Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An, được thành lập vào ngày 8/5/2009 tại Hà Nội bởi 5 thành viên sáng lập là: Công ty cổ phần Hàng hải Hà Nội, Công ty cổ phần Cung ứng và Dịch vụ kỹ thuật Hàng hải, Công ty cổ phần Hải Minh, Công ty cổ phần Đóng tàu Hải An, Công ty cổ phần Đầu tư và Vận tải Hải Hà với số vốn điều lệ 150 tỷ đồng.
Ngày 11/03/2015, Công ty đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh với mã cổ phiếu là HAH.
Hải An là một trong số ít công ty có chuỗi giá trị hoàn chỉnh trong ngành vận tải biển. Hải An cung cấp dịch vụ đầy đủ mảng vận tải biển bao gồm các dịch vụ vận tải hàng hóa (cho các tuyến Bắc Nam và các tuyến hàng hải quốc tế), đại lý hàng hải (hợp tác với các hãng tàu quốc tế trong việc cung cấp dịch vụ vận tải), dịch vụ cảng biển thông qua cảng Hải An (cung cấp dịch vụ cảng như đón tàu, bốc dỡ hàng hóa), dịch vụ kho bãi (phục vụ việc đóng, rút, lưu kho hàng) và dịch vụ logistic (vận tải đa phương thức hàng nội địa). Chuỗi giá trị hoàn chỉnh giúp Hải An hoạt động hiệu quả, góp phần tối ưu hóa chi phí.
HAH hiện đang sở hữu 13 tàu với tổng sức chở 19.780 TEU, gồm có tàu mới nhất là HAIAN BETA vừa được nhận vào cuối tháng 4. Theo kế hoạch bàn giao tàu, HAH sẽ nhận tiếp 2 tàu mới có số hiệu HCY-267 (HAIAN SKY) và HCY-268 lần lượt vào cuối tháng 5 và cuối năm 2024. Đây là 2 tàu cuối cùng được giao trong tổng số 4 tàu với sức chở 1.800 TEU/chiếc được đặt đóng mới từ năm 2021 với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng. Với nỗ lực không ngừng, đội tàu của Công ty hiện nằm trong top 100 đội tàu lớn nhất thế giới, đồng thời là một trong những hãng vận chuyển container nội địa và nội Á uy tín, đảm bảo lịch trình hàng tuần theo đúng cam kết với khách hàng.
Hiện tổng năng lực vận tải của Xếp dỡ Hải An hiện chiếm gần 40% tổng sức chở của ngành vận tải container Việt Nam. Đáng chú ý, đội tàu của Xếp dỡ Hải An hiện chỉ có độ tuổi trung bình 16,3 năm - thấp nhất toàn ngành vận tải container Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty đang sở hữu chuỗi giá trị vận tải biển khép kín gồm vận tải, cảng biển, kho bãi và các dịch vụ đi kèm.
* YẾU TỐ TÁC ĐỘNG NGÀNH VẬN TẢI
Theo dự báo của các chuyên gia, ngành cảng biển năm 2024 sẽ phục hồi mạnh, do sản lượng và nhu cầu xuất nhập khẩu cải thiện, trong khi nguồn cung sẽ duy trì ổn định đến năm 2025. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo tăng trưởng 10% và tăng trưởng sản lượng hàng hóa (xét về sản lượng container TEU) của toàn ngành cũng tăng 10% so với năm 2023, riêng đối với các cảng nước sâu thì ước tính mức tăng trưởng đạt khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023 nhờ hoạt động với thị trường Mỹ, châu Âu tăng lên.
Ngoài ra, quy định mới về khung giá cước tại Thông tư 39/2023/TT-BGTVT đã có hiệu lực từ ngày 15/2/2024, giá sàn và giá trần xếp dỡ cảng biển được điều chỉnh tăng 10%, tạo cơ hội cho các cảng biển tăng giá. Hiện tại, giá cước ở Việt Nam đang ở mức thấp so với khu vực, chỉ bằng khoảng 30 - 50% so với Singapore và thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Indonesia.
Thêm một yếu tố nữa là giá cước tàu biển đã tăng 43,26% kể từ đầu năm đến nay và đang có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này có tác động tích cực tới cổ phiếu ngành vận tải biển.