Ông Vũ Bằng: Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam và những kinh nghiệm
Trò chuyện với chúng tôi về những ký ức của 20 năm thành lập và phát triển ngành chứng khoán, ông Bằng bắt đầu với câu chuyện thành lập của một quỹ đầu tư trị giá tới 200 triệu USD khi mà đất nước còn trong thời kỳ cấm vận kinh tế. Ông Bằng cho biết:
Lúc đó, một quỹ đầu tư muốn vào Việt Nam đã qua gặp Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư (tiền thân của Bộ Kế hoạch Đầu tư hiện nay) nhưng đó không phải là đầu tư trực tiếp nước ngoài nên được giới thiệu qua Ngân hàng Nhà nước. Vụ Quản lý Ngoại hối khi đó tiếp nhận công việc và thấy đó là một mô hình đặc biệt chưa từng xuất hiện ở nước ta.
Lúc đó, họ muốn thành lập First Vietnam Fund với mô hình Venture Capital – đầu tư vào doanh nghiệp có tiềm năng, tái cấu trúc và đưa lên thị trường chứng khoán, rồi bán… Khi Ngân hàng Nhà nước làm đề án cho First Vietnam Fund với quy mô 200 triệu USD trình lên, Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất ủng hộ và cho phép thực hiện dù lúc đó chưa có một khung pháp lý nào cho mô hình này.
Đó là một giấy thông hành đặc biệt cho sự phát triển của ngành chứng khoán sau này. Khi đó chúng tôi ngồi quán nước và nghe tin thì vô cùng mừng rỡ.
Ngay sau đó, họ giúp Ngân hàng Nhà nước tìm hiểu rất sâu về TTCK, cung cấp rất nhiều sách, tài liệu. Chúng tôi thì rất say mê đọc, dịch tài liệu và tổ chức hội thảo về TTCK…
Tuy nhiên, sau đó thì việc huy động vốn của First Vietnam Fund không thành công vì những tổ chức đã đồng ý cuối cùng lại từ chối bởi Việt Nam đang bị cấm vận kinh tế. Thế nhưng, chúng tôi đã được rất nhiều tài liệu, kiến thức về thị trường vốn và cả niềm đam mê. Nghiệp chứng khoán của nhiều người trong chúng tôi cũng bắt đầu từ đó.
Một số nước trong khu vực đã ra đời TTCK và đi vào hoạt động rất sớm trong khi Việt Nam vẫn loay hoay chuẩn bị, đến năm 2000 mới ra đời và chỉ với 2 cổ phiếu. Vì sao việc chuẩn bị lại lâu như vậy?
Cho đến lúc mở cửa thị trường rồi, một chuyên gia nước ngoài còn thư cho lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đề nghị chưa nên mở TTCK vào lúc đó và liệt kê ra nhiều lý do.
Thứ nhất, thị trường tiền tệ Việt Nam còn chưa phát triển, mở thị trường vốn làm gì? Thứ hai, tại sao lại dùng công nghệ của Thái Lan vì đằng sau Thái Lan là Mỹ, lộ hết thông tin. Thứ ba là mở thị trường chứng khoán thì nước ngoài sẽ vào mua hết cổ phiếu công ty Việt Nam…
Chúng tôi kiên nhẫn giải thích, thuyết phục để thấy được lợi ích của việc mở TTCK. Tôi nói lại chuyện đó để thấy rằng, ngay cả khi mở năm 2000 thì mọi thứ không phải là đã được thông suốt và dễ dàng.
Còn về việc mở cửa sớm hơn thì cũng có thể được nhưng mở cửa với chuẩn bị như thế nào cũng quan trọng. Năm 1994, Myanmar mở cửa sàn giao dịch chứng khoán với 1 cổ phiếu cùng mô hình do Daiwa (Nhật Bản) tư vấn nhưng sau đó phải đóng cửa. Gần đây, Myanmar mở cửa lại thị trường chứng khoán và sang Việt Nam học hỏi. Họ chia sẻ về việc nhanh chóng mở cửa trước đây: "Chúng tôi nhanh nhưng lại hoá chậm".
Rồi như việc phát triển nhanh có thể so sánh với Lào – nước đã từng cho bán khống trước đây rất lâu rồi, còn mình thì chưa cho phép. Thế nhưng đến nay thì họ cũng mới có vài cổ phiếu được giao dịch thôi.
Còn thị trường chứng khoán Việt Nam giờ đã có hơn 700 công ty niêm yết, hơn 300 công ty đăng ký giao dịch cổ phiếu, vốn hoá lên tới 40% GDP. Đặc biệt, chúng ta có một thị trường trái phiếu với quy mô 23% GDP, tốc độ tăng trưởng 28%/năm. Nếu tính cả cổ phiếu và trái phiếu thì vốn hóa của TTCK Việt Nam lên tới 63% GDP.
