Trang chủ
Video
Chế ảnh


Tài chính

Thi Phan

1 năm trước

Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nếu không thì sao?

Tư duy và khẩu hiệu “Người Việt dùng hàng Việt” không phải là mới, mà đã tồn tại từ lâu. Theo các hình ảnh tham khảo thì bắt đầu từ năm 1986, khi đất nước chuyển hướng từ kinh tế bao cấp sang thị trường.

Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nếu không thì sao?
Chế ảnh này

Tư duy và khẩu hiệu “Người Việt dùng hàng Việt” không phải là mới, mà đã tồn tại từ lâu. Theo các hình ảnh tham khảo thì bắt đầu từ năm 1986, khi đất nước chuyển hướng từ kinh tế bao cấp sang thị trường.


Lúc đó, các doanh nghiệp nhà nước vẫn là chủ đạo rồi từ từ cổ phần hóa. Những Vinamilk hay PNJ đều theo mô hình này.


Ảnh đi kèm cho thấy khẩu hiệu ở Phố Giảng Võ tại Hà Nội năm 1991. Lúc đó, Việt Nam mới chuyển hướng được 5 năm. Nhìn xe cộ, đường phố, và quần áo, bạn sẽ thấy sự cơ cực.


Thời đó, chưa có nhiều mặt hàng nước ngoài, cho nên người tiêu dùng không có quá nhiều lựa chọn. Nhưng sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào năm 1995 thì mọi thứ bắt đầu thay đổi.


Vì giao thương lại với thế giới, nên các công ty quốc doanh không còn vị thế độc quyền nữa. Từ đó, khái niệm “Người Việt dùng hàng Việt” dần trở nên vô nghĩa là lỗi thời.


Lấy siêu thị làm ví dụ. Trước đây khi chỉ có Coop, chất lượng tệ nhưng người dân vẫn chấp nhận. Những ai đã đi vào những năm đầu của thập niên 2000 vẫn sẽ nhớ cảnh lộn xộn và cách phục vụ không mấy thân thiện.


Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi khi những Big C, Lotte và Aeon xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Nhờ vậy, mà người Việt mới biết thế nào là siêu thị đúng nghĩa và chăm sóc khách hàng. Từ những thứ cơ bản như ghế ngồi, toilet sạch, cho đến giữ xe miễn phí.


Số lượng hàng hóa trở nên đa dạng hơn và giá cả cũng cạnh tranh hơn. Thậm chí, nếu đã đi Aeon, bạn sẽ phàn nàn là tại sao họ không mở thêm nhiều cơ sở.


Vậy những người chọn mua xoài Thái hay táo Nhật giúp ích Việt Nam thế nào? Họ giúp tạo áp lực để các nhà sản xuất nội địa phải coi lại chất lượng sản phẩm.


Còn những ai chọn đi Lotte thay vì Coop? Họ giúp tạo công ăn việc làm và cải thiện dịch vụ.


Từ tư duy “Tiêu dùng yêu nước,” người Việt Nam chuyển thành “Tiêu dùng thông thái.”


Giao thương thì phải có qua lại. Kinh doanh thì phải dựa vào chất lượng. Lợi ích của người tiêu dùng là thứ đáng được quan tâm nhất, chứ không phải riêng doanh nghiệp nào.


Doanh nhân Việt Nam cũng dần thay đổi tư duy. Sau đây là vài thương hiệu điển hình.

- Highlands thành công vì làm cà phê và phục vụ tốt, chứ không quảng cáo “Người Việt uống cà phê Việt.”

- Thế Giới Di Động đứng đầu vì khiến khách hàng không chê nổi khi được chăm sóc tận tình, thay vì “Người Việt mua sắm ở cửa hàng Việt.”


Còn ngược lại, những doanh nhân nào lợi dụng lòng yêu nước để đưa vào sản phẩm của mình, thường có kết quả ngược với mong đợi. Dù là nông sản, điện thoại, hay chiếc xe bốn bánh.


Việt Nam đã hội nhập giao thương với thế giới. Hàng Việt xuất đi nước khác, thì nước khác cũng xuất hàng họ sang Việt Nam. Người tiêu dùng toàn cầu sẽ lựa chọn cái nào để mua để quyết định sự sống còn.


Dựa vào niềm tin dân tộc để kinh doanh thì chỉ có thể trục lợi được một vài lần. Người ta sẽ mua vì tính hiếu kỳ và lý tưởng nhất thời. Nhưng sau đó, nếu bị phục vụ tệ hoặc chất lượng không như mong đợi, họ sẽ không quay trở lại.


Doanh nhân là người phải giải quyết vấn đề trong xã hội. Quy mô càng lớn, tiền thưởng càng cao. Nó phải đi kèm với sự sáng tạo và linh hoạt. Núp sau chiến dịch quảng bá niềm tin yêu nước chỉ cho mọi người thấy, sản phẩm đó không có gì đặc biệt, và bạn không xứng đáng với số tiền của họ.


Cho nên, người Việt không nhất thiết phải mua hàng Việt, hay tin tưởng mù quáng. Điều đó không những phi lý trí, mà còn giúp củng cố cho sự lười sáng tạo và cạnh tranh của doanh nghiệp. Tồi tệ nhất, nó thường dẫn đến sự thụ động và quan liêu, một thứ trái nghịch với xu hướng kinh tế thời hiện đại.


Theo Trong Nhan Nguyen

Việt Nam
reaction

15 lượt thích

0 bình luận

© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.