Trang chủ
Video
Chế ảnh

Lớp học chứng khoán

NguyenNghia

5 tháng trước

Trường Phái Nguyên Lý Chu Kì Thiên Kiến: 3 Phát Biểu Nền Tảng

Mọi sự vận hành đều lấy nền tảng ngoại cảnh và nội sinh làm gốc. Nội sinh là các yếu tố "khan hiếm có nhiều cách tồn tại thay thế" mang nguồn gốc Vi Mô. Ngoại cảnh là môi trường sinh sôi, trực tiếp bổ trợ hoặc làm tổn thất các yếu tố vi mô đó.

Trường Phái Nguyên Lý Chu Kì Thiên Kiến: 3 Phát Biểu Nền Tảng
Chế ảnh này

Lời Mở Đầu: Chào các bạn, tôi là một nhà quản trị danh mục đầu tư. Ai ở đây tham gia thị trường tài chính dù dở hay giỏi có lẽ cũng đều học các phương cách giao dịch nguồn gốc ngoại quốc, lý do là vì hiện không có một phương pháp hay công cụ nào của người Việt phát minh mà đủ uy tín để ứng dụng lâu dài và rộng rãi. Nhưng nếu bạn đang đọc những dòng này có lẽ bạn sẽ là một trong những người Việt đầu tiên học một phương pháp hoàn toàn có nguồn gốc nội địa.

Giới thiệu với các bạn Trường Phái Nghiên Cứu Hành Vi Tài Chính: Nguyên Lý Chu Kì Thiên Kiến do tôi độc lập nghiên cứu và phát triển, độc lập ở đây là chỉ việc không dựa trên nền tảng của các trường phái đã có như Phân Tích Cơ Bản hay Phân Tích Kỹ Thuật. Hiện những tri thức mới nhất của Trường Phái này được xem là bí quyết đầu tư, chỉ có thể chia sẻ một phần trong bộ phận kiến thức nền tảng cơ bản.


PHÁT BIỂU 1: Thị Trường Có Thiên Kiến

Mọi sự vận hành đều lấy nền tảng ngoại cảnh và nội sinh làm gốc.

Nội sinh là các yếu tố "khan hiếm có nhiều cách tồn tại thay thế" mang nguồn gốc Vi Mô.

Ngoại cảnh là môi trường sinh sôi, trực tiếp bổ trợ hoặc làm tổn thất các yếu tố vi mô đó.

Ở môi trường hoạt động mua bán Tài sản vốn hay còn gọi là đầu tư tài chính, thì sự tác động qua lại của Ngoại Cảnh(gồm chính sách Kỹ Trị Quốc Gia, mô hình hoạt động dân sự nội tại, mô hình đóng/mở của nền kinh tế, các điều kiện tự nhiên,...) tạo ra các xu hướng hành động khác nhau dựa trên các mực độ thông tin Vi Mô tích cực/tiêu cực như nhau, điều này bao hàm quán tính bên trong nó nên gọi là Thiên Kiến Hành Vi.

Nghĩa là cùng một thông tin Cơ Bản hoặc Kỹ Thuật như nhau lại có thể kích hoạt những chuỗi hành vi khác nhau tại những thời điểm khác nhau.

Điều này lý giải một câu hỏi lớn làm đau đầu bất cứ ai đã từng tham gia thị trường: Tại Sao Tất Cả Các Phương Pháp Phân Tích Kỹ Thuật Và Cơ Bản Lại Đều Chỉ Có Thể Đúng Vào Lúc Này Đồng Thời Sai Vào Lúc Khác Khi Mọi Dấu Hiệu Ở Trạng Thái Tương Đương?

Bạn có bao giờ sử dụng tín hiệu từ RSI kết hợp MACD và nhận thấy đôi khi đúng cái dấu hiệu mà tháng trước đã giúp bạn kiếm được tiền, tháng này lại làm bạn cắt lỗ hơn 20%?

