Trang chủ
Video
Chế ảnh

Chứng khoán

Chiên Da Hóng Hớt

2 năm trước

Những điểm nhấn chính sách thay đổi thị trường chứng khoán năm 2022

2022 là năm đầy biến động với thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều chính sách, quy định đã được ban hành, sửa đổi nhằm bắt kịp với sự vận động của thị trường.

Những điểm nhấn chính sách thay đổi thị trường chứng khoán năm 2022
Chế ảnh này

Công bố dữ liệu giao dịch tự doanh


Từ đầu tháng 3/2022, thông tin về giao dịch của bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán đã bị dừng cung cấp. Theo đại diện HOSE, việc dừng cung cấp thông tin giao dịch tự doanh "không ảnh hưởng tới vấn đề công bố thông tin", bởi nó chỉ cung cấp theo gói dịch vụ cho một số khách hàng. Sở cũng cho biết việc ngừng cung cấp thông tin là để phục vụ việc rà soát, phát triển sản phẩm mới.


Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có văn bản đề nghị Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chỉ đạo HOSE, HNX thực hiện công bố thông tin cuối ngày về tổng khối lượng và tổng giá trị giao dịch mua, bán tự doanh đối với từng mã chứng khoán. Theo đó, HOSE đã công bố dữ liệu tự doanh từ ngày 17/05. HNX công bố dữ liệu từ ngày 20/05.


Yêu cầu công bố thông tin cổ phiếu trần/sàn 5 phiên liên tiếp 


Ngày 16/05, UBCKNN đã có công văn hướng dẫn các Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) về việc yêu cầu tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch giải trình khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn liên tiếp.


Theo đó, Sở GDCK đã có công văn gửi các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu.


Đây là một trong những giải pháp mang tính đồng bộ mà Bộ Tài chính, UBCKNN đưa ra nhằm ổn định thị trường, tăng cường giám sát, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, nhất là sau nhiều vụ thao túng giá đã được phanh phui trước đó.


Yêu cầu giải trình khi cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn 5 phiên liền đã làm hoạt động công bố thông tin nhộn nhịp hơn nhiều. Tuy nhiên, văn bản giải trình từ phía doanh nghiệp thường không thật sự làm thỏa mãn nhà đầu tư. Hầu hết các văn bản chỉ dừng lại ở mức giá cổ phiếu biến động theo cung cầu thị trường và khẳng định doanh nghiệp không có tác động gì tới sự biến động đó. Hoặc nhiều doanh nghiệp giải trình rằng cổ phiếu bị ảnh hưởng do tâm lý thị trường trong nước và thế giới.


Đổi cách tính giá thanh toán ngày đáo hạn phái sinh


Dưới sự chỉ đạo của UBCKNN, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã thay đổi phương pháp tính giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai. 


Theo Quyết định số 61 ngày 16/05/2022 của VSD, phương pháp tính giá thanh toán cuối cùng (FSP) của hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 được thay đổi từ ''giá trị đóng cửa của chỉ số cơ sở tại ngày giao dịch cuối cùng'' thành ''giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số trong 30 phút cuối cùng của ngày giao dịch cuối cùng (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa), sau khi loại trừ 3 giá trị chỉ số cao nhất và 3 giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục".


Kỳ áp dụng đầu tiên là kỳ tháng 6/2022, nhà đầu tư tham gia giao dịch hợp đồng tương lai VN30F1M từ kỳ tháng 6 trở đi sẽ không chốt giá đáo hạn ở giá đóng cửa VN30 như trước đây mà sẽ là trung bình của chỉ số VN30 trong 30 phút từ 2h15 đến 2h45.


Rút ngắn giao dịch T+


Ngày 19/08/2022, Tổng Giám đốc VSD đã ký Quyết định số 109/QĐ-VSD ban hành Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại VSD và Quyết định số 110/QĐ-VSD ban hành quy chế Thành viên Lưu ký tại VSD.


Theo quy chế mới, thời gian ngân hàng thanh toán (NHTT) hoàn tất thanh toán tiền và VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán được điều chỉnh từ 15h30-16h00 lên 11h00-11h30 ngày T+2 (trường hợp có phát sinh thành viên lưu ký mất khả năng thanh toán tiền thì thời gian hoàn tất thanh toán chậm nhất là 12h00).


Nhà đầu tư có giao dịch mua, bán chứng khoán ngày T+0 sẽ nhận được chứng khoán, tiền trước 13h ngày T+2 để có thể thực hiện mua, bán chứng khoán trong phiên giao dịch buổi chiều cùng ngày.


Quy chế mới giúp nhà đầu tư có thể bán chứng khoán mua ngày T+0 ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 thay vì chờ đến ngày T+3 như trước đây.


Giao dịch lô lẻ HOSE


Từ sau sự kiện nghẽn lệnh sàn HOSE, lô cổ phiếu tối thiểu được nâng lên 100 đã khiến nhà đầu tư gặp một số bất tiện trong giao dịch.


Nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch chứng khoán lô lẻ của nhà đầu tư, Sở GDCK TP.HCM (HOSE) đã phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT nâng cấp và thử nghiệm toàn thị trường chức năng giao dịch chứng khoán lô lẻ. Theo đó, từ ngày 12/09/2022, nhà đầu tư đã được giao dịch lô lẻ trên HOSE.


Đối với giao dịch chứng khoán lô lẻ, nhà đầu tư có thể đặt lệnh có khối lượng từ 1 đến 99 chứng khoán. Tuy vậy, giao dịch được thực hiện trên bảng riêng, hoàn toàn tách biệt với giao dịch chứng khoán lô chẵn, các lệnh giao dịch chứng khoán lô lẻ chỉ được khớp với nhau và không được khớp với lệnh chứng khoán lô chẵn nên nhà đầu tư giao dịch với lô lẻ vẫn chưa thật sự được như kỳ vọng.


Sửa quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ


Trong tháng 9, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/09/2022.


Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.


Theo đó, mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.


Trong đó, nghị định sửa đổi, bổ sung một số điểm chính bao gồm bổ sung nguyên tắc phát hành trái phiếu; quy định rõ cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu; sửa thời hạn công bố thông tin, tăng cường tính minh bạch…


Tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hành lang pháp lý trong tương lai


Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước vào cuối tháng 10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian tới sẽ đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, sửa Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan để kiểm soát một cách chặt chẽ, minh bạch và cũng nhằm tạo ra một nguồn vốn trung và dài hạn để giúp cho việc phát triển sản xuất kinh doanh.


Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sáng ngày 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo triển khai xây dựng một nghị định sửa đổi nhiều nghị định liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản… nhằm ổn định thị trường vốn về lâu dài.


Với sự quan tâm của cơ quan quản lý, trong tương lai, hành lang chính sách cho thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được điều chỉnh sao cho phù hợp với thị trường biến động từng ngày.


Theo Vietstock

UBCKVN-IndexTự doanh
reaction

24 lượt thích

0 bình luận

© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.