Chứng khoán
Kết phiên 18/8, VN-Index, chỉ số đại diện thị trường chứng khoán Việt Nam, đã giảm 55,5 điểm, tương đương 4,5%, đây là một mức giảm rất đáng kể cả theo số tuyệt đối và tương đối. Vào hồi 13/6/2022, VN-Index từng ghi nhận mức giảm 57 điểm, tương đương với giảm 4,44%. Khối lượng giao dịch phiên 18/8 đạt đến 1,7 tỷ đơn vị trên sàn HOSE, phá vỡ kỷ lục 1,5 tỷ đơn vị lập vào ngày 19/11/2021.
HNX-Index và UPCoM-Index cũng có mức giảm sâu 14 điểm và 3,5 điểm, về mức 236 điểm và 89,3 điểm. Tính đến 15h00, giá trị giao dịch trên cả ba sàn HOSE, HNX và UPCoM vượt 42.100 tỷ đồng, tương ứng với 2,09 tỷ đơn vị.
Người viết đã trao đổi với ông Trần Xuân Bách, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC, mã: BVS) để tìm hiểu nguyên nhân thị trường giảm sâu, đồng thời đưa ra những lời khuyên cần thiết cho nhà đầu tư vào lúc này.
Theo ông Bách, VN-Index đã giảm mạnh phiên 18/8 đến đến từ một số nguyên nhân như nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là VIC của Vingroup bị bán mạnh. Việc sụt giảm mạnh của cổ phiếu VinFast (VFS) trên sàn chứng khoán Mỹ tác động không mấy tích cực đến cổ phiếu họ nhà Vingroup, qua đó gián tiếp ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và diễn biến thị trường chung vốn dĩ đang neo cao ở các vùng điểm nhạy cảm.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index đảo chiều giảm từ vùng kháng cự quanh 1.245 điểm kèm theo thanh khoản tăng đột biến khiến tâm lý nhà đầu tư lo ngại về rủi ro chỉ số tạo mẫu hình đảo chiều xu hướng ngắn hạn. Yếu tố định giá thị trường, đặc biệt P/E nhóm phi tài chính đã ở mức cao so với quá khứ. Ngoài ra, dư nợ vay ký quỹ (margin) đã lên mức cao sau giai đoạn tăng kéo dài của thị trường và các nhóm cổ phiếu.
Vị chuyên gia nhận định khả năng tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thị trường gặp nhiều khó khăn do phần lớn các cổ phiếu đang neo ở vùng giá cao và định giá nhóm phi tài chính đã trở về các mức cao trong quá khứ. Tuy nhiên, việc thị trường xuất hiện các nhịp điều chỉnh ngắn hạn là cần thiết trong một xu hướng tăng trung hạn.
“Nhịp điều chỉnh này không chỉ giúp các nhóm cổ phiếu có thời gian tích lũy tạo nền giá mới mà còn là cơ hội để kích hoạt thêm dòng tiền mới vào thị trường. Đây sẽ là các yếu tố quan trọng để giúp thị trường có thể chinh phục các vùng điểm cao hơn trong giai đoạn cuối năm, nhất là khi thị trường vẫn đang được hỗ trợ bởi xu hướng lãi suất giảm, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp hồi phục trong giai đoạn cuối năm.”, ông Bách đánh giá.
Vị giám đốc chiến lược khuyên nhà đầu tư không cần thiết phải bán tháo giá sàn trong phiên sụt giảm mạnh của thị trường mà nên tận dụng các nhịp hồi phục kỹ thuật của thị trường sau đó để xử lý các vị thế ngắn hạn còn lại trong danh mục.
Đối với các vị thế trung dài hạn, nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì trạng thái nắm giữ hoặc xem xét mua trading hàng có sẵn để giảm giá vốn bình quân cho các vị thế này khi thị trường cân bằng trở lại.
“Thời gian tới là giai đoạn phù hợp với việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, ưu tiên nhóm cổ phiếu dẫn dắt lợi nhuận và vốn hóa (ngân hàng, bất động sản, rổ Vn30); nhóm ngành có tính chu kỳ (dệt may, thủy sản, bán lẻ và tiêu dùng không thiết yếu, công nghệ, khu công nghiệp, thép); nhóm ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng giao thông (dầu khí, xây dựng và vật liệu, năng lượng).”, ông Bách chia sẻ.
Theo VietnamBiz
328 lượt thích
© 2021 Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0108400691
Số điện thoại: 02471059988 - Email: team@bovagau.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quang Sơn.
Giấy phép thiết lập MXH số 417/GP-BTTTT, ký ngày 05/07/2021.
Nhà đầu tư ẩn danh
1 năm trước