Trang chủ
Video
Chế ảnh

Chứng khoán

Bò và Gấu

Tài khoản này đã được xác thực qua Entrade X. Tìm hiểu thêm.
ic_purple_tick

3 năm trước

Thành viên HĐQT VinaCapital: Nên cấm lãnh đạo doanh nghiệp bình luận về cổ phiếu

Muốn thị trường chứng khoán phát triển minh bạch, cần tách biệt hoạt động phân tích – nghiên cứu với hoạt động tư vấn – tự doanh của các công ty chứng khoán, hoặc phải cấm lãnh đạo doanh nghiệp tiết lộ về xu hướng "bơm thổi" giá cổ phiếu.

Thành viên HĐQT VinaCapital: Nên cấm lãnh đạo doanh nghiệp bình luận về cổ phiếu
Chế ảnh này

Dưới góc độ quỹ đầu tư, bà Nguyễn Hoài Thu - Thành viên HĐQT, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán Đại chúng và Trái phiếu – Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital đã đưa ra nhiều góp ý như sau:


Bà Thu cho rằng, để thị trường chứng khoán trong nước thời gian tới phát triển lành mạnh, thì cần có cơ chế kiểm soát và giám sát đối với các thành viên thị trường cũng như với các giao dịch niêm yết. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch Chứng khoán cần có cơ chế theo dõi để phát hiện các biến động giá cổ phiếu bất thường và yêu cầu doanh nghiệp giải trình.


Trong trường hợp nghiêm trọng như một mã chứng khoán nào đó có chuỗi phiên tăng trần liên tục trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không có gì đột biến, thì UBCKNN, các Sở giao dịch chứng khoán có thể cho ngừng giao dịch chứng khoán của doanh nghiệp đó trong một khoảng thời gian nhất định để điều tra.


Bởi việc một cổ phiếu tăng trần liên tục trong khi doanh nghiệp không có hoạt động kinh doanh nào tăng trưởng đột biến thì chỉ có 2 lý do thôi. Thứ nhất, đã có giao dịch nội gián, tức là có thông tin gì đó được tiết lộ cho một nhóm nhỏ các nhà đầu tư trên thị trường. Thứ hai, có hoạt động bơm thổi giá cổ phiếu để cho một vài nhóm nhỏ nhà đầu tư trục lợi.


Do đó, các cơ quan chức năng phải nghiêm túc nhìn nhận lại và có cơ chế kiểm soát đặc biệt đối với trường hợp cổ phiếu biến động giá bất thường này.


Ngoài ra, cần phải có quy định rõ hơn về thông tin nội gián và thông tin trọng yếu cùng với việc ra cơ chế để chia sẻ thông tin từ phía doanh nghiệp sao cho công bằng và bình đẳng với tất cả các nhà đầu tư.


"Ở nước ngoài, nếu giao dịch nội gián không được phép chia sẻ cho người này trước người khác mà chỉ được phép công bố một lần ra công chúng, thậm chí giao dịch nội gián có sẽ bị xử lý hình sự" - bà Thu nhận định.


Tuy nhiên, ở nước ta vẫn chưa có cơ chế quản lý và xử lý chặt chẽ đối với các thông tin nội gián, dẫn đến có một số doanh nghiệp niêm yết vì quan hệ thân thiết nên chỉ chia sẻ cho các nhóm đối tượng trước khi công bố công khai. Đương nhiên, cách công bố như vậy không công bằng cho tất cả các nhà đầu tư và dẫn đến những biến động giá tăng giảm bất thường.


Theo bà Thu, để minh bạch hoá thị trường như nước ngoài, các cơ quan chức năng của Việt Nam, cần phải xem xét đến việc không cho phép những người trong thành viên HĐQT của doanh nghiệp đưa ra bình luận về giá cổ phiếu cũng như xu hướng giá cổ phiếu của họ đang rẻ, sắp tăng giá... Bởi nói như vậy là có tính định hướng hoặc hàm ý chia sẻ những thông tin trọng yếu nào đó.


Đáng chú ý, chúng ta cần tách biệt hoàn toàn hoạt động phân tích – nghiên cứu ra khỏi nhóm tư vấn – tự doanh của các công ty chứng khoán. Nói cách khác, những người làm trong khối tư vấn – tự doanh không được phép gây ảnh hưởng cho bộ phận phân tích và ngược lại.


Song song với việc làm cho trong sạch, minh bạch hơn trên thị trường chứng khoán thì cũng cần phải làm tương tự đối với thị trường trái phiếu. Bởi thị trường trái phiếu cũng là kênh đầu tư quan trọng đối với các nhà đầu tư. Qua đó, để chứng khoán và trái phiếu là những kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế Việt Nam" - bà Thu nhấn mạnh.


Theo Yến Chi - Vietstock, Thùy Linh - Pháp Luật

Tâm sự Chứng khoán
reaction

6 lượt thích

0 bình luận

© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.