Trang chủ
Video
Chế ảnh

Tống Hương Ly

4 tháng trước

Nhà thầu xây lắp “gồng mình” vượt khó

Nhà thầu xây lắp “gồng mình” vượt khó
Chế ảnh này

Xoay xở


Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình, mã HBC) ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong năm 2020 - 2021, sau đó lỗ lớn trong năm 2022 - 2023, do các công trình bị ngừng trệ, chủ đầu tư nợ đọng. Trước đó, các công trình chủ yếu của Hòa Bình tập trung vào ngành du lịch, nghỉ dưỡng, nên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tính đến cuối năm 2023, Công ty có lỗ lũy kế 3.240,3 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 93,4 tỷ đồng.


“Giữa bão tố, người Hòa Bình xoay trở, tái cấu trúc công ty, tìm nguồn tài chính để đầu tư. Bằng những nỗ lực vượt bậc của mình cùng sự trợ giúp của rất nhiều bè bạn, đối tác, khách hàng, Hoà Bình đã vượt qua giai đoạn cực kỳ nguy nan đó”, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Bình chia sẻ.


Hiện tại, Hoà Bình tiếp tục tái cấu trúc nguồn nhân lực, bộ máy quản trị, tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc sản phẩm và thị trường. Ban lãnh đạo và toàn thể thành viên tâm huyết nhất của Hòa Bình nỗ lực từng ngày nhằm khôi phục vị thế Nhà thầu xây dựng số 1 tại Việt Nam trong chiến lược phát triển 5 năm, 10 năm tới. Một loạt giải pháp cải thiện đã được triển khai và bắt đầu mang lại kết quả.


Theo báo cáo tài chính bán niên 2024 của Hoà Bình, không ít dự án xây dựng ở nước ngoài đã được ký kết và những chủ đầu tư trong nước dần quay lại. Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 3.810,8 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận sau thuế 740,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 713,2 tỷ đồng.


Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của Hòa Bình trong nửa đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm ngoái (121,2 tỷ đồng so với 187,3 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế đạt cao phần lớn là nhờ Công ty ghi nhận khoản lợi nhuận khác 517,8 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.


Tương tự, Công ty cổ phần Fecon (mã FCN) ghi nhận lợi nhuận suy giảm trong giai đoạn 2020 - 2022 và lỗ 42 tỷ đồng trong năm 2023, nhưng quý I/2024 có lãi 635 triệu đồng, quý II/2024 lãi thêm 720 triệu đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 1,4 tỷ đồng). Fecon cho biết, lợi nhuận quý II năm nay được cải thiện do Công ty thanh lý một số tài sản cố định và nhận bồi thường thiệt hại từ hợp đồng thi công, đồng thời nhờ yếu tố khách quan là mặt bằng lãi suất chung giảm giúp chi phí tài chính giảm.


Trong khi đó, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (mã HTN) có kết quả kinh doanh lao dốc trong quý II/2024: doanh thu hơn 437 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 72% và 96% so với cùng kỳ năm ngoái. Hưng Thịnh Icons cho hay, Công ty đã tối ưu chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính giảm, nhưng sản lượng thi công giảm so với cùng kỳ nên lợi nhuận giảm sâu.


Với Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã PHC), doanh nghiệp này gần đây dành nhiều nguồn lực đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng lao động và mở rộng hoạt động tại khu vực phía Nam nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường trong thời gian tới. Theo đó, chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý II/2024 tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, nên dù doanh thu tăng 111%, đạt 416,8 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm gần 6%, xuống 773 triệu đồng.


Kỳ vọng


Công ty Chứng khoán Dầu khí kỳ vọng, ngành xây dựng sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2024. Cụ thể, từ quý III/2024, bức tranh của ngành xây dựng sẽ tích cực hơn nhờ sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản dần tháo gỡ các nút thắt về pháp lý khi 3 sắc luật quan trọng liên quan đến ngành bất động sản gồm Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024.


Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhà thầu, xây dựng giảm áp lực lãi vay do lãi suất giảm; nguồn vốn lưu động được đảm bảo nhờ khả năng tiếp cận tín dụng tốt; doanh nghiệp chủ động lựa chọn dự án có dòng tiền ổn định, đảm bảo tiến độ dự án…


Không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, một số doanh nghiệp còn chủ động tìm kiếm cơ hội ở thị trường nước ngoài.

“Tôi nhận ra một cơ hội rất quý cho Việt Nam, đó là ngành xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục bùng nổ, phát triển, sánh vai với các cường quốc khác khi thành công trong việc xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thế giới. Đây cũng là giải pháp chúng ta cần phải làm để giải quyết thực trạng mất cân bằng cung - cầu của ngành xây dựng trong nước. Giải pháp đó là hoàn toàn khả thi, vì chúng ta đang có đầy đủ những điều kiện tốt nhất để thực hiện. Đó là một thị trường đầy tiềm năng, có quy mô gấp 450 lần thị trường trong nước”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Bình chia sẻ.


Hòa Bình đã trúng thầu 5 dự án tại Kenya và tiến dần sang thị trường Mỹ. Công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Hòa Bình (HBI) đã ký hợp đồng mua bán cổ phần, sở hữu 51% Công ty cổ phần Bất động sản Xây dựng và Thương mại Keystone (Keystone DNC Inc) - doanh nghiệp có trụ sở tại bang California, Mỹ. Tháng 4/2024, ngay sau lễ ký kết mua bán cổ phần, hai bên thành lập Công ty Keypax JV, làm tổng thầu thi công cho dự án The Grove Apartments đầu tư bất động sản của Tập đoàn Garden Grove APTS với giá trị hợp đồng 9,2 triệu USD và dự án The Rialto của Công ty TNHH Đầu tư Rialto Foothill với giá trị hợp đồng 22 triệu USD.


Nhìn chung, nhiều ngành, lĩnh vực đang bước vào sóng phục hồi và ngành bất động sản, xây dựng cũng không ngoại lệ. Các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng đang chờ đợi sự khởi sắc của thị trường bất động sản, nhưng thị trường này có thể cần thời gian để “ngấm” chính sách nên hoạt động xây lắp dự kiến từ cuối năm 2024, đầu năm 2025 mới sôi động trở lại.


Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn

HBC
reaction

188 lượt thích

0 bình luận

© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.