Tài chính
Cổ đông NVL
2 năm trước
(KTSG Online) – Bốn công ty môi giới bất động sản lớn nhất Hồng Kông, gồm Centaline Property Agency, Midland Realty, Ricacorp Properties và Hong Kong Property Services dự kiến cắt giảm ít nhất 3.100 nhân viên cho đến đầu năm tới.
Lãi suất tăng chóng mặt khiến thị trường bất động sản Hồng Kông suy sụp nhanh chóng với mức giảm khoảng 20% so với mức đỉnh của năm ngoái.
Trao đổi với South China Morning Post hôm 22-11, Louis Chan, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Centaline nói: “Chúng tôi không có đủ hoạt động kinh doanh, vì vậy chúng tôi sẽ cắt giảm chi phí cho đến khi có lãi”.
Ông cho biết Centaline đã lên kế hoạch cắt giảm 800 nhân viên trong năm nay và thêm 800 nhân viên nữa trong hai tháng đầu năm 2023.
Theo Công ty môi giới Midland Realty, với số lượng giao dịch bất động sản dân cư (bao gồm nhà mới và nhà cũ) của Hồng Kông dự kiến giảm về 64.000 trong năm nay, mức thấp nhất trong 32 năm, thu nhập hoa hồng môi giới rõ ràng không đủ để hỗ trợ cho đội quân 41.489 nhân viên môi giới có giấy phép hành nghề của thành phố này.
Midland Realty đã mất 400 nhân viên trong 10 tháng đầu năm nay do sa thải và nghỉ việc tự nguyện. Công ty dự kiến cắt giảm thêm 400 nhân viên nữa trong tháng 11 và 12.
Trong khi đó Ricacorp Properties đã mất 400 nhân viên kể từ đầu năm và lên đã kế hoạch cho 200 nhân viên nữa nghỉ việc cho đến tháng 3 năm sau. Công ty cũng dự kiến đóng cửa 40 chi nhánh trong 4 tháng tới.
Dave Ma, Giám đốc điều hành Hong Kong Property Services, tiết lộ sẽ cắt giảm 100 nhân viên trong tổng nhân sự 1.000 hiện tại, đồng thời sẽ đóng cửa 5-10% trong tổng số 100 chi nhánh trong thời gian tới, sau khi đã đóng cửa 10 chi nhánh trong năm nay.
Dave Ma nói: “Ngành môi giới bất động sản dựa vào thu nhập phí hoa hồng nhưng tâm lý thị trường năm nay rất ảm đạm. Nếu các nhân viên không thể tìm kiếm các giao dịch và kiếm sống, họ sẽ tự rời đi. Tôi không hy vọng tình hình sẽ cải thiện đáng kể cho đến Tết Nguyên đán”.
Nền kinh tế Hồng Kông đã suy giảm trong 3 quí liên tiếp, khiến tâm lý trên thị trường bất động sản càng bi quan. Tuần trước, chính quyền Hồng Kông dự báo GDP của thành phố sẽ sụt giảm 3,2% trong năm 2022 do môi trường bên ngoài đang xấu đi và do tác động của đại dịch Covid-19.
Theo Alexa Chow, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn tuyển dụng ACTS Consulting, hầu hết nhân viên môi giới nghỉ việc có thể chuyển sang các công việc liên quan, chẳng hạn bán lẻ, tài chính và bảo hiểm. Ông nói: “Đột nhiên lãi suất tăng quá nhanh. Chỉ trong 10 tháng, tình hình thay đổi nhanh chóng, từ thiên đường rơi xuống địa ngục”.
Doanh số giao dịch bất động sản ở Hồng Kông tăng 46,1% vào năm 2021, lên 917,8 tỉ đô la Hồng Kông, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được theo dõi vào năm 1996. Đó là một năm bội thu đối với các công ty môi giới bất động sản.
Tình hình đảo chiều khi Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông (HKMA) buộc phải chạy theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để tăng lãi suất cơ bản. HKMA đã tăng lãi suất lên mức 4,25% trong tháng 11 so với mức 0,75% hồi tháng 3.