Hay một ví dụ về Phân tích cơ bản, ngày 22 tháng 8 năm nay DIG cho tín hiệu bán, xin phép trích nguyên văn phân tích được công bố bởi đội ngũ chuyên nghiệp của TCInvest như sau:

"DIG (Chờ Bán)Kết quả Q2/2023, doanh thu đạt 161 tỷ đồng (giảm 55%YoY), lợi nhuận sau thuế ghi nhận 10 tỷ đồng (giảm 89% YoY) chủ yếu đến từ thu nhập từ phạt vi phạm hợp đồng, trong khi lợi nhuận hoạt động âm 5 tỷ đ. Việc các dự án chính đang chậm triển khai kèm theo khả năng huy động vốn bị ảnh hưởng bởi thị trường trái phiếu nói chung đang làm giảm triển vọng thực hiện kế hoạch kinh doanh tham vọng LNTT 2023 đạt 1.400 tỷ đ của DIG. Định giá P/B 2.xx không hấp dẫn so với trung bình ngành. Lưu ý: 15 triệu ESOP dự kiến sẽ được tự do chuyển nhượng kể từ ngày 31/8, có thể ảnh hưởng đến diễn biến giá cổ phiếu."

Khi thông cáo này được đưa ra vào ngày 22/8 thì giá DIG đang ở mức biên độ 24k-25k, thời gian này cũng đồng thời là lúc tôi khuyến nghị giữ DIG cho đến ngày 6/9 tôi mới cảnh báo rủi ro điều chỉnh, đến ngày 6 thì DIG đã lên đến vùng 29k-30k, tăng tầm hơn 20% sau khi tin xấu về hoạt động kinh doanh được lan truyền rộng rãi. Trong khi cùng là một thông tin tương đương, cũng được đưa ra bởi đội ngũ TC về DIG ngày 16/8/2022:

DIG

Chờ bán

"Công ty chia sẻ khả năng thực hiện kế hoạch lợi nhuận 2021 (LNTT 1,444 tỷ đồng) có thể bị ảnh hưởng bởi tiến độ xử lý hồ sơ pháp lý cho giao dịch bán buôn cấu phần 31 ha của dự án Đại Phước; trong kịch bản thận trọng có thể hoàn thành 80% kế hoạch với việc bàn giao các dự án CSJ, Vũng Tàu Gateway, Hiệp Phước... Triển vọng trung dài hạn khả quan với quỹ đất lớn ~1,000 ha, các dự án trọng điểm như Long Tân, Bắc Vũng Tàu, Nam Vĩnh Yên sẽ đem lại nguồn thu lớn trong giai đoạn 2022-2024... Tuy nhiên, cổ phiếu vừa trải qua một giai đoạn tăng nóng (+30% từ vùng giá 25,000/cp khuyến nghị MUA đầu tháng 06/2021), nhà đầu tư cân nhắc hạ tỷ trọng hoặc chốt lời." lại chính xác khi sau đưa tin, giá giảm từ 42 xuống dưới 27.

Từ ví dụ này có thể nhận ra hai câu hỏi lớn. Một là tại sao cùng thông tin không tốt về triển vọng kinh doanh nhưng lúc 16/8/2022 cho kết quả khuyến bán và sau đó giá giảm mà 22/8/2023 lại dẫn đến giá tăng mạnh sau thông tin tương đương được đưa ra? Và tại sao cùng nhận lượng thông tin cơ bản tương đương nhưng tôi vẫn khuyến nghị giữ, tôi xác định điều đó thông qua dữ kiện gì?

Câu trả lời cho cả ba câu hỏi phía trên là: vì Thị Trường Có Thiên Kiến. Thiên Kiến là quán tính hành vi được hình thành dựa trên nền tảng Ngoại Sinh Vĩ Mô, bản chất Thiên Kiến không hẳn chỉ là một thông tin, mà nó bao hàm cách lý giải thông tin, nghiên cứu Thiên Kiến đôi khi chỉ tập trung 20% tâm sức nghiên cứu thông tin, 80% tâm sức còn lại là nghiên cứu xu hướng ra quyết định, cách mà thị trường chung lý giải thông tin đó và cách mà các nhà hoạch định chính sách hành động trước các bất trắc.

-Cả PTKT và PTCB đều quá tập trung vào việc theo dõi các thông tin Nội Sinh mà không tính đến yếu tố Ngoại Sinh, hay chính là môi trường sinh sôi của các yếu tố Nội Sinh kia, chính vì vậy khái niệm về cách lý giải thông tin thay vì bản chất nội sinh của thông tin là điều mà các chuyên gia PTCB hay PTKT thường thiếu. Một phần của yếu tố Ngoại Sinh chính là Vĩ Mô kinh tế, thể hiện qua bốn thông số:

  1. Tổng sản lượng tự nhiên.
  2. Mức giá chung.
  3. Tỷ lệ Việc làm/Thất nghiệp.
  4. Cán Cân Thương Mại.

Các yếu tố này dẫn đến Thiên Kiến Hành Vi của Thị Trường, hình thành Định Kiến và Quán Tính, từ đó tác động đến xu hướng lý giải sự kiện khiến một sự việc có cùng mức độ trạng thái nội tại lại được phủ lên hai cách diễn giải khác nhau hoàn toàn ở hai thời điểm.

