1 THẬP KỶ.
TẠI SAO TCB KHÔNG THEO ĐUỔI CHIẾN LƯỢC CHI TRẢ CỔ TỨC THƯỜNG XUYÊN?
Việc không theo đuổi chi trả cổ tức là một quyết sách của ban lãnh đạo TCB. Toàn bộ phần LNST được giữ lại để phục vụ cho nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh. Dựa vào cơ chế trả cổ tức, TCB phải trích phần lãi sau thuế để trả. Nếu làm như vậy, một khoản tiền mặt sẽ được chia đều cho cổ đông. Và lượng lợi nhuận sẽ bị giảm xuống, các kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư của TCB có thể sẽ không được đáp ứng với nguồn tiền nhỏ còn lại. Từ đó, chiến lược phát triển bền vững, tận dụng nguồn lợi nhuận để tạo ra lợi nhuận lớn hơn sẽ bị vi phạm.
Nếu chi trả cổ tức bằng tiền thì sẽ ảnh hưởng đến giá trị vốn hóa của TCB trên sàn. Một công thức đơn giản - Vốn hóa thị trường = Giá hiện hành x SLCPLH. Điều này khiến cho vốn hóa của TCB giảm đi một lượng đáng kể trong ngắn hạn khi số lượng cp không tăng, mà thị giá cổ phiếu giảm do tác động của việc chia cổ tức bằng tiền. Trong dài hạn, thị giá sẽ lên xuống và quay về lại quanh mức giá trước khi trả cổ tức.
Một hình thức khác của cổ tức - stock dividend. Nếu lo ngại về vấn đề vốn hóa bị giảm thì phương án trả cổ tức bằng cổ phần sẽ không làm ảnh hưởng đến vốn hóa của TCB. Khi đó, cả hai biến số thị giá và SLCPLH tăng/giảm một lượng bù trừ tương đương. Tuy nhiên, hệ quả là số lượng cp của TCB sẽ tăng mạnh, khiến cho quá trình gom hàng đẩy giá diễn ra lâu hơn và tốn kém nhiều tiền của hơn.
Một lý do khác là củng cố vốn cho hệ số CAR. Hệ số CAR đánh giá mức độ an toàn vốn của TCB với tài sản có trọng số rủi ro. Từ khi theo tiêu chuẩn Basel II, TCB luôn giữ cho mình một thành tích đầu bảng về CAR. Duy trì mức này cao nhất hệ thống bank qua từng năm (loanh quanh 15%). Chỉ cần nhìn vào công thức CAR sẽ thấy rõ Vốn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định CAR. Vì phần lợi nhuận chưa phân phối sẽ được bút toán ghi sổ vào phần vốn qua các năm. Chính vì vậy, TCB chủ trương không chia cổ tức và giữ toàn bộ phần LNST lại để góp phần tăng cường lượng vốn này. Từ đó, vừa có nguồn tiền để hoạt động, vừa có nguồn vốn đủ để duy trì tỷ lệ CAR.