Lãi suất liên ngân hàng của Hồng Kông, còn gọi là Hibor, cũng tăng lên mức 5,11% trong tháng 11 so với mức chưa đến 1% hồi tháng 1. Hầu hết lãi suất vay thế chấp mua nhà ở Hồng Kông đều gắn liền với Hibor. Lãi suất tăng làm giảm nhu cầu đối với bất động sản trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu có thể sắp xảy ra và tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc.
Các nhân viên môi giới chỉ được trả mức lương cơ bản tương đối thấp, đôi khi thấp bằng mức lương tối thiểu theo luật định. Chow cho biết, trong khi các nhân viên môi giới hàng đầu có thể kiếm được hơn 100.000 đô la Hồng Kông mỗi tháng nhờ tiền hoa hồng, thì nhiều người khác phải vật lộn để tìm kiếm chỉ một giao dịch.
Hiện các nhân viên môi giới thường nhận được hoa hồng bằng 1% giá trị giao dịch từ cả người mua và người bán trong các giao dịch mua nhà ở đã qua sử dụng. Mức phí hoa hồng mà họ nhận được từ các dự án chung cư mới thường cao hơn 1%.
Số lượng giao dịch nhà ở của Hồng Kông đã giảm 20% trong năm nay. Chong Tai-leung, giáo sư tại Đại học Hồng Kông, cho biết nếu số lượng nhân viên môi giới cũng giảm khoảng 20%, thì sẽ có khoảng 10.000 người mất việc làm trong toàn ngành môi giới bất động sản. “Nếu tất cả 10.000 người này không thể tìm được việc làm trong thời gian ngắn, thì tỷ lệ thất nghiệp trong ngắn hạn của Hồng Kông sẽ tăng thêm 0,3 điểm phần trăm”, Chong nói.
Tuy nhiên, ông cho biết số lượng nhân viên môi giới nên giảm xuống vì “không tương xứng với quy mô dân số”. “Đối với một nơi nhỏ như Hồng Kông, con số 40.000 nhân viên môi giới bất động sản là điều không thể tin được. Toàn bộ thành phố này chỉ có khoảng 2 triệu hộ gia đình. Trung bình, 50 hộ gia đình sẽ hỗ trợ một nhân viên môi giới bất động sản, không bao gồm bất động sản thương mại và cho thuê”.
Trong một diễn biến khác, hôm 22-11, Ngân hàng Citibank dự báo giá bất động sản dân cư ở Hồng Kông dự kiến giảm thêm 10% nữa trong giai đoạn từ tháng 10-2022 đến quí 2-2023 sau khi đã giảm khoảng 20% so với mức cao kỷ lục trong năm 2021.
Josephine Lee Kwai-chong, Giám đốc điều hành kiêm người đứng đầu bộ phận ngân hàng bán lẻ của Citibank Hong Kong, nói: “Chu kỳ tăng lãi suất là yếu tố tiêu cực lớn nhất ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Nó làm tăng gánh nặng trả nợ của mọi người”.
Trước đó, Ngân hàng Goldman Sachs cũng dự báo giá nhà ở của Hồng Kông sẽ giảm khoảng 30% kể từ mức đỉnh hồi năm ngoái trước khi chạm đáy.
Trước nhu cầu ảm đạm, hồi đầu tháng này, Shih Wing-ching, Chủ tịch Centaline, đã kêu gọi các nhà phát triển bất động sản chấp nhận bán lỗ để thu hút sự chú ý của thị trường và thúc đẩy doanh số.
Theo Centaline, các nhà phát triển bất động sản ở Hồng Kông đang chứng kiến số lượng tồn kho nhà mới đã hoàn thiện ngày càng tăng, và đang ở “mức nguy hiểm” là 15.000, tính đến quí 3, cao nhất trong 15 năm qua.
Theo SCMP, Capital.com
11 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.