Khi thành lập Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thì nhân sự nòng cốt là Ban Thị trường vốn thuộc Ngân hàng Nhà nước chuyển sang. Từ một cơ quan được nhiều người biết tới sang một nơi mới toanh, tâm tư của những người mở đường lúc đó ra sao?
Lúc đó, anh Lê Văn Châu - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước là lá cờ đầu và trở thành Chủ tịch đầu tiên của UBCKNN. Chúng tôi ở Ban Thị trường Vốn sang thì không phải ai cũng thích. Thực tế thì lúc đó, các anh em trong đó có tôi cũng được nhiều người nói là: "Sang bên đó làm gì, có gì ở đó đâu mà sang", nhưng mình đam mê thì mình sang thôi. Đó là cái nghiệp của mình rồi.
Khi bắt đầu, chúng tôi tuyển thêm khoảng 10 người để đào tạo nhưng chỉ một thời gian thì 5 người rời đi… Nói về những khó khăn lúc thành lập thì nhiều lắm và chỉ có những người yêu cái ngành này và coi nó như cái nghiệp mới ở lại đến ngày hôm nay.
Khi mở cửa Trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM, chỉ có 2 cổ phiếu được giao dịch. Vì sao lại ít cổ phiếu như vậy trong khi có nhiều chỉ đạo về việc tạo hàng hoá cho thị trường chứng khoán?
Đến bây giờ khi có nhiều bằng chứng thực tế về doanh nghiệp lên sàn được hưởng nhiều lợi ích nhờ huy động được vốn, thương hiệu được nhiều người biết tới, cổ phiếu có giá cao, có đối tác chiến lược nước ngoài… thì không quá khó.
Nhưng ngày ấy, khi chúng tôi đi gặp các doanh nghiệp để giải thích tư vấn chuyện niêm yết thì hầu hết đều nói kiểu: Chúng tôi chẳng được lợi ích gì, minh bạch thông tin thì lại bị thêm người khác soi mói. Với những người thiện chí hơn thì họ nói rất hoan nghênh rồi sẽ nghiên cứu, nhưng không gật đầu. Chính vì thế, danh sách dự kiến từ 25 công ty, xuống 10, rồi 5 và khi mở cửa thị trường chỉ còn REE và SAM.
Tôi cứ nhớ mãi khi gặp một lãnh đạo ở Hà Nội, anh ấy nói: "Tôi thấy lợi ích thật nhưng doanh nghiệp Việt Nam qua nhiều năm bao cấp như gà công nghiệp, ngày với đêm ở trong ánh đèn nên như nhau hết. Giờ mở cửa đuổi ra cũng không ra, cứ ở trong chuồng nên rất khó…".
Kể từ khi mở cửa thị trường đến nay, với ông đâu là những quãng thời gian khó khăn nhất?
Ngoài những khó khăn, vất vả ban đầu thì giai đoạn VN-Index vượt hơn 1.000 điểm (năm 2006) là lúc tôi rất lo lắng. Nhiều đêm không ngủ được. Tiến sĩ Hauskrecht - vị giáo sư người Đức rất nổi tiếng, là cố vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng tư vấn: "Tăng như vậy rõ ràng là bong bóng, phải chủ động xì hơi quả bóng đó. Còn nếu để nó quá to và nổ thì hậu quả không thể lường được".
Ngày đó đi họp các cuộc ở Bộ Tài chính, mọi người đều ám ảnh mãi cái hình ảnh của một câu chuyện về viễn cảnh có thể xảy ra khi bong bóng chứng khoán vỡ: "Trên cầu còn mấy đôi dép đó, họ chuẩn bị nhảy rồi đó". Khổ là lúc đó anh Sinh (ông Trần Đắc Sinh – nguyên Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM) lên cảnh báo thì chỉ được 2 phiên là thị trường lại bùng lên.
Trong khi đó một báo cáo của Merrill Lynch lại viết: "Nếu 10 năm nữa các bạn muốn có tiền cho con mình ăn học thì hãy đầu tư vào TTCK Việt Nam". Sau báo cáo này, dòng tiền nước ngoài lại đổ vào Việt Nam càng nhiều khiến thị trường thêm nóng.
Thời điểm đó, một số biện pháp cứng rắn về tiền tệ được đề xuất nhưng chúng tôi đã rất nỗ lực giải thích về việc cần có hạ cánh mềm, nếu không thị trường sẽ đổ vỡ và được chấp nhận.
Cũng kể từ lúc đó chúng tôi đã phải nghiên cứu và lên phương án cho kịch bản thị trường chứng khoán gặp khủng hoảng rồi. Thực tế là năm 2007 khi lạm phát cao, tiền tệ bị thắt chặt thì mọi sự diễn ra đúng như dự báo.
