Chứng khoán
Đánh giá về động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN, ông Huỳnh Minh Tuấn – Nhà sáng lập FIDT cho rằng đây là bước đi sáng suốt và kịp thời trong bối cảnh hiện tại.
Chiều 14/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát đi thông báo giảm 1% các loại lãi suất điều hành kể từ ngày 15/3.
Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với lĩnh vực ưu tiên cũng giảm từ 5,5% xuống 5% một năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5% xuống 6% một năm.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành trong 2 năm gần đây. Trong lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 9 năm ngoái, các loại lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động đã tăng 0,3-1% một năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, giảm lãi suất điều hành là "bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới". Đây là tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đánh giá về động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN, ông Huỳnh Minh Tuấn – Nhà sáng lập FIDT cho rằng đây là bước đi sáng suốt và kịp thời trong bối cảnh hiện tại. Bởi nền thể nền kinh tế đang chịu áp lực từ vĩ mô cả bên trong và bên ngoài.
Nhìn ra bên ngoài, sự kiện các ngân hàng Mỹ quy mô vừa và nhỏ dừng hoạt động do nền lãi suất quá cao dự báo cũng tác động ít nhiều đến các ngân hàng tại Việt Nam, dù ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp.
Nền kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng khi Mỹ rơi vào suy thoái. Các lĩnh vực như xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng tại Việt Nam cũng èo uột từ hệ quả của việc tắc nghẽn thanh khoản. Do đó, để kích thích lại nền kinh tế từ đầu tư và tiêu dùng thì cần chi phí vốn rẻ.
"Động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN vừa mang tính chiến lược dài hạn, song cũng là phản ứng ngắn hạn để "phòng ngự từ xa" trước những biến số khó lường từ Mỹ. Không chỉ quyết định hạ lãi suất điều hành, việc hút tiền cũng đã được ngưng lại từ tín phiếu. Hai giải pháp mà NHNN có thể thực hiện là giảm chi phí đầu vào và tăng cung tiền", ông Huỳnh Minh Tuấn nêu quan điểm.
Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán sẽ phản ứng ra sao? - Ảnh 1.
Thị trường chứng khoán dự báo sẽ phản ứng tích cực
Về phản ứng của TTCK, ông Tuấn cho rằng đây là kênh đầu tư cực kỳ nhạy cảm và tương quan nghịch với lãi suất. Trong ngắn hạn, chuyên gia cho rằng thị trường sẽ phản ứng hưng phấn trước thông tin này. Nhìn về lịch sử, sau những quyết định hạ lãi suất, thị trường có thể kéo dài xu hướng tăng trong ít nhất 1 tháng sau đó", ông Huỳnh Minh Tuấn chia sẻ.
Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán sẽ phản ứng ra sao? - Ảnh 2.
Mặc dù dự báo thị trường sẽ tích cực trong ngắn hạn, song chuyên gia cho rằng vẫn còn một điểm nghẽn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong dài hạn, đó là lượng TPDN chuẩn bị đáo hạn.
Nghị định 08 dù đã giảm bớt áp lực trái phiếu đáo hạn, song vẫn cần chờ thêm một động thái cuối cùng từ phía NHNN về việc giãn nợ, hoãn nợ. Khi có thêm giải pháp này, "nút thắt" cho các doanh nghiệp BĐS sẽ được gỡ bỏ và TTCK cũng sẽ khởi sắc hơn nhiều.
Về hành động cho nhà đầu tư, chuyên gia cho rằng điểm sáng hiếm hoi của thị trường được nâng đỡ bởi chính sách. Do đó, với những nhà đầu tư mạo hiểm, nếu có niềm tin vào sự đảo chiều của chính sách thì có thể giải ngân "bắt đáy". Ngược lại, những nhà đầu tư có chiến lược thận trọng hơn thì nên kiên nhẫn chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn.
Theo chuyên gia, nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng vẫn sẽ được hưởng lợi tâm lý trong ngắn hạn bởi đây là nhóm bị tác động mạnh từ việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, về dài hạn thì vẫn cần chờ xem những động thái mới từ chính sách vĩ mô, đặc biệt là những giải pháp tiếp theo để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản.
Đánh giá riêng về phiếu ngân hàng, chuyên gia cho rằng triển vọng dài hạn không quá sáng vì rủi ro nợ xấu vẫn khá cao. Triển vọng nhóm ngân hàng sẽ có diễn biến đồng pha với nhóm BĐS, nếu BĐS được "giải cứu" thì nhóm ngân hàng sẽ tích cực hơn. Bởi khi chính sách ra thì cần thời gian để nhìn nhận xem các ngân hàng sẽ sắp xếp nợ xấu như thế nào, chất lượng tài sản ra sao. Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng trước khi ra quyết định đầu tư.
13 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.