Vnindex 1.500: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi
Theo Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 283 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước ước đạt 125 triệu USD, tăng 2,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 158 triệu USD, tăng 3,3%.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp trên địa TP. Đà Nẵng trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng như: hàng dệt may ước đạt 76 triệu USD, tăng 2,3%; thủy sản 32 triệu USD, tăng 1,3%; thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ 3,4 triệu USD, tăng 2,4%; đồ chơi trẻ em 14,6 triệu USD, tăng 2,1%; cao su thành phẩm 22,3 triệu USD, tăng 3,2%; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 99 triệu USD, tăng 3,1%...
Về tình hình thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 11.709 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ 2023... Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn ra quân sản xuất vào ngày mồng 10 tháng Giêng (ngày 19/1/2024). Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng sớm nên ra quân sản xuất sớm hơn (từ ngày mồng 4 tháng Giêng). Các doanh nghiệp công nghiệp đã đặt ra kế hoạch đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng ngay sau Tết Giáp Thìn để phấn đấu hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2024.
Các doanh nghiệp công nghiệp sớm đẩy mạnh sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng
Đơn cử như, tại Công ty cổ phần Dệt may 29-3, ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, lực lượng lao động của doanh nghiệp đã quay trở lại với công việc. Theo nhận định của doanh nghiệp có trên 80% nhân sự đã quay lại công việc trong ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết. Hiện toàn lực lượng lao động của doanh nghiệp đang tất bật để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.
Theo bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may 29-3, trong năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp đạt 1.125 tỷ đồng, bằng 101% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 66,3 triệu USD, bằng 89% so cùng kỳ. Năm 2024, dự kiến thị trường dệt may còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới. Do đó cùng với việc củng cố thêm niềm tin với các khách hàng truyền thống doanh nghiệp sẽ nổ lực phát triển thêm khách hàng mới, tìm kiếm thị trường mới để bảo đảm đủ đơn hàng sản xuất trong 2024.
Xác định năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức, do đó các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị và kế hoạch để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh đạt kế quả khả quan. Theo ông Shim Woo Hyeong, Phó Giám đốc Công ty TNHH ICT Vina, doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2023 đạt 10 triệu USD, cải thiện rất nhiều so với giai đoạn 2020-2021 do ảnh hưởng Covid-19. Tiếp tục đà phục hồi, năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu khoảng 18 triệu USD. Để đạt mục tiêu trên, doanh nghiệp đã hoàn thành đầu tư sản xuất giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2, với kinh phí khoảng 277 triệu USD. Dự kiến quý 3/2024 sẽ vận hành chính thức nhà máy giai đoạn 2, với mục tiêu sản xuất các sản phẩm y tế để xuất khẩu.
Bên cạnh những thuân lợi, vẫn có nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn, thách thức. Đơn cử tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND TP. Đà Nẵng Trần Phước Sơn về tình hình sản xuất kinh doanh đầu năm mới, ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty Thuốc lá Đà Nẵng cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do nguyên phụ liệu tăng cao, song năm 2023 doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách 361 tỷ đồng và đảm bảo việc làm, thu nhập cho hơn 130 lao động.Tuy nhiên hiện nay, doanh nghiệp chưa có mặt bằng mới để sản xuất khi mà khu đất doanh nghiệp sử dụng đã hết thời hạn thuê. Cùng với đó, hạ tầng nhà xưởng của doanh nghiệp đã xuống cấp không thể đầu tư, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Tiếp nhận thông tin từ Công ty Thuốc lá Đà Nẵng, Phó Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Trần Phước Sơn ghi nhận nỗ lực của Công ty Thuốc lá Đà Nẵng, doanh nghiệp có đóng góp ngân sách lớn và chăm lo tốt cho người lao động. Liên quan việc di dời của doanh nghiệp, ông Sơn nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt của TP. Đà Nẵng là di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm trong khu dân cư đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
Ông Sơn đề nghị Sở Công Thương TP. Đà Nẵng nghiên cứu tham mưu UBND TP. Đà Nẵng có văn bản trình Bộ Công Thương, hỗ trợ sớm hoàn tất các thủ tục liên quan đến công tác nhập thiết bị của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị phía lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng phương án đầu tư khi được bố trí di dời về Cụm công nghiệp Cẩm Lệ, để ổn định sản xuất và phát triển trong thời gian tới. (Nguồn: stockbiz.vn)