Vào lúc thị trường giảm mạnh nhất, UBCKNN trình lên 11 biện pháp để tháo gỡ và được Thủ tướng lúc đó là anh Nguyễn Tấn Dũng đồng ý 10, còn không thực hiện giải pháp cho phép dùng nguồn tiền từ SCIC để can thiệp.
Còn một chặng khó nữa là giai đoạn tái cấu trúc thị trường. Lúc đó thì vấn đề của việc hoà hợp giữa chính sách tiền tệ và thị trường chứng khoán là rất rõ. Năm 2011 khi có gói kích cầu, cộng với lãi suất giảm, nền kinh tế hưng phấn, thị trường chứng khoán cũng tăng. Đi cùng với đó là các giao dịch ký quỹ ẩn dưới hình thức hợp tác đầu tư nở rộ trong khi UBCKNN lại chưa thể ban hành khung pháp lý cho loại hình này.
Đến khi dấu hiệu lạm phát quay trở lại thì các biện pháp chống lạm phát được triển khai đồng loạt khiến chứng khoán lại lao dốc, nhiều giao dịch ký quỹ đổ bể, các công ty chứng khoán gặp vấn đề lớn… Lúc đó, nhiều anh em rất đau đầu và lại thêm một thời kỳ mà nhiều đêm tôi cũng không ngủ được.
Ông rút ra được điều gì qua những cú sốc của thị trường như vậy?
Tôi nghiệm lại sau những cú sốc của thị trường thì có câu này rất đúng: "Trong cái may có cái rủi và trong cái rủi có cái may". Chính cú sốc của năm 2011 thì mới có đề án tái cấu trúc chứ nếu không thì mình sẽ không quyết liệt làm.
Cũng từ đó, đề án tái cấu trúc ra đời, được phê duyệt và thực thi. Đến bây giờ đề án đạt được những kết quả tốt: không có đổ vỡ, không gây xáo trộn lớn, số lượng công ty chứng khoán giảm, chất lượng tăng lên.
Nhìn chung, tôi thấy qua những đợt khủng hoảng lớn, mình và anh em học được rất nhiều điều và giúp cho việc xây dựng khung pháp lý, xử lý sau này tốt hơn trước.
Ở các quốc gia khác khi xảy ra khủng hoảng với thị trường chứng khoán, họ áp dụng biện pháp tạm ngừng giao dịch nhưng vì sao Việt Nam chưa từng áp dụng?
Trong những giai đoạn thị trường lâm vào khủng hoảng, khi họp chuyên gia thì nhiều người cũng đã đề nghị biện pháp đó, như năm 2007-2008 rồi vụ bầu Kiên.
Thực ra, sau khi trải qua nhiều cú sốc lớn thì chúng tôi không ngại lắm với những biến động bất thường kiểu như vụ bầu Kiên, biển Đông hay Brexit… bởi cuối cùng nó chịu tác động lớn bởi yếu tố tâm lý nhất thời. Nếu như các yếu tố nền tảng vững chắc thì mình sẽ có biện pháp giải quyết ổn thoả.
Trước mỗi sự kiện kiểu như vậy, UBCKNN bây giờ có phản ứng rất nhanh mà đặc biệt là luôn có phân tích kịp thời về tình hình thị trường và đi kèm với đó là các giải pháp đề xuất, với các số liệu dẫn chứng đầy đủ.
Còn về chuyện tạm ngừng như ở thế giới là theo quy định là biến động đến mức này là ngừng 15 phút, hơn nữa là 30 phút… Bản chất tạm ngừng là để cho các thành viên trấn tĩnh lại.
Ở Việt Nam thì không có hệ thống ấy mà mình dùng biên độ (các nước không có biên độ giao dịch) nên chưa áp dụng. Chuyên gia quốc tế cũng yêu cầu áp dụng hệ thống đó nhưng gói thầu xây dựng hệ thống giao dịch mới chưa xong nên chưa làm được.
Một kiểu ngừng khác là đóng cửa thị trường vài ngày thì thời kỳ ban đầu và năm 2007-2008 cũng từng tính đến phương án đó rồi. Tuy nhiên, đặc điểm ở Việt Nam khác với các nước, làm như vậy sẽ có nhiều hệ luỵ nên chúng tôi áp dụng các biện pháp khác (như giảm biên độ) để giữ cho thị trường vẫn vận hành liên tục.
Tuy nhiên, những biện pháp đó cũng gây ra áp lực rất lớn với cá nhân tôi và nhiều anh em vì mọi biện pháp khi đưa ra trong lúc khủng hoảng đều có tính 2 mặt, không thể vẹn toàn. Trong khi đó, không phải ai cũng hiểu được công việc của mình, cái khó của mình.