Phân tích kinh tế Vi Mô qua Ptkt và Ptcb quá tập trung vào thông tin nội tại mà không để ý đến cách lý giải, Phân tích Vĩ Mô kinh tế cũng chỉ quan tâm chuyển động Cung Cầu của toàn kinh tế chứ không nghiên cứu nhiều về cách lý giải thông tin Vi Mô nên các mô hình kinh tế Vĩ Mô hiện tại chỉ có thể dự tính tương lai tầm 5 năm trở lên chứ không thể đưa ra kết quả ngắn hạn theo tháng mà có độ chính xác cao là vì vậy.

Có thể thấy, Trường Phái Phân Tích Thiên Kiến không hẳn là kinh tế Vi Mô mà cũng không hẳn là kinh tế Vĩ Mô, mà chính là thu thập dữ kiện Vĩ Mô để xác định cách lý giải các thông tin Vi Mô trên thị trường để xác định chuyển động cung cầu ngắn hạn. Vì một thông tin xấu đưa ra chưa chắc đã khiến thị trường chung chọn bán, thị trường bán hay mua hoàn toàn phụ thuộc vào cách thị trường chung lý giải thông tin đó thay vì bản chất của nó.


PHÁT BIỂU 2: Thiên Kiến Có Chu Kì

Hơn hai ngàn năm trước, có một người đàn ông bước đến trước Đức Phật và xin lỗi ngài, Đức Phật chỉ nói rằng hãy quên điều đó vì mỗi chúng ta là một dòng sông luôn thay đổi, người hôm qua làm sai là một người khác con người hôm nay.

Khoa học hiện đại cũng đã chứng minh phần lớn tế bào trong cơ thể chúng ta sẽ được thay thế sau 5 năm, và toàn bộ tế bào cơ thể được thay mới sau mỗi 10 năm. Có lẽ việc luôn thay đổi như một dòng chảy đã khiến cho suy nghĩ trong nội tâm mỗi người cũng thường thay đổi. Nội tâm thay đổi nên Định Kiến và xu hướng hành động cũng thay đổi, tổng kết quá trình thay đổi từ một xu hướng Thiên Kiến này qua một xu hướng Thiên Kiến khác gọi là Chu Kì Thiên Kiến.

Vì thị trường tài chính chỉ có hai hành động cụ thể là mua/bán nên Trường Phái Nguyên Lý Chu Kì Thiên Kiến cũng chia dòng sông Thiên Kiến ra thành hai chu kì: Mỗi chu kì được biểu diễn bằng mô hình Ảnh Hưởng Của Cung Cầu Lên Sản Lượng Và Mức Giá như sau:


+Chu Kì Đệ Nhất: Thiên Kiến Mua:




Chu kì thiên kiến mua được bắt đầu bằng hai con đường, một là con đường cú sốc cung bất lợi(giảm cung đột ngột dẫn tới suy thoái kèm lạm phát), hai là con đường cú sốc cầu có lợi(tăng tổng cầu do kinh tế và sản lượng tự nhiên tăng trưởng).

Trường hợp kinh tế tăng trưởng, thị trường vào thiên kiến mua là tương đối dễ hiểu rồi nên trong phần này sẽ phân tích trường hợp thị trường tăng trong môi trường kinh tế suy thoái, quá trình nghiên cứu trường hợp này đồng thời cũng sẽ giúp người đọc tự suy luận ra trường hợp Thiên Kiến Mua trong môi trường tăng trưởng.

Các cú sốc Cung bất lợi điển hình là: chiến tranh hoặc thời tiết xấu làm giảm khả năng sản xuất lương thực; Tổ chức các nước xuẩt khẩu dầu mỏ(OPEC) hạn chế sản lượng sản xuất làm tăng giá dầu trên thế giới;...

