Trang chủ
Video
Chế ảnh

Chứng khoán

Huỳnh Diệp Bích

1 năm trước

Loạt doanh nghiệp báo lợi nhuận quý 2/2023 cao kỷ lục

Bức tranh kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết dần hé lộ, trong đó điểm sáng là một số công ty ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục.

Loạt doanh nghiệp báo lợi nhuận quý 2/2023 cao kỷ lục
Chế ảnh này

CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP) mang về doanh thu thuần 1.336 tỷ đồng trong quý 2/2023, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lợi nhuận ròng lại cao gấp đôi cùng kỳ, đạt 295 tỷ đồng. Đây là mức kỷ lục mới về lợi nhuận quý của BMP, sau khi thành công ty con của The Nawaplastic Industries, thành viên Tập đoàn SCG (Thái Lan),vào đầu năm 2018.

Phía sau sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận ròng của Nhựa Bình Minh chính là biên lợi nhuận gộp, được cải thiện từ mức 25% trong quý 2/2022 lên 43%. Tức là nếu cùng kỳ, 100 đồng doanh thu mang về 25 đồng lãi gộp cho công ty thì quý 2/2023, con số này lên tới 43 đồng.

Biên lợi nhuận của BMP cải thiện là do giá PVC - nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhựa đã tiếp tục điều chỉnh về mức thấp nhất nhiều năm, trong khi giá bán thường được quyết định bởi các doanh nghiệp lớn trong nước.

Ngoài ra, mức tăng mạnh của doanh thu tài chính cũng góp phần vào kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp khi ghi nhận 34 tỷ đồng, tăng 183%. Chi phí bán hàng tăng nhưng chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp đều giảm.

Lũy kế 6 tháng, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu 2.797 tỷ đồng, giảm 4% so với nửa đầu năm ngoái. Cũng nhờ giá vốn giảm, doanh nghiệp đầu ngành nhựa báo lãi ròng 575 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện 88% kế hoạch lãi sau thuế sau 6 tháng.


CTCP Mía đường Sơn La (mã SLS) công bố báo cáo tài chính quý 4 niên độ 2022-2023 (từ 1/4/2023 đến 30/06/2023) với doanh thu đạt xấp xỉ 550 tỷ đồng, tăng 152% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng chậm hơn mức tăng doanh thu (111%) khiến biên lãi gộp được cải thiện mạnh từ 31% lên gần 42%. Lợi nhuận gộp tương ứng tăng mạnh 243%, giá trị ghi nhận khoảng 231 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh nhưng Mía đường Sơn La vẫn báo lãi ròng gần 225 tỷ đồng, gấp 3,6 lần thực hiện cùng kỳ năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) trong quý 4 đạt 22.941 đồng. Đây tiếp tục là kỷ lục mới về lợi nhuận mà SLS ghi nhận kể từ khi hoạt động. Số lợi nhuận quý vừa công bố của SLS thậm chí còn lớn hơn lợi nhuận cả năm trước đó (188 tỷ đồng).

Tính chung cả niên độ 2022-2023, doanh thu thuần của Mía đường Sơn La ghi nhận trên 1.676 tỷ đồng và lãi ròng đạt hơn 523 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 93% và 179% so với năm trước. EPS cả năm đạt 53.423 đồng. Mức doanh thu và lợi nhuận đạt được trong niên độ tài chính này đồng thời là kết quả cao nhất mà Mía đường Sơn La đạt được.


CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) cũng ghi nhận mức lợi nhuận quý kỷ lục trong quý 2/2023 với gần 80 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng lợi nhuận dựa trên nền doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cao, đạt gần 440 tỷ đồng, tăng 24% so với quý 2/2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Imexpharm đạt 919 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 158 tỷ đồng, tăng lần lượt 37% và 60% so với cùng kỳ.

Sau hơn một năm thuộc về cổ đông Hàn Quốc (SK Group), Imexpharm đã có sự tăng trưởng đáng kể về lợi nhuận trong những quý gần đây và dần tạo được mặt bằng lợi nhuận mới hàng quý.

SK Group bắt đầu kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp dược của Việt Nam kể từ cuối tháng 5/2020 khi nhận chuyển nhượng 12,3 triệu cổ phiếu IMP, tương đương 24,9% vốn điều lệ, từ các quỹ lớn trên thị trường như Dragon Capital (với khoảng 11,3 triệu cổ phiếu), CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset…

Tháng 10/2022 vừa qua, SK Group đã hoàn tất thâu tóm Imexpharm sau khi mua Red Capital (công ty mẹ của KBA nắm giữ 7,37% cổ phần IMP). Sau thương vụ trên, SK đã nắm giữ 55,04% vốn điều lệ của Imexpharm.


Tập đoàn FPT (mã FPT) tiếp tục khẳng định "phong độ" đi lên với doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24.166 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.339 tỷ đồng, tăng lần lượt 22%, 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt 3.003 tỷ đồng, tăng 21%.

Riêng trong quý 2, FPT ghi nhận 12.485 tỷ đồng doanh thu, 1.509 tỷ đồng lãi ròng; tăng lần lượt 24% và 21% so với quý 2/2022. Đây cũng là quý có lãi ròng cao nhất từ trước đến nay của tập đoàn.

FPT là doanh nghiệp lớn hiếm hoi ghi nhận mức tăng trưởng "đều như vắt tranh" qua mỗi quý. Thời gian qua, khi thị trường trong nước gặp khó khăn, FPT đã đẩy mạnh chiến lược chinh phục thị trường quốc tế.

Doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài của FPT trong quý 2/2023 đạt 11.227 tỷ đồng, tăng 30,2%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.834 tỷ đồng, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt thị trường Nhật Bản vẫn giữ được đà tăng trưởng 39% bất chấp sự mất giá của đồng Yên.


CTCP Sonadezi Giang Điền (mã chứng khoán SZG) cũng ghi nhận quý lãi cao nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính, với 70 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu thuần 250 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 103 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 119% so với cùng kỳ.


Theo MekongASEAN

FPTBMPIMPSLSSZG
reaction

384 lượt thích

0 bình luận

© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.