Lướt sóng hay cưới cổ phiếu?
Cơ hội hưởng lợi kép
Hầu hết nhà đầu tư “lăn chốt” cổ tức thời gian qua đều hưởng lợi kép, đó là được quyền nhận cổ tức và lãi từ giá cổ phiếu tăng. Chẳng hạn, cổ phiếu TCH tăng từ vùng giá 9.000 đồng/cổ phiếu lên gần 14.000 đồng/cổ phiếu. Một số nhà đầu tư trước đó đã gom mua cổ phiếu TCH ở dưới mệnh giá với luận điểm, tỷ suất cổ tức cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, trong khi giá trị sổ sách là 12.000 đồng/cổ phiếu, tức định giá P/B ở mức hấp dẫn.
Tương tự, cổ phiếu FPT có đợt tăng giá mạnh trong thời gian qua khi bứt phá từ vùng 80.000 đồng/cổ phiếu lên gần 100.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FPT đã “ăn trọn” cổ tức và mức tăng giá cổ phiếu sau ngày chốt quyền.
Doanh nghiệp vừa trả cổ tức cao, vừa có sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh, giá cổ phiếu sẽ tăng, giúp nhà đầu tư hưởng lợi từ cổ tức và chênh lệch giá.
Thông thường, những doanh nghiệp có cổ đông nhà nước chiếm tỷ lệ sở hữu lớn ưa thích cách chia cổ tức bằng tiền mặt, thậm chí chia phần lớn lợi nhuận làm ra.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp này được không ít nhà đầu tư quan tâm, tiêu chí lựa chọn là tỷ suất cổ tức cao hơn lãi suất ngân hàng. Mặt khác, doanh nghiệp có mức chia cổ tức hấp dẫn phần lớn hoạt động kinh doanh tốt, có dòng tiền đều đặn nên giá cổ phiếu dễ tăng, nhất là khi thị trường chung đang trong xu hướng tăng giá. Nhờ đó, nhà đầu tư có chiến lược đầu tư hưởng cổ tức sẽ hưởng lợi kép.
Chiến lược đầu tư kiểu “ăn chắc, mặc bền” này thường phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn. Thực tế, nếu chọn được cổ phiếu tốt như FPT, REE… và canh mua ở vùng giá hợp lý, thì sau 5 - 10 năm, giá trị tài sản của nhà đầu tư có thể tăng rất mạnh.
Chị Hương ở Hà Nội chia sẻ, vợ chồng chị mua 1 triệu cổ phiếu VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam từ hơn 10 năm trước và thỉnh thoảng mua thêm, cộng với việc Ngân hàng chia cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu, số lượng sở hữu đến nay là hơn 3 triệu đơn vị, với giá vốn bình quân chưa đến 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá gần đây đạt trên 20.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài chênh lệch giá, chị nhận về hàng tỷ đồng cổ tức mỗi năm.
Tương tự, anh Bảo, sau 5 năm đầu tư chứng khoán, chiến lược đầu tư giá trị và tích lũy dần đã mang lại hiệu quả cao. Trong đó, anh mua cổ phiếu CTR của Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel khi còn giao dịch trên UPCoM và mua thêm khi chuyển sang HOSE, chỉ sau 3 năm đã lãi 4 lần. Với cổ phiếu BWE của Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương, mặc dù thị trường chung trong năm 2022 giảm mạnh, nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng khoảng 5%.
“Chiến lược đầu tư giá trị và nắm giữ dài hạn phù hợp với tôi vì không có nhiều thời gian theo dõi cổ phiếu và nhận thấy giao dịch lướt sóng không hiệu quả bằng”, anh Bảo nói
Hân Gia
10 tháng trước