Việc giảm biên độ giao dịch vào lúc khủng hoảng cũng từng gây tranh cãi rất lớn. Vì sao UBCKNN vẫn kiên quyết thực hiện?
Tôi xuất thân từ Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) nên khi điều chỉnh biên độ thì hay nghĩ về tỷ giá. Mình chỉ nên tăng biên độ tỷ giá khi thị trường ổn định, dự trữ ngoại tệ cao, cung cầu không căng thẳng chứ làm lúc thị trường quá nóng thì không ai chịu nổi. Đó là kinh nghiệm giúp tôi khi điều hành biên độ giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Cũng từ tỷ giá, tôi cũng nghiệm ra rằng mình phải can thiệp khi chưa quá nóng mà các giao dịch ký quỹ trước đây là một ví dụ.
Tuy nhiên, cái khó khi điều hành thị trường chứng khoán ở Việt Nam là các chính sách tác động qua lại lẫn nhau nhưng lại không hoàn toàn trên cùng một nền của thị trường, không phối hợp đồng bộ nên mình phải lựa mới làm được.
Ngành chứng khoán đã trải qua 20 năm phát triển. Sau từng đó năm đồng hành với thị trường, nếu kể đến 3 tâm tư lớn mà chưa làm được, ông sẽ nói đến những điều gì?
Thứ nhất đó là việc phối hợp chính sách đồng bộ khi phát triển thị trường chứng khoán, mà gần nhất là chính sách tiền tệ. Thứ hai là thẩm quyền của UBCKNN trong việc thanh tra, xử phạt vi phạm – điểm yếu nhất hiện nay. Thứ 3, nếu trước đây mà có sự đồng thuận cao về khung pháp lý để giữ cho số lượng công ty chứng khoán chỉ dưới con số 40 thì sẽ tốt hơn cho thị trường.
Trong công việc, ông cảm thấy vui nhất khi nào?
Tôi vui nhất là khi có người chia sẻ với mình, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan đặc biệt là lúc thị trường xấu. Không phải ai cũng hiểu được và thông cảm những khó khăn của người làm chính sách cho thị trường chứng khoán. Một niềm vui lớn khác là khi thị trường phát triển tốt, mọi người cùng vui vẻ, và đều được hưởng lợi từ đó.
Ông có nghĩ là mình quá nhạy cảm và hơi mềm ở một ngành rất khốc liệt như chứng khoán hay không?
Tết năm vừa rồi, tôi xem lại các đời Chủ tịch UBCKNN đến bây giờ thì đều Âm hết (theo tuổi). Tôi nghĩ đối với thị trường điều hành phải mềm dẻo, chứ cứ rắn thì không ổn, nhưng trong mềm có cứng.
Ở đây tôi muốn nói đến việc phải kiên định định hướng của mình nhưng cần tranh thủ được thế mạnh của người khác. Điều hành thị trường chứng khoán thực tế cần tranh thủ sự ủng hộ của bên ngoài, của các cơ quan khác nên phải mềm dẻo chứ không cương được. Người ta phải hiểu, thông cảm thì mới phối hợp, hỗ trợ; chứ cứng thì không giải quyết được.
Những lúc bị stress bởi công việc ông thường làm gì?
Trước đây, khi gặp những cú sốc tôi thường mệt mỏi và đi nằm nhưng lại hay nghĩ chuyện này, chuyện khác. Sau đó, tôi chuyển sang chơi thể thao hoặc đi dạo với bà xã. Khi chơi thể thao, hoạt động trên sân, mình tập trung năng lượng nên tinh thần sẽ thoải mái hơn nhiều.
Còn thích nhất vẫn là đi dạo bờ Hồ (Hồ Gươm, Hà Nội - PV) với bà xã. Trước đây, khi còn trẻ tôi cũng hay đi dạo ở bờ Hồ nhưng sau này đi làm thì thôi. Đến khi trải qua nhiều cú sốc trong công việc tôi mới đi dạo trở lại cùng với bà xã và sau đó đi ăn các món ăn truyền thống. Rất là thích.
Đi mới thấy cảnh bờ Hồ rất đẹp mà đi dạo nhiều nơi ở nước ngoài cũng không thể có được. Bạn nên thử đi dạo bờ Hồ với bà xã đi (cười).
Khi đi dạo bờ Hồ, ông có nói chuyện với vợ về công việc không?
Quan hệ giữa tôi và bà xã rất cởi mở về mọi chuyện nhưng phần lớn thường nói chuyện tình cảm, chuyện gia đình, con cái nhất là những kỷ niệm cũ. Bà xã rất thích nói những chuyện cũ. Lúc đi dạo quanh bờ Hồ, nhớ và nói chuyện như thế tôi thấy mình như trẻ lại.