Chứng khoán
Trong tuần VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, nhà đầu tư cá nhân có tuần bán ròng thứ 8 liên tục với quy mô 2.316 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ xả ròng 1.894 tỷ đồng.
Diễn biến rung lắc mạnh, tăng giảm đan xen vẫn được ghi nhận trong tuần vừa qua với lực cầu thưa thớt xuất hiện ở những phiên cuối tuần, giúp VN-Index thu hẹp đà giảm so với tuần trước. Thanh khoản sụt giảm mạnh cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước diễn biến lình xình thị trường.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index chịu áp lực bán mạnh ngay trong phiên đầu tuần khiến chỉ số chung liên tục đánh mất các mốc hỗ trợ mềm và lui sát về vùng điểm 980. Tuy thanh khoản sụt giảm rõ rệt nhưng sự xuất hiện của lực cầu bắt đáy cũng đã giúp cho chỉ số chung thu hẹp đà giảm và quay trở lại vùng điểm 1.020.
Kết tuần, VN-Index giảm 13,25 điểm tương đương với 1,3% so với tuần trước xuống 1.007,09 điểm. Bộ đôi VCB và OCB dẫn đầu về mức ảnh hưởng tích cực lên VN-Index khi giúp chỉ số chính tăng lần lượt 1,07 điểm và 0,64 điểm. Chiều giảm điểm gọi tên VHM, TCB với tổng mức ảnh hưởng hơn 3,35 điểm.
Theo thống kê, trong tuần vừa qua, hai nhóm ngành chịu áp lực bán tiêu cực nhất là chứng khoán và bán lẻ với mức giảm lần lượt là 3,26% và 5,46%. Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, thanh khoản mất hút xuyên suốt phiên, chỉ đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.
Đà mua ròng của khối ngoại trong tuần vừa qua cũng có phần chững lại và tỏ ra khá thận trọng. Trong phiên cuối tuần, khối ngoại bất ngờ mua ròng về kết phiên với thanh khoản lớn 536 tỷ, tập trung mua HPG, DXG, VND. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân có tuần bán ròng thứ 8 liên tục với quy mô 2.316 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ xả ròng 1.894 tỷ đồng.
Nguồn: Linh Chi tổng hợp.
Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng hẳn bên bán với 17/18 nhóm ngành bị bán ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu của các ngân hàng với giá trị lên tới gần 320 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu vua có tuần giao dịch với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên 22,17% toàn thị trường, chỉ số giá ngành giảm 1,21% trong tuần. Điều này cho thấy nhóm này đã có lực bán ra.
Nhóm cổ phiếu nhà băng chỉ có VCB, BID là tăng điểm trong năm, trong khi nhóm còn lại giảm mạnh trên hai chữ số, top cổ phiếu giảm mạnh nhất là VBB, BVB, ABB, KLB, PGB, TPB, TCB, SHB, VAB, NAB, toàn bộ giảm 45% – 61%.
Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm ngân hàng giảm mạnh trong tuần chỉ số giá giảm cho thấy có lực bán ra. Trong khi đó, chỉ số dòng tiền của nhóm ngân hàng trong tuần đi ngang cho thấy so với thị trường chung nhóm này giao dịch cân bằng.
Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng hơn 271 tỷ đồng ở nhóm tài nguyên cơ bản, trước khi rút ròng cổ phiếu thực phẩm & đồ uống (226 tỷ đồng), hóa chất (202 tỷ đồng), dầu khí (178 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (138 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (111 tỷ đồng), …
Chiều ngược lại, duy nhất cổ phiếu truyền thông được mua ròng nhưng với quy mô không đáng kể.
Nguồn: Linh Chi tổng hợp.
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện HPG của Tập đoàn Hòa Phát với 234,5 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài.
Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của ông lớn Hòa Phát, STB và GEX cũng bị bán ròng với giá trị 211 tỷ đồng và 168,8 tỷ đồng.
Tương tự, một số cổ phiếu vốn hóa trung bình khác cũng nằm trong top bán ròng, như DGC, PVD, OCB với giá trị từ 85 đến 150 tỷ đồng. Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu bất động sản như VRE (82,5 tỷ đồng), NLG (68,8 tỷ đồng), KBC (65,3 tỷ đồng).
Nguồn: Linh Chi tổng hợp.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu PDR của Phát triển Bất động sản Phát Đạt vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 250,7 tỷ đồng cổ phiếu PDR, bỏ xa các mã còn lại trong top 10 mua ròng.
Liên quan đến giao dịch cổ phiếu PDR, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 3,5 triệu cổ phiếu PDR trong phiên giao dịch ngày 21/12, theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn.
Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu mà vị Chủ tịch Phát Đạt nắm giữ giảm từ 292,01 triệu đơn vị xuống 288,49 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu giảm tương ứng từ 43,48% xuống 42,95%.
Như vậy, sau gần một tháng, Chủ tịch Phát Đạt đã bị các công ty chứng khoán bán giải chấp tổng cộng gần 42,3 triệu cổ phiếu PDR, tỷ lệ sở hữu giảm từ 48,99% xuống 42,95% (tương ứng giảm hơn 12% tỷ lệ sở hữu).
Cùng chiều, cổ phiếu REE cũng được gom ròng với quy mô 62,6 tỷ đồng. Tương tự loạt mã ngân hàng trong danh mục mua ròng như TCB (33,6 tỷ đồng), BID (33,4 tỷ đồng), VPB (21,6 tỷ đồng), VIB (14,3 tỷ đồng), …
Theo Linh Chi – VietnamBiz
4 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.