Điều này làm tăng chi phí sản xuất. Ở mỗi mức giá cho trước, các doanh nghiệp muốn bán ít hàng hoá và dịch vụ hơn. Như trong mô hình trên cho thấy, đường tổng cung ngắn hạn dịch chuyển sang trái từ AS1 đến AS2. Trong ngắn hạn, nền kinh tế di chuyển dọc theo đường tổng cầu từ điểm A đến điểm B. Sản lượng của nền kinh tế giảm từ Y1 xuống Y2 trong khi mức giá tăng từ P1 lên P2. Do nền kinh tế vừa rơi vào suy thoái(sản lượng giảm), vừa trải qua lạm phát(mức giá tăng) nên hiện tượng này được gọi là suy thoái kèm lạm phát.

Một trong những khả năng là các nhà hoạch định chính sách có thể muốn triệt tiêu tác động của sự dịch chuyển đường tổng cung ngắn hạn đến sản lượng bằng cách tăng tồng cầu. Trong trường hợp này, thay đổi trong chính sách làm đường tổng cầu dịch chuyển từ AD1 đến AD2 vừa đủ để duy trì mức sản lượng ban đầu. Nền kinh tế chuyển đến điểm C. Sản lượng trả về mức tiềm năng và mức giá tiếp tục tăng lên P3. Quá trình từ A đến B rồi đến C chính là Thiên Kiến Mua.


+Chu Kì Đệ Nhị: Thiên Kiến Bán:



Chu kì thiên kiến bán thì chỉ có một con đường là do Cú Sốc Cầu Bất Lợi.

Giả sử nền kinh tế ban đầu ở trạng thái cân bằng tại mức sản lượng tiềm năng. Nếu các nhà đầu tư và các hộ gia đình bi quan về triển vọng phát triển của nền kinh tế và chi tiêu ít hơn, thì điều này sẽ làm giảm tổng cầu. Trên đồ thị, đường tổng cầu dịch chuyển sang trái từ AD1 đến AD2. Trong ngắn hạn, nền kinh tế di chuyển dọc từ A đến B theo đường tổng cung ngắn hạn ban đầu AS1. Khi nền kinh tế chuyển từ A đến B, sản lượng giảm từ Y1 xuống Y2 và mức giá giảm từ P1 xuống P2. Sự suy giảm sản lượng cho thấy nền kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái. Các doanh nghiệp phản ứng lại sự giảm sút doanh số bán ra và sản xuất bằng cách cắt giảm việc làm. Các nhà hoạch định chính sách nên làm gì khi đối mặt với một cuộc suy thoái như vậy? Một khả năng là họ sẽ thực hiện các biện pháp để kích thích tổng cầu, làm cho đường tổng cầu dịch chuyển sang phải. Nếu các nhà hoạch định chính sách hành động kịp thời và chính xác, họ có thể triệt tiêu sự dịch chuyển ban đầu của đường tổng cầu, đẩy nó trở về AD1 và đưa nền kinh tế về điểm A. Về lý thuyết, ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách không can thiệp gì cả thì cuộc suy thoái cũng sẽ tự hồi phục sau một khoảng thời gian. Do tổng cầu giảm, mức giá giảm xuống khiến giá kỳ vọng bắt kịp giá thực tế và mức giá dự kiến cũng giảm. Do sự giảm sút của mức giá dự kiến làm thay đổi nhận thức về tiền lương và giá cả, nên nó làm cho đường tổng cung ngắn hạn dịch sang phải, từ AS1 sang AS2 như trong biểu đồ trên. Theo thời gian, quá trình hiệu chỉnh của kỳ vọng cho phép nền kinh tế tiến dần đến điểm C, điểm mà đường tổng cầu mới(AD2) cắt đường tổng cung dài hạn. Tại điểm cân bằng dài hạn C, sản lượng trụ tại mức tự nhiên. Mặc dù làn sóng bi quan làm giảm tổng cầu, nhưng sự giảm sút của mức giá đến P3 đã đủ để bù đắp sự thay đổi của tổng cầu. Như vậy trong dài hạn, sự dịch chuyển cùa đường tổng cầu được phản ánh hoàn toàn trong mức giá mà không có một ảnh hưởng nào tới sản lượng. Nói cách khác, ảnh hưởng dài hạn của sự dịch chuyển đường tổng cầu là làm thay đổi các biến danh nghĩa(mức giá thấp hơn) chứ không phải làm thay đổi các biến thực tế (sản lượng không đổi). Quá trình từ A đến B rồi đến C chính là Thiên Kiến Bán.


PHÁT BIỂU 3: Chu Kì Có Nguyên Lý

"History is just this froth of artifact production that has appeared in the last ten to fifteen thousand years. It spread across the planet very quickly. But that mind in man just goes back and back into the darkness."

-Terence McKenna-

 

Phần Nguyên Lý của trường phái nghiên cứu Thiên Kiến gồm hai bộ phận: Nguyên Lý Thực Chứng và Nguyên Lý Chuẩn Tắc. Phần Thực Chứng đưa ra các lý giải khái niệm và mô tả đặc điểm vận động của Thiên Kiến trong khi phần Chuẩn Tắc đề cập đến các công thức và mô hình toán nhằm dự phóng chuyển động giá trên các khái niệm Thực Chứng, một trong các tri thức của phần Chuẩn Tắc chính là công Cụ N6(chức năng dự phóng điểm đảo chiều, đỉnh/đáy) mà trước đây tôi đã chia sẻ với quý bạn đọc, ngoài N6 thì còn một số công cụ điển hình như Mô Hình N9: dự phóng hướng đi tương lai và thay đổi vốn hoá 0.5-4 tháng; N971A: dự phóng hướng đi tương lai và thay đổi vốn hoá 5-9 tháng; N29: dự phóng hướng đi tương lai và thay đổi vốn hoá 11-36 tháng; Đường Hành Vi Đôi, Đường Hành Vi Đơn: dự phóng thay đổi % khối lượng trung bình trong 7-20 tháng,...
Nguyên Lý của Chu Kì Thiên Kiến là ở quy luật Cung Cầu trên thị trường hàng hoá và tiền tệ có tính phản hồi với cách xử lý thông tin của con người trong các thời kì đó.
Khi một cú sốc Cung diễn ra sẽ hình thành Thiên Kiến khiến các thông tin không còn khả năng truyền đạt tốt nữa vì người tiếp nhận đã có xu hướng phủ nhiều lớp định kiến lên nó. Nhưng nếu nắm được quy luật thay đổi Thiên Kiến thì sẽ có thể dự phóng được cách lý giải thông tin và xác định được hướng đi tương lai của giá cả, xác định được thông tin nào sẽ được củng cố và thông tin nào sẽ bị phủ định.
Về bản chất, một thông tin trở nên vô hiệu khi nó đi ngược lại nền tảng Ngoại Sinh, giả sử khi thị trường gặp một cú sốc cung bất lợi và đang vào pha Suy Thoái kèm Lạm Phát, thông tin tiêu cực về tình hình kinh doanh sẽ rợp trời, các chỉ báo Cơ Bản lẫn Kỹ Thuật đều sẽ có lúc đưa ra tín hiệu bán trong lúc đó. Những người không hiểu và không nghiên cứu Thiên Kiến Ngoại Sinh sẽ nghĩ đó là lúc bán ra, nhưng thực tế cuộc suy thoái đó là do thiếu Cung nên nó đồng thời khiến sản lượng giảm với hiện tượng giá cả leo thang, các doanh nghiệp cổ phần vốn đại diện cho tư bản của toàn dân nên giá cả của chúng cũng leo thang theo giá hàng hoá, từ đó khiến tin xấu ra nhiều nhưng đồng thời giá cổ phiếu vẫn tăng phi mã, kể cả khi các công thức "uy tín" từ Lý Thuyết Dow hay Sóng Elliott,... có khuyến bán cũng sẽ vô hiệu, doanh nghiệp nào càng giữ nhiều tư bản thì định giá của nó sẽ càng cao lên trong thời kì đó.
Việc xác định trạng thái thị trường trên 3 năm tới bằng các thông tin Vĩ Mô về sản lượng và giá cả không quá khó, nhưng nếu chỉ dựa vào các mô hình Vĩ Mô hiện có sẽ không thể lý giải được các chu kì kinh doanh dưới 2 năm, thậm chí là dưới 6 tháng. Nhưng nhờ các Nguyên Lý của trường phái nghiên cứu Thiên Kiến, nên trong ngắn hạn các nhà nghiên cứu Thiên Kiến vẫn có thể tính ra được chuyển động cung cầu nhờ các quy luật về quá trình thay đổi Thiên Kiến. Quy luật đó được gọi là Quy Luật Hội Tụ Thiên Kiến, từ quy luật gốc này mà các công cụ như N6, N9 và nhiều công cụ khác được ra đời.

NguyenDucNghia

N971A.68@gmail.com

reaction

309 lượt thích

1 bình luận

4 tháng trước

© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.