Chứng khoán
(ĐTCK) Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập và Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT nói rằng, ông yêu thích nhóm ngân hàng, sản xuất và chứng khoán, đồng thời tiết lộ 3 mã ưa thích để đầu tư chắc chắn có lãi trong ít nhất 6 tháng đến 1 năm.
"Có thể đầu tư hợp lý trong bối cảnh này mà không cần bi quan quá"
Xuất hiện tại Talkshow Chọn danh mục số 8 kỳ 2 với chủ đề "Chờ tín hiệu tích cực" do Báo Đầu tư phát sóng vào 8h30 sáng nay (thứ Sáu ngày 16/12), ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập và Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT đã có một số chia sẻ về cơ hội đầu tư trong giai đoạn thị trường đang có nhiều tín hiệu tích cực hiện nay.
Theo ông Tuấn, chỉ khoảng hai tháng trước đây chúng ta thấy nền kinh tế rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản, tương tự như đã từng diễn ra trong giai đoạn 2010 - 2013, khi mọi vấn đề xoay quanh câu chuyện lấy dòng tiền ở đâu khi mọi tài sản đã bị đóng băng.
Thị trường trái phiếu bị mất niềm tin, bất động sản thì mua khó bán, thị trường cổ phiếu có thanh khoản nhất thì lại phải dùng dòng tiền huy động từ cổ phiếu để bù đắp thanh toán, mua lại trái phiếu, trả nợ dài hạn…
"Có thể nói cuộc khủng hoảng thanh khoản này nặng nề hơn cả giai đoạn 2010 - 2013, còn câu chuyện Covid đầu năm 2020 thì diễn ra quá nhanh, nó là một nỗi sợ hãi về tài chính chứ không phải là khủng hoảng thanh khoản", ông Tuấn phân tích.
Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, mới đây, thị trường đã có sự thay đổi sau những cú “quay xe” về chính sách, ví dụ như tăng cung tiền (Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng 1,5 - 2% từ nay đến cuối năm), Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 65 để giảm các điều kiện cho vay của thị trường trái phiếu...
"Điều đó cho thấy các cơ quan quản lý thị trường về tài chính nhận ra rằng, cần có sự "hà hơi" tiếp sức cho thị trường tài chính đi qua cuộc khủng hoảng thanh khoản này. Nhìn xa hơn, các chỉ số vĩ mô đang đi xuống sau quý III/2022 có thể cũng là một nguyên nhân khiến nhà quản lý tăng cường hỗ trợ về chính sách để tạo ra nền tảng tâm lý ổn định hơn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp giúp họ thích nghi với bối cảnh này. Tôi đánh giá đây là động thái phù hợp ở hiện tại và sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực hơn, dễ thở hơn về mặt thanh khoản cho thị trường", ông Tuấn nói.
Cú "quay xe" chính sách này cộng với lực đỡ từ khối ngoại (khối này mua ròng hơn 1 tỷ USD chỉ trong vòng 45 ngày) và định giá rẻ của thị trường (hiện P/E khoảng 11 lần, P/B khoảng 1,5 - 2 lần) đã khiến bối cảnh hiện tại trở nên hấp dẫn để có thể đầu tư hợp lý mà không cần bi quan quá, theo ông Tuấn.
"Trong 22 năm tồn tại của thị trường thì đây mới là lần thứ ba có mức định giá rẻ như vậy. Trên một nền tảng vĩ mô hiện tại, tôi thấy rằng đây là vùng khó lặp lại trong 10 năm tiếp theo", chuyên gia tư vấn đầu tư của FIDT nói.
Ngân hàng, thép và chứng khoán được gọi tên
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, nền tảng hiện tại của thị trường là vĩ mô, tâm lý, dòng tiền đã ổn định trở lại. Quanh vùng 1.000 điểm này có thể khẳng định thị trường đang tạo đáy.
Đặc biệt, tín hiệu tốt về dòng tiền là mua ròng của khối ngoại thông qua các quỹ ETF và quỹ đầu tư thông qua các ngân hàng giải ngân vào thị trường Việt Nam hơn 1 tỷ USD, theo thống kê, đây là đợt mua ròng lớn nhất 10 năm qua của thị trường.
Giải thích điều này, vị chuyên gia cho rằng, giai đoạn hiện nay, động thái của FED không còn khó đoán nữa, vĩ mô thuận lợi, cộng với một số yếu tố hỗ trợ dòng vốn quay trở lại các thị trường cận biên và mới nổi như chỉ số Dolar index ổn định hơn..., các quỹ đầu tư có thể đạt mức lãi suất kỳ vọng khoảng 5%. Họ nhìn thấy nhiều cổ phiếu đã giảm sâu và tin rằng câu chuyện thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được giải quyết nên đã mạnh tay giải ngân.
"Các quỹ ETF khu vực Đài Loan, Thái Lan rất quan tâm thị trường Việt Nam, họ nói rằng, Việt Nam đang tái lập thị trường nước họ 10 - 20 năm trước. Những dòng vốn ở đây mang tính trung và dài hạn nên tôi kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ gia tăng trong thời gian tới. Đó là thông tin tích cực của thị trường mà tôi muốn chia sẻ với nhà đầu tư", ông Tuấn nhấn mạnh.
Khi được hỏi về các nhóm ngành được quan tâm trong thời gian tới, ông Huỳnh Minh Tuấn nói rằng, khi khủng hoảng thanh khoản được giải quyết thì năm sau bình ổn và nhóm ngân hàng sẽ có lợi thế vì đây là nhóm ngành đầu chuỗi của các hoạt động thu nhập và đầu tư. "Ngành Ngân hàng được tôi đưa vào watchlist ưu tiên", ông nói.
Tuy nhiên không phải ngân hàng nào cũng có lợi thế. Ông Tuấn chọn STB vì là ngân hàng nằm trong nhóm tái cơ cấu từ năm 2014 nên không dính nợ xấu, không dính trái phiếu, hệ thống core banking rất tốt. Năm 2023, STB có thể về sớm 1 năm và sau tái cơ cấu nó sẽ có quy mô bằng ACB và MBB.
Nhóm thứ hai ông Tuấn thích là nhóm sản xuất như vật liệu xây dựng với luận điểm đầu tư là dù tắc đầu tư công thì câu chuyện tắc nghẽn hạ tầng vẫn phải giải quyết. Ở nhóm này, ông chọn HPG vì có lợi thế cạnh tranh, quy mô thị phần xứng đáng để đầu tư, gần đây khối ngoại mua ròng nhiều.
Nhóm thứ ba là nhóm chứng khoán, nhóm hưởng lợi trên nền tảng giao dịch thị trường tích cực trở lại. Trong nhóm này, ông Tuấn chọn SSI vì vẫn có độ hoạt động ổn định trên thị trường và không vướng trái phiếu mà các công ty chứng khoán khác mắc phải.
"Đây là những cổ phiếu cứ mua là lãi nếu đầu tư dài hạn ít nhất 6 tháng đến một năm, đặc biệt HPG có thể không lãi nhiều nhưng chắc chắn có lãi vào năm sau", vị chuyên gia đầu tư khẳng định.
Còn đối với lĩnh vực bất động sản hiện nay nhiều nhà đầu tư còn kẹp hàng, ông Tuấn cho rằng, hiện nhóm này chỉ còn 2-3 mã đạt được tiêu chí của ông vì hầu hết đã hồi lại 20-50% sau giai đoạn giảm sâu, đã qua điểm mua hợp lý và câu chuyện của nhóm này không còn nhiều ý nghĩa.
Theo Đầu tư Chứng khoán
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.