Tài chính
Trước bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn, chứng khoán giảm sâu, kiến nghị tới Bộ Tài chính, các doanh nghiệp mong có nguồn tiền để duy trì thanh khoản.
Ngày 23/11, tại cuộc họp khẩn về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, 32 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, 7 công ty chứng khoán đã gửi nhiều kiến nghị tới Bộ trưởng Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 2 Sở Giao dịch Chứng khoán về gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Vũ Long - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán VNDirect - cho biết, nút thắt lớn nhất của thị trường trái phiếu nằm ở thanh khoản của doanh nghiệp. Hiện nay, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều “tắc”. Thanh khoản bù đắp kịp thời nhất hiện nay đến từ tín dụng ngân hàng nhưng lại không thể cho vay mới bởi hết room.
Theo bà Trần Thị Thu Trang - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, doanh nghiệp đang ách tắc huy động vốn trên thị trường. Áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhưng doanh nghiệp chưa tìm được nguồn vốn để bù đắp. Bà Trang mong muốn, làm sao có thể tăng thêm khả năng huy động vốn của doanh nghiệp trên thị trường, tập trung vào thị trường phát hành ra công chúng.
Nói về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM - cho rằng, doanh nghiệp phải bán rẻ tài sản, hạ giá sản phẩm để thu hồi dòng tiền để thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư trái phiếu. Từ đó, niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu mới được vực dậy và thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới có thể tiếp tục phát triển.
Ông Bình kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần giải quyết nhanh hồ sơ pháp lý cho dự án. Nhất là dự án bất động sản có thể đưa sản phẩm ra thị trường để DN thu hồi vốn trả nợ trái phiếu đúng hạn.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, không ai hiểu về thị trường và các khó khăn vướng mắc hơn chính các doanh nghiệp. Bộ trưởng Tài chính nhận định, thị trường chứng khoán vừa trải qua một thời kỳ sụt giảm mạnh, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin của nhà đầu tư đối với trái phiếu, cổ phiếu xuống thấp.
“Chúng ta đã dành nhiều công sức để tạo dựng nên một thị trường vốn nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, năm 2022, sự việc của Tân Hoàng Minh, FLC hay Công ty An Đông và ngân hàng SCB đến nay khiến thị trường liên tục chao đảo”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Với trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, trái phiếu là công cụ của thị trường vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tính đến 30/9 toàn thị trường có 1,26 triệu tỷ đồng, tức gần 10% so với dư nợ vay ngân hàng thương mại. Thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong vấn đề phát hành bị xử lý hình sự, gây ra tâm lý hoang mang, dẫn đến nhà đầu tư đua nhau đi rút tiền, doanh nghiệp đi vay gặp khó khăn.
Trước kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ tổng hợp và có cuộc làm việc với bộ, ngành liên quan nhằm báo cáo Chính phủ.
Theo Vietstock